Thứ tư, 18.11.2020 GMT+7

VẬN DỤNG NGHỊ QUYẾT 35-NQ/TW VÀO GIẢNG DẠY PHẦN TRIẾT HỌC MÁC-LÊNIN TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LLCT - HC Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, quyết định sự tồn vong, sức mạnh của Đảng cầm quyền, của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và trong nước, vấn đề “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong một số cán bộ đảng viên và nhân dân. Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

     Nghị quyết nêu rõ những nội dung cần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là: Bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước.

     Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có nội dung rộng và thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một nhiệm vụ cấp bách và lâu dài. Với tư cách là giảng viên Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ trực tiếp tham gia giảng dạy học phần Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin tác giả nhận thấy việc vận dụng Nghị quyết 35 vào giảng dạy phần Triết học Mác - Lênin trong chương trình Trung cấp LLCT - HClà hết sức cần thiết; nhằm tập trung khẳng định những giá trị bền vững của triết học Mác - Lênin, đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận Triết học Mác - Lênin nói riêng và chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung.

     Hiện nay, có quan điểm dựa vào yếu tố thời đại để phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, phủ nhận giá trị của phép biện chứng duy vật của triết học Mác - Lênin. Quan điểm đó cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung và phép biện chứng duy vật nói riêng chỉ phù hợp với thế kỷ XIX, cùng lắm là đầu thế kỷ XX bởi đó là thời đại văn minh cơ khí. Còn hiện nay loài người đã bước sang thế kỷ XXI - thời đại của cách mạng khoa học, công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0, văn minh tin học, kinh tế tri thức, kinh tế số, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế nên nó không còn thích hợp nữa, nó đã bị lỗi thời, có luận điểm không đúng. Quan điểm khác lại dựa vào yếu tố địa lý, vào trình độ phát triển của quốc gia để phủ nhận tính phổ biến, nguyên lý về mối liên hệ phổ biến của triết học Mác - Lênin. Quan điểm đó cho rằng, triết học Mác được xây dựng trên cơ sở thực tiễn các nước tư bản phát triển nên không phù hợp với các nước lạc hậu, kém phát triển như Việt Nam, đó không phải là sản phẩm của Việt Nam mà du nhập từ phương Tây nên không phù hợp với điều kiện Việt Nam. Quan điểm đó đã không thấy được sức mạnh của sự trừu tượng hóa, khái quát hóa lý luận của triết học Mác nói riêng và chủ nghĩa Mác nói chung, hơn nữa những quy luật của phép biện chứng duy vật vạch ra nó không chỉ đúng với các nước phát triển mà đúng cả với các nước kém phát triển. Về mặt phương pháp luận, nguyên lý phát triển của triết học Mác - Lênin đã từng chỉ ra rằng trong cái phát triển cao chứa đựng cái phát triển ở trình độ thấp hơn dưới dạng lọc bỏ.   

     Nhìn chung, những ý kiến trên đây đều không đứng trên quan điểm khách quan mà xem xét. Nếu sử dụng quan điểm khách quan của triết học Mác - Lênin thì sẽ thấy được rằng, có một số luận điểm cụ thể của C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin không còn phù hợp với điều kiện mới hiện nay, song những nguyên lý cơ bản triết học Mác - Lênin, bản chất khoa học và cách mạng của nó vẫn giữ nguyên giá trị cần phải bảo vệ.

     Chẳng hạn: Các quy luật của phép biện chứng duy vật, lý luận nhận thức mác - xít trong “Bài 1: Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng”;  học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội, những tư tưởng khoa học về nhà nước, cách mạng xã hội, trong “Bài 2: Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử”,… Hoàn cảnh lịch sử - cụ thể luôn luôn thay đổi, song những quy luật phát triển cơ bản, phổ biến của lịch sử loài người mà triết học Mác - Lênin nêu lên là không thay đổi, có giá trị bền vững lâu dài...

     Trước thực tiễn đó, giảng viên khoa Lý luận cơ sở nói chung và những giảng viên trực tiếp giảng dạy triết học Mác - Lênin nói riêng cần kiên định trong lập trường và có những hành động cụ thể để bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin.

     Một là, mỗi giảng viên của khoa Lý luận cơ sở cần hiểu chính xác, sâu sắc, thấm nhuần các vấn đề thuộc chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử của triết học Mác - Lênin.

     Muốn được như vậy, các giảng viên khi soạn bài, chuẩn bị bài giảng cần nghiên cứu một cách sâu sắc tác phẩm kinh điển gốc, tránh lựa chọn việc đi tắt tìm đọc các bài viết trao đổi xung quanh thay vì đọc tài liệu gốc. Bởi lẽ, mặt hạn chế của cách làm này một mặt khiến cho người đọc dễ bị cuốn theo lăng kính chủ quan của người viết khi nhìn nhận vấn đề, hoặc người viết hiểu sai dẫn đến chúng ta cũng hiểu sai. Mặt khác, nếu không dựa trên tác phẩm gốc chúng ta sẽ không có cách đánh giá chính xác về bối cảnh mà tư tưởng, quan điểm đó ra đời, điều này sẽ khiến chúng ta đánh giá thiếu khoa học về tư tưởng của các nhà kinh điển, từ đó việc định hướng cho học viên sẽ thiếu tính chính xác, không hiệu quả.

