Thứ tư, 06.01.2021 GMT+7

CUỘC TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN NĂM 1946 VÀ NHỮNG GIÁ TRỊ LỊCH SỬ

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, để chính thức hóa và hoàn thiện Nhà nước ở Trung ương, công việc đầu tiên phải quan tâm là tổ chức cuộc Tổng tuyển cử tự do trong cả nước “xúc tiến việc đi đến Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức”.

     “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nhà nước. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”1. Với tinh thần đó, trong không khí sôi sục của cách mạng, Nhân dân cả nước đón nhận và chuẩn bị Tổng tuyển cử như một ngày hội lớn thể hiện quyết tâm làm chủ của mình. Mặc dù công cuộc chuẩn bị và tiến hành cuộc Tổng tuyển cử diễn ra trong tình hình hết sức khó khăn; bọn tay sai tìm mọi cách phá hoại, vì chúng hiểu rằng Tổng tuyển cử thắng lợi nghĩa là âm mưu lật đổ chính quyền bị thất bại; bằng sức mạnh vĩ đại và niềm tin tưởng tuyệt đối vào Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân ta đã tiến hành Tổng tuyển cử với ý thức và tinh thần trách nhiệm cao nhất.

     Ngày 06/01/1946, Cuộc Tổng tuyển cử mang tính chất dân chủ đầu tiên ở Việt Nam được tiến hành trong cả nước. Mặc dù diễn ra trong điều kiện hết sức khó khăn, nhưng tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt rất cao. Kết quả, ở Hà Nội 91,95% cử tri của cả 74 khu phố nội thành và 118 làng đã đi bỏ phiếu, 6 trong tổng số 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Người trúng cử thấp nhất là 52,5%, người đạt phiếu cao nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh với tỷ lệ 98,4%. Tại Hải Phòng, tình hình phức tạp hơn, quân Tưởng xông vào cướp hòm phiếu ở một số nơi, bắt  nhiều công an, bảo vệ của chính quyền nhưng số cử tri đi bầu vẫn đạt 96%.

     Đặc biệt các tỉnh ở Nam Bộ, cuộc bầu cử diễn ra trong điều kiện bom đạn ác liệt của kẻ thù. Ngay từ cuối tháng 10/1945, sau khi được tăng cường lực lượng, thực dân Pháp đã phá vòng vây đánh rộng ra khắp các tỉnh Nam Bộ. Cuối tháng 11/1945, chúng chiếm các thị xã, đường giao thông chiến lược, đồn điền cao su ở các tỉnh miền Đông, miền Trung và một phần miền Tây Nam Bộ. Đồng thời chúng đổ bộ lên Nha Trang, từ đó đánh rộng ra các tỉnh Nam Trung Bộ và vùng rừng núi Tây Nguyên hòng thôn tính miền Nam nước ta từ vĩ tuyến 16 trở vào. Trong tình hình đó, cuộc Tổng tuyển cử ở các tỉnh Nam Bộ, trừ những nơi địch chưa tiến đến vẫn diễn ra bình thường, còn nói chung rất khó khăn quyết liệt, Nhân dân miền Nam đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội là thể hiện ý chí độc lập thống nhất, kiên quyết kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh, bảo vệ tính thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, Nhân dân đi bỏ phiếu rất đông, bất chấp bom đạn của giặc Pháp. Nhiều nơi Nhân dân phải hi sinh đổ cả xương máu để bảo vệ quyền tự do dân chủ của mình. Tại Sài Gòn, Chợ Lớn, quân Pháp đã chiếm toàn bộ thành phố và các vùng xung quanh, Tổng tuyển cử diễn ra dưới sự lùng ráp, khủng bố gay gắt của kẻ thù. Ủy ban hành chính thành phố mặc dù phải chuyển ra vùng ngoại ô nhưng vẫn tiếp tục chỉ đạo nhân dân nội và ngoại thành tiến hành Tổng tuyển cử. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ làm công tác tuyển cử đã chia đi các ngả bám sát từng khu phố, từng xóm lao động, từng người dân để lập danh sách cử tri, tuyên truyền, vận động bầu cử. Không có nơi bỏ phiếu cố định, thì đã có những họp phiếu cơ động để chuyển đi các ngõ xóm; cả Sài Gòn, Chợ Lớn có hàng trăm hòm phiếu như vậy; để bảo vệ các hòm phiếu, tại Sài gòn, Chợ Lớn có 42 cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh trong khi làm nhiệu vụ Tổng tuyển cử. Tại Tân An, máy bay Pháp xả súng bắn vào nơi quần chúng bỏ phiếu, làm 14 ngườ chết và nhiều người bị thương… Mặc dù vậy, vẫn có trên 90% cử tri đi bỏ phiếu.

     Tại Tây Nguyên, ngay trước ngày Tổng tuyển cử, thực dân Pháp đã dùng máy bay ném bom một số nơi để khủng bố dân chúng, nhưng cuộc bầu cử vẫn được tiến hành.

     Tại tỉnh Phú Thọ, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về tổ chức Tổng tuyển cử bầu cử Quốc hội, công tác tuyên truyền giáo dục về nghĩa vụ và quyền lợi của công dân, về trách nhiệm xây dựng chính quyền được tiến hành rộng rãi. Khẩu hiệu được kẻ trên vải, trên cót, trên nong ở khắp nơi như: “Việt Nam độc lập muôn năm!”; “Đi bầu cử là yêu nước”, “Tất cả cử tri hãy đến nơi bỏ phiếu”. Ngày 06/01/1946, cùng với Nhân dân cả nước, Nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ hân hoan tham gia cuộc bầu cử Quốc hội, số cử tri tham gia bầu cử đạt trên 90%. Những đại biểu Quốc hội do Mặt trận Việt Minh tỉnh giới thiệu đều trúng cử với tỉ lệ phiếu rất cao.

     Nhìn chung, tất cả các tỉnh thành trong cả nước đều tham gia cuộc tổng tuyển cử, 89% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu, phổ biến là 80%, nhiều nơi đạt 95%. Trừ một số nơi phải bầu bổ sung còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 43% không đảng phái (87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu các dân tộc ít người).

     Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, đánh dấu một mốc son quan trọng trong quá trình xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng của Đảng sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đó là Quốc hội của nhà nước độc lập, thống nhất dân tộc và đại đoàn kết toàn dân, của tất cả các giai cấp, dân tộc, tôn giáo, đảng phái yêu nước và dân chủ. Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có tính chất hợp pháp dân chủ - Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, được Nhân dân giao phó trọng trách điều hành đất nước. Thắng lợi đó đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới của đất nước ta có Quốc hội, một chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý. Đồng thời cũng khẳng định niềm tin tưởng tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của Nhân dân ta, là sự biểu thị khái vọng dân chủ của nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Cuộc Tổng tuyển cử diễn ra và giành thắng lợi trong bối cảnh cách mạng Việt Nam có nhiều khó khăn, nhân dân vừa thoát khỏi ách nô lệ nhưng Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định tổ chức Tổng tuyển cử. Đó là một quyết định sáng suốt, kịp thời, khẳng định đường lối, chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng.

     Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, đánh giá về thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng đinh, thắng lợi đó là “Kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta… không kể già trẻ, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc ”2.

     Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên sẽ còn mãi nguyên giá trị và sẽ tiếp tục được phát huy trong giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam.

     Chú thích:

     1 Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 1995, tr. 133

     2 Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 1995, tr. 189.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=cuoc-tong-tuyen-cu-dau-tien-nam-1946-va-nhung-gia-tri-lich-su
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com