Thứ bảy, 07.11.2020 GMT+7

MỘT SỐ QUY ĐỊNH QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ XÂY DỰNG, THỰC HIỆN HƯƠNG ƯỚC, QUY ƯỚC

Việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước (của thôn, tổ dân phố) là một trong những nội dung quan trọng mang tính tự quản của cộng đồng dân cư mà Nhân dân được bàn, biểu quyết thông qua và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền (UBND cấp huyện) quyết định công nhận, theo quy định Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, trị trấn.

          Hương ước, quy ước: Là văn bản quy định các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố tự nguyện thỏa thuận và thiết lập nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận theo quy định tại Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước” (Quyết định 22/2018/QĐ-TTg).

         Mục đích xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước: Nhằm phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở. Bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp; hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.

          Nguyên tắc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước: Hương ước, quy ước phải phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước,đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp cộng đồng dân cư. Bảo đảm tự nguyện, trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất của cộng đồng dân cư; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân; dựa trên nhu cầu tự quản của cộng đồng dân cư. Bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng các giá trị văn hóa mới phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư. Không vi phạm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm bình đẳng giới. Không đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất.

          Nội dung, hình thức của hương ước, quy ước: Nội dung của hương ước, quy ước do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố quyết định, bao gồm một hoặc một số lĩnh vực của đời sống xã hội mà pháp luật chưa quy định hoặc quy định nguyên tắc; ghi nhận các phong tục, tập quán tốt đẹp và biện pháp hạn chế, tiến tới xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan; phù hợp với yêu cầu tự quản của cộng đồng dân cư và mục đích, nguyên tắc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.

          Hương ước, quy ước được thể hiện bằng hình thức văn bản, có chữ ký xác nhận của Trưởng ban công tác Mặt trận, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố. Hương ước, quy ước sau khi được công nhận có đóng dấu giáp lai của UBND cấp huyện. Ngôn ngữ trong hương ước, quy ước là tiếng Việt, được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, phù hợp với cộng đồng dân cư. Đối với thôn, tổ dân phố có nhiều dân tộc cùng sinh sống và sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau thì cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố xem xét, quyết định việc dịch hương ước, quy ước sang tiếng dân tộc thiểu số để bảo đảm huy động đông đảo người dân tham gia ý kiến, biểu quyết thông qua dự thảo hương ước, quy ước và thực hiện sau khi được công nhận. Lựa chọn tên gọi “hương ước” hoặc “quy ước” do cộng đồng dân cư quyết định.

          Việc xây dựng định hướng nội dung hương ước, quy ước được thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 04/2020/TT-BVHTTDL ngày 06/8/2020 của Bộ trưởng Văn hóa, thể thao và du lịch về biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước (Thông tư 04/2020/TT-BVHTTDL): Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tham mưu trình UBND cấp tỉnh về định hướng nội dung hương ước, quy ước làm cơ sở hướng dẫn xây dựng, công nhận hương ước, quy ước trên địa bàn. Định hướng nội dung hương ước, quy ước phải phù hợp với yêu cầu về phạm vi nội dung hương ước, quy ước quy định tại khoản 1, Điều 5, Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg.

          Việc soạn thảo hương ước, quy ước (theo quy định tại Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg): Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố chủ trì, phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận tổ chức Hội nghị của thôn, tổ dân phố lấy ý kiến về chủ trương xây dựng hương ước, quy ước và những nội dung cơ bản dự kiến trong hương ước, quy ước. Trường hợp có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành xây dựng hương ước, quy ước, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố chủ trì, phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận lựa chọn, cử người tham gia Tổ soạn thảo hương ước, quy ước. Tổ soạn thảo có trách nhiệm soạn thảo hương ước, quy ước. Thành viên Tổ soạn thảo phải là người có uy tín trong cộng đồng dân cư; có phẩm chất đạo đức tốt; có kinh nghiệm sống và hiểu biết về pháp luật, văn hóa, phong tục, tập quán của địa phương; có đại diện phụ nữ tham gia. Đối với thôn, tổ dân phố vùng dân tộc thiểu số thì thành viên Tổ soạn thảo phải có sự tham gia của người dân.

         Việc lấy ý kiến vào dự thảo hương ước, quy ước: Dự thảo hương ước, quy ước trước khi đưa ra cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố bàn, biểu quyết thông qua phải được niêm yết công khai tại nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, bảng tin công cộng, điểm sinh hoạt cộng đồng hoặc địa điểm khác bảo đảm thuận tiện để hộ gia đình, cá nhân trong thôn, tổ dân phố tiếp cận, tìm hiểu và góp ý. Thời hạn niêm yết do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố quyết định nhưng ít nhất là 30 ngày, kể từ ngày niêm yết. Lấy ý kiến của hộ gia đình, cá nhân trong thôn, tổ dân phố bằng một trong các hình thức:Sao gửi dự thảo hương ước, quy ước đến từng hộ gia đình, cá nhân; Mở hòm thư tiếp nhận ý kiến góp ý; Lồng ghép, lấy ý kiến góp ý trong cuộc họp, hội nghị của thôn, tổ dân phố hoặc hình thức phù hợp khác.

