Thứ sáu, 13.11.2020 GMT+7

VẬN DỤNG NỘI DUNG CƠ BẢN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH PHÚ THỌ LẦN THỨ XIX VỀ XÂY DỰNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH VÀO GIẢNG DẠY CỦA KHOA NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT

Chuyên đề “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền, đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Chuyên đề càng có ý nghĩa hơn trong năm 2020, năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, dịp để Đảng bộ các cấp nhìn nhận, đánh giá lại những việc đã làm được, những việc chưa làm được, xác định phương hướng giải pháp cho nhiệm kỳ tiếp theo. Chính vì vậy nghiên cứu tìm hiểu các nội dung trong Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt là với đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị. Với trách nhiệm là đơn vị thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là giảng dạy, nhất là các nội dung liên quan tới việc xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, giảng viên Khoa Nhà nước và pháp luật đã tích cực chủ động nghiên cứu, vận dụng các nội dung cơ bản của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX về xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh với các vấn đề sau:

     Một là, nghiên cứu về những kết quả đạt được của hệ thống chính trị tỉnh Phú Thọ, đó là:

     Kết quả hoạt động của Đảng bộ tỉnh Phú Thọ: Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đã khẳng định việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ,cùng với các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị.

     Công tác chính trị, tư tưởng có nhiều đổi mới góp phần tăng cường khối đại đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Chủ động, kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng, đa dạng hóa việc cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

     Công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm chỉ đạo thường xuyên và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tổ chức bộ máy cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn. Công tác cán bộ được chỉ đạo thực hiện đồng bộ, đúng nguyên tắc, quy trình, quy định. Công tác bồi dưỡng, tạo nguồn và phát triển đảng viên mới được quan tâm, trong nhiệm kỳ đã kết nạp được 13.742 đảng viên.

     Công tác kiểm tra, giám sát được đổi mới, từng bước siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, trong nhiệm kỳ đã thi hành kỷ luật 05 tổ chức đảng và 1930 đảng viên vi phạm, góp phần làm chuyển biến nâng cao chất lượng công tác của các cấp ủy, tổ chức đảng, giữ gìn sự trong sạch, đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ tỉnh.

     Công tác dân vận của hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, tăng cường. Các cấp ủy đảng đã tập trung đổi mới phương thức công tác dân vận. Việc tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân được duy trì nền nếp. Công tác dân tộc, tôn giáo được chú trọng. Phong trào thi đua "Dân vận khéo" được triển khai hiệu quả.

     Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp tiếp tục được đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Hội đồng nhân dâncác cấp có nhiều đổi mới, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Hoạt động của Ủy ban nhân dân các cấp tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên. Công tác chỉ đạo, điều hành được thực hiện theo hướng bám sát các chủ trương, định hướng lớn, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để tập trung chỉ đạo, đồng thời triển khai thực hiện theo hướng sâu sát nhiệm vụ, cụ thể “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, hướng về cơ sở.Tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính.

     Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều chuyển biến thiết thực,hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động được chú trọng, nâng cao chất lượng các lĩnh vực công tác theo hướng rõ chức năng, nhiệm vụ, hướng về cơ sở, tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

     Hai là, xác định rõ những hạn chế, nguyên nhân và các giải pháp trong hệ thống chính trị của tỉnh trong nhiệm kỳ vừa qua, đó là:

     Việc cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng tại một số tổ chức đảng chưa sát với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị. Công tác nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội có việc, có thời điểm chưa kịp thời. Hiệu quả hoạt động của một số cơ quan, đơn vị chưa được cải thiện rõ nét; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức gắn với vị trí việc làm còn hạn chế. Công tác đánh giá cán bộ ở một số nơi chưa sát thực tế. Các dấu hiệu vi phạm được phát hiện qua giám sát để chuyển sang kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm còn ít; công tác phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát có nội dung hiệu quả chưa cao. Việc nắm bắt tình hình và tham mưu giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan tới nhân dân ở một số địa phương có việc chưa kịp thời. Công tác dân vận ở một số cơ quan nhà nước chuyển biến còn chậm. Vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội hiệu quả chưa cao.

