Thứ ba, 10.11.2020 GMT+7

TÌM HIỂU QUY ĐỊNH MỚI VỀ HỆ THỐNG VĂN BẢN PHÁP LUẬT VIỆT NAM THEO LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NĂM 2020)

Trong lịch sử xã hội loài người đã tồn tại ba hình thức pháp luật là tập quán pháp, tiền lệ pháp và văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, văn bản quy phạm pháp luật là một trong những hình thức tiến bộ nhất. Đối với Nhà nước ta hiện nay, đây là hình thức pháp luật cơ bản vì nó thể hiện được rõ nét bản chất của pháp luật xã hội chủ nghĩa, đảm bảo tính thống nhất của pháp chế xã hội chủ nghĩa và tôn trọng tính tối cao của Hiến pháp và luật.

     Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nước ta được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

     Để tiếp tục nâng cao nhận thức của các chủ thể trong xã hội cũng như chất lượng, hiệu quả công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển toàn diện đất nước ta trong giai đoạn hiện nay, ngày 18/6/2020, Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021).

     Nội dung được sửa đổi, bổ sung theo Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật gồm các vấn đề: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật; các vấn đề được quy định trong Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã; xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của Ủy ban nhân dân các cấp…

     Những quy định mới về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2021) bao gồmcác nội dung sau:

     Thứ nhất, về Nghị quyết liên tịch: sẽ có hai loại văn bản quy phạm pháp luật là Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (theo Luật năm 2015) và Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (bổ sung trong Luật năm 2020).

     Nội dung của Nghị quyết liên tịch được sửa đổi theo hướng mở rộng hơn: Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành nghị quyết liên tịch để quy định chi tiết những vấn đề được luật giao hoặc hướng dẫn một số vấn đề cần thiết trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

     Thứ hai, về Thông tư liên tịch: chỉ còn Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Không ban hành thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

     Thứ ba, về Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã: các vấn đề thuộc nội dung của Nghị quyết, Quyết định được quy định rõ và mở rộng hơn theo thẩm quyền của từng cấp, cụ thể như sau:

     Hội đồng nhân dân cấp huyện ban hành nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao hoặc để thực hiện việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương.

     Hội đồng nhân dân cấp xã ban hành nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao.

     Trên đây là những quy định mới về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam theo Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021). Như vậy, kể từ ngày 01/01/2021, mỗi công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần chú ý đến những quy định mới về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện đúng quy định, từ đó đảm bảo tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên phạm vi cả nước.               

 

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=tim-hieu-quy-dinh-moi-ve-he-thong-van-ban-phap-luat-viet-nam-theo-luat-ban-hanh-van-ban-quy-pham-phap-luat-sua-doi-bo-sung-nam-2020
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com