         Thông qua hương ước, quy ước: Việc bàn, biểu quyết thông qua hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố được thực hiện bằng một trong các hình thức: Tổ chức họp cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình; Phát phiếu lấy ý kiến tới cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình. Hương ước, quy ước được thông qua khi có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành.

         Công nhận hương ước, quy ước (thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04/2020/TT-BVHTTDL): Sau khi tiếp nhận báo cáo của trưởng thôn, tổ trưởng dân phố về kết quả cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố bàn, biểu quyết thông qua hương ước, quy ước, công chức Văn hóa - Xã hội cấp xã chủ trì, phối hợp với công chức Tư pháp - Hộ tịch tham mưu giúp UBND cấp xã lập hồ sơ gửi UBND cấp huyện (Phòng Văn hóa và Thông tin) đề nghị công nhận hương ước, quy ước.Sau khi nhận đủ hồ sơ đề nghị công nhận hương ước, quy ước của UBND cấp xã, Phòng Văn hóa và Thông tin chủ trì, phối hợp với Phòng Tư pháp tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan để trình UBND cấp huyện công nhận hoặc không công nhận hương ước, quy ước.

         Thực hiện hương ước, quy ước: Hương ước, quy ước đã được UBND cấp huyện công nhận phải được thông tin, phổ biến kịp thời, rộng rãi đến các hộ gia đình, cá nhân trong thôn, tổ dân phố để biết, thực hiện bằng một trong các hình thức: Hội nghị của thôn, tổ dân phố; Niêm yết công khai tại nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng; Thông tin trên mạng lưới thông tin cơ sở; Sao gửi hương ước, quy ước đến từng hộ gia đình, cá nhân và các hình thức khác phù hợp với điều kiện thực tế của cộng đồng dân cư.

         Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố chủ trì, phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận tổ chức các hoạt động thông tin, phổ biến nội dung của hương ước, quy ước cho hộ gia đình, cá nhân trong thôn, tổ dân phố. UBND các cấp, các cơ quan, tổ chức hỗ trợ thôn, tổ dân phố tổ chức thông tin, phổ biến, truyền thông và thực hiện hương ước, quy ước.

         Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc thực hiện quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước:

         Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao: Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước theo quy định tại Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg và Thông tư số 04/2020/TT-BVHTTDL; Tổ chức hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho công chức Phòng Văn hóa và Thông tin, công chức Văn hóa - Xã hội và các cá nhân có liên quan trong công tác xây dựng, công nhận và tổ chức thực hiện hương ước, quy ước; Phối hợp với Sở Tài chính trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện công nhận hương ước, quy ước trong kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để áp dụng tại địa phương.

         Phòng Văn hóa và Thông tin: Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước theo quy định tại Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg và Thông tư 04/2020/TT-BVHTTDL; Hướng dẫn, đôn đốc UBND cấp xã chuẩn bị hồ sơ đề nghị công nhận hương ước, quy ước bảo đảm chất lượng và thời hạn theo quy định.

         Công chức Văn hóa - Xã hội: Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước theo quy định tại Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg và Thông tư 04/2020/TT-BVHTTDL; Theo dõi, hướng dẫn trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tổ chức thực hiện hương ước, quy ước.

         Kiểm tra, giám sát, theo dõi việc thực hiện hương ước, quy ước (thực hiện theo quy định tại Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg): UBND các cấp chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và tổ chức thành viên của Mặt trận kiểm tra, giám sát, theo dõi việc thực hiện pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước tại địa phương.

        Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội của thôn, tổ dân phố vận động hộ gia đình, cá nhân trong thôn, tổ dân phố thực hiện hương ước, quy ước; vận động xóa bỏ, không áp dụng phong tục, tập quán lạc hậu, trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

        Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố có trách nhiệm theo dõi, báo cáo kết quả thực hiện hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố với UBND cấp xã; tập hợp, phản ánh, đề nghị chính quyền cấp xã giải quyết kiến nghị của hộ gia đình, cá nhân trong thôn, tổ dân phố về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; định kỳ hằng năm đánh giá việc thực hiện hương ước, quy ước; rà soát, phát hiện, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế hương ước, quy ước hoặc kiến nghị xử lý hương ước, quy ước vi phạm.

         Khuyến khích già làng, trưởng ban, người đứng đầu dòng họ, người cao tuổi, chức sắc tôn giáo và những cá nhân có uy tín khác trong cộng đồng dân cư tuyên truyền, vận động, nhắc nhở hộ gia đình, cá nhân trong thôn, tổ dân phố tuân thủ và thực hiện hương ước, quy ước. Khuyến khích hòa giải viên ở cơ sở tham khảo, vận dụng hương ước, quy ước để hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong quá trình hòa giải tại cơ sở theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

         Thẩm quyền và hình thức xử lý hương ước, quy ước vi phạm: UBND cấp huyện có thẩm quyền xử lý vi phạm đối với hương ước, quy ước thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều 15 và Khoản 1, Điều 16 của Quyết định