     Những hạn chế trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, đó là công tác nghiên cứu, dự báo tình hình chưa lường hết được những tình huống khó khăn trong nhiệm kỳ; năng lực triển khai, công tác chỉ đạo, điều hành, cụ thể hóa thực hiện các cơ chế chính sách, nghị quyết ở một số ngành, địa phương chưa quyết liệt, sáng tạo, sự phối hợp thiếu chặt chẽ; chưa kịp thời đề xuất các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; trách nhiệm của một số cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan trong hệ thống chính trị, tính nêu gương trong thực hiện nhiệm vụ được giao có việc còn hạn chế. Nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ về thực hiện nhiệm vụ chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác kiểm tra, giám sát theo dõi, đôn đốc thực hiện trong thực thi công vụ chưa nghiêm; năng lực, phẩm chất, ý thức kỷ luật chưa cao, còn tình trạng nhũng nhiễu, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Trình độ quản lý, tư duy kinh tế của nhiều chủ doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh chưa theo kịp với kinh tế thị trường và hội  nhập quốc tế.

     Để khắc phục những hạn chế cần tập trung vào việc: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện trong đó tiếp tục thực hiện nghiêm túc có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chị thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, phương pháp công tác chính trị, tư tưởng theo phương châm "nhanh nhạy, hiệu quả, thuyết phục" với những biện pháp, cách làm cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh; tập trung thực hiện tốt công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

     Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội; thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại, trong đó tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; UBND các cấp, xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh; tiếp tục xây dựng và củng cố về tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng các lĩnh vực công tác của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội theo hướng rõ chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo hiệu qủa, thiết thực và hướng về cơ sở; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân.

     Ba là, vận dụng vào công tác giảng dạy: Từ những nội dung học tập trên, các đảng viên, giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật sẽ phân tích, đánh giá, nhận định và vận dụng vào các chương trình giảng dạy được phân công. Các nội dung đó cần tập trung vào môn những vấn đề cơ bản về hệ thống chính trị, nhà nước và pháp luật XHCN, đặc biệt là phần học phần những vấn đề cơ bản về Hệ thống chính trị, nhà nước và pháp luật XHCN và tập trung ở bài 1, 2, 3: Hệ thống chính trị và đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

     Đối với bài Hệ thống chính trị và đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay, cần tập trung phân tích, lý giải rõ vị trí, vai trò của các  tổ chức trong hệ thống chính trịở phần 2.2. Cấu trúc của hệ thống chính trị Việt Nam; ở phần 3. Khái quát thực trạng hoạt động của hệ thống chính trị Việt Nam, đặc biệt vận dụng việc nghiên cứu hạn chế của hệ thống chính trị để xác định các nội dung cần đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta nói chung và địa phương nói riêng.

     Đối với bài Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, cần vận dụng các nội dung nghiên cứu trên vào phần phân tích, chứng minh ở phần 3. Phương hướng xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tập trung vào phương hướng: xây dựng đội ngũ cán bộ công chức đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đẩy mạnh đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và những hiện tượng tiêu cực khác trong bộ máy hành chính; đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

     Đối với bài Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cần vận dụng các nội dung nghiên cứu trên vào việc đánh giá vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức hoạt động của HĐND và UBND, đặc biệt ở phần 3. Phương hướng tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND.

     Từ sự vận dụng phân tích, lý giải, chứng minh đó sẽ giúp học viên nhìn nhận đánh giá một cách toàn diện những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế, xác định rõ nguyên nhân, đồng thời nắm được những giải pháp để nghiên cứu, vận dụng trong quá trình tham mưu, đề xuất với lãnh đạo địa phương; thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tuyên truyền cho cá nhân, tổ chức góp phần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị ở địa phương; xây dựng hoàn thiện bộ máy nhà nước; cơ quan chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới.

 

 

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=van-dung-noi-dung-co-ban-nghi-quyet-dai-hoi-dang-bo-tinh-phu-tho-lan-thu-xix-ve-xay-dung-he-thong-chinh-tri-trong-sach-vung-manh-vao-giang-day-cua-khoa-nha-nuoc-va-phap-luat
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com