     Hai là, vận dụng sáng tạo và hiệu quả các vấn đề của triết học Mác - Lênin vào điều kiện thực tiễn, nhất là trong quá trình giảng dạy. Cần xác định rõ cho học viên luận điểm nào là còn giá trị, luận điểm nào đã bị lịch sử vượt qua và cần phải được kế thừa vận dụng sáng tạo và phát triển.

     Ví dụ, trong “Bài 2: Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử” khi giảng viên soạn và giảng bài phần quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về Nhà nước cần phân tích làm rõ những giá trị cần tiếp tục bảo vệ và phát triển như:

     Về nguồn gốc của nhà nước: Triết học Mác - Lênin khác biệt về chất so với các học thuyết phi mác - xít về nguồn gốc ra đời của nhà nước. Sự khác biệt này ở chỗ đã chỉ ra nhà nước ra đời từ đâu, ra đời để làm gì và ra đời để phục vụ ai? Học thuyết mác - xít đã lý giải tất cả những câu hỏi này bằng cơ sở hiện thực của nhà nước, đó là cơ sở kinh tế - xã hội đã quy định sự ra đời, hình thành, phát triển và tiêu vong của nhà nước. Vì thế, nhà nước là một hiện tượng xã hội nhưng đây không là hiện tượng xã hội bất biến, thụ động mà nhà nước là thiết chế xã hội đặc biệt, năng động, sáng tạo và chỉ xuất hiện khi xã hội loài người phát triển đến một giai đoạn nhất định và sẽ tiêu vong khi những điều kiện khách quan cho sự tồn tại của nó mất đi.

     Về bản chất của nhà nước: Từ cơ sở kinh tế - xã hội cho sự ra đời của nhà nước, các nhà kinh điển mác - xít đã chỉ rõ bản chất của nhà nước thể hiện ở tính giai cấp (chức năng giai cấp) và tính xã hội (chức năng xã hội).

     Nhưng có những vấn đề cần luận giải mới trong quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về nhà nước đòi hỏi người giảng viên khi giảng dạy cần phân tích, làm rõ và định hướng cho người học.

     Thứ nhất, vấn đề “nhà nước tự tiêu vong”.

     Theo các nhà kinh điển mác - xít, cơ sở xã hội cho sự ra đời, tồn tại của nhà nước là mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được và cơ sở kinh tế là chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, vì thế khi những cơ sở sở xã hội và kinh tế này mất đi thì nhà nước - “bộ máy cai trị” của giai cấp thống trị sẽ mất đi. Với lý luận này cho chúng ta hiểu hai điều: (1) khi giai cấp thống trị này không còn thì nhà nước của giai cấp thống trị đó sẽ mất đi; (2) trong tương lai, khi giai cấp không còn, nghĩa là mâu thuẫn đối kháng giai cấp mất đi thì nhà nước nước sẽ hoàn toàn mất đi chức năng giai cấp của mình, chỉ còn duy nhất chức năng xã hội, lúc đó nhà nước trở thành thiết chế tự quản trong xã hội và thực hiện các chức năng xã hội thuần túy vì cộng đồng. Sự tự tiêu vong của nhà nước hay tự mất đi của nhà nước nghĩa là sự tiêu vong đó không phải do ý chí chủ quan của một chủ thể nào trong xã hội mà đây là quá trình tự nhiên, tất yếu theo quy luật vận động khách quan của xã hội loài người. Do vậy, dù giai cấp thống trị bằng cách này hay cách khác để cố giữ địa vị thống trị của mình thì sớm hay muộn nhà nước của giai cấp thống trị đó sẽ bị mất đi khi điều kiện kinh tế và xã hội của giai cấp này mất đi.

     Thứ hai, “nhà nước nửa nhà nước”.

     Nhà nước xã hội chủ nghĩa là kiểu nhà nước đặc biệt, nhà nước không còn nguyên nghĩa mà là “nửa nhà nước”, nhà nước tự tiêu vong khi cơ sở kinh tế, xã hội cho sự tồn tại của nhà nước không còn nữa. V.I.Lênin cho rằng, trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản, sự trấn áp vẫn còn tất yếu, nhưng nó đã là sự trấn áp của đa số bị bóc lột đối với thiểu số bóc lột. Cơ quan đặc biệt, bộ máy trấn áp đặc biệt là “nhà nước” vẫn còn cần thiết, nhưng nó đã là nhà nước quá độ, mà không còn là nhà nước theo đúng nghĩa của nó nữa. Vì thế, nhà nước xã hội chủ nghĩa là “nhà nước không còn nguyên nghĩa”, “nhà nước nửa nhà nước”, “nhà nước quá độ” để rồi chuyển dần tới một chế độ tự quản của nhân dân.

     Tóm lại, với tư cách là người nghiên cứu, giảng dạy triết học cần thể hiện rõ quan điểm bảo vệ Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa từ những nội dung bài giảng, mỗi buổi lên lớp, các bài viết đăng trên các tạp chí, những bài viết đăng trên báo, trang Website của nhà trường, đến hành động trong cuộc sống sinh hoạt đời thường. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu của đội ngũ giảng viên khoa Lý luận cơ sở hiện nay.

 

 

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=van-dung-nghi-quyet-35-nqtw-vao-giang-day-phan-triet-hoc-mac-lenin-trong-chuong-trinh-trung-cap-llct-hc-o-truong-chinh-tri-tinh-phu-tho
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com