Thứ năm, 31.12.2020 GMT+7

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA NÔNG DÂN TRONG CÔNG CUỘC XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở TỈNH PHÚ THỌ HIỆN NAY

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân là nhiệm vụ chiến lược, là cơ sở để bảo đảm ổn định tình hình chính trị - xã hội, sự phát triển hài hòa và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

     Ngày 28/10/2008, Chính phủ ra Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thống nhất nhận thức, hành động về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

     Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới là Chương trình mang tính tổng hợp, sâu rộng có nội dung toàn diện; bao gồm tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng. Mục tiêu chung của chương trình được Đảng ta xác định là: Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.

     Tỉnh Phú Thọ hiện nay có 208.000 hội viên nông dân chiếm trên 92% so với hộ nông dân, tham gia sinh hoạt tại 2.180 chi hội, ở 213 xã, phường, thị trấn có tổ chức cơ sở hội. Có thể khẳng định, nông dân đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay. Vai trò đó được thể hiện như sau:

     Một là: Nông dân là nguồn nhân lực quan trọng, quyết định sự thành công trong xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, nông dân giữ vị trí là chủ thể; đây là sự khẳng định đúng đắn, cần thiết, nhằm phát huy nhân tố con người, khơi dậy và phát huy mọi tiềm năng của nông dân vào công cuộc xây dựng nông thôn cả về kinh tế và văn hóa xã hội, đồng thời bảo đảm những quyền lợi chính đáng của họ. Do áp dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật, nông dân sản xuất ra nông sản ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng cao đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước và xuất khẩu. Qua đó, nông dân có điều kiện nâng cao thu nhập, tích lũy vật chất, ổn định cuộc sống và góp phần làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.

     Hai là: Nông dân là lực lượng trực tiếp đóng góp và đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới đi vào cuộc sống. Chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước rất quan trọng đối với việc hoạch định nội dung, bước đi và thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

     Ba là: Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nông dân là lực lượng trực tiếp xây dựng, giữ gìn và bảo vệ kết cấu hạ tầng nông thôn. Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông bê tông, nhựa hóa nông thôn là một nội dung trong xây dựng nông thôn mới. Điều đó đạt được nhanh chóng khi người nông dân nhận thức được tầm quan trọng của xây dựng đường giao thông trong phát triển kinh tế - xã hội, tự giác đóng góp xây dựng cùng với sự giúp đỡ của Nhà nước, của địa phương. Không những vậy, nhiệm vụ bảo quản, giữ gìn hệ thống đường sá nông thôn chính là công việc của bà con nông dân.

     Bốn là: Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nông dân là chủ thể chủ yếu xây dựng đời sống văn hóa tinh thần ở nông thôn. Thực hiện tốt Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước góp phần phát huy truyền thống tương thân, tương ái, tình làng nghĩa xóm, bài trừ các hủ tục, thực hiện nếp sống mới ở nông thôn; chăm lo phát triển giáo dục, tạo điều kiện  tốt nhất để cho con em được học tập, phát triển toàn diện; tham gia gìn giữ bản sắc tốt đẹp của địa phương, cơ sở. Nông dân tự giác chủ động thực hiện chỉnh trang nhà ở của mình theo tiêu chuẩn nông thôn mới như: xây dựng đủ các công trình vệ sinh, bố trí khu chăn nuôi hợp vệ sinh, cải tạo ngõ, xóm, tường rào để có cảnh quan sạch, đẹp.

     Năm là: Nông dân là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tích cực tham gia hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Hội phụ nữ phát động; tham gia đấu tranh các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần bảo vệ an ninh trật tự xã hội ở địa phương.

     Hiện nay, theo Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020, sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, toàn tỉnh có 95 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 02 huyện là Lâm Thao và Thanh Thủy đạt chuẩn huyện nông thôn mới, thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

     Để tiếp tục phát huy vai trò, tiềm năng của nông dân trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện nay, các cấp Hội Nông dân cần tập trung vào các vấn đề sau:

     Thứ nhất: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức chohội viên nông dân về vai trò chủ thể của mình trong công cuộc xây dựng nông thôn mới; về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đặc biệt là vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn;tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

     Thứ hai: Động viên nông dân và các thành viên gia đình chăm chỉ lao động; tích cực học hỏi, dám nghĩ, dám làm, phát huy tinh thần vượt khó vươn lên thoát nghèo; chủ động tham gia các phong trào phát triển kinh tế do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ phát động nhằm sử dụng và phát huy hiệu quả đồng vốn, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu chính đáng. Mạnh dạn học nghề, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương góp phần xây dựng nông thôn mới.

     Thứ ba: Tăng cường công tác giữ gìn vệ sinh, đường làng ngõ xóm xanh,sạch, đẹp; bảo vệ môi trường sống của gia đình và mọi người xung quanh, không xả rác thải bừa bãi ra môi trường. Thực hiện sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường của pháp luật; tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững.

     Xây dựng nông thôn mới là một trong những nội dung quan trọng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại nông nghiệp, nông thôn. Nông dân là chủ thể tích cực trong xây đựng đời sống văn hóa mới, xây dựng kết cấu hạ tầng; phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, làm cho mỗi người được thụ hưởng một cách tốt nhất những giá trị vật chất và tinh thần. Nông dân phải nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình mới có thể kế thừa, phát huy những truyền thống tốt đẹp và khắc phục những yếu tố lạc hậu, tiêu cực ảnh hưởng tới quá trình phát triển để xây dựng nông thôn Việt Nam hiện đại, văn minh.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=phat-huy-vai-tro-cua-nong-dan-trong-cong-cuoc-xay-dung-nong-thon-moi-o-tinh-phu-tho-hien-nay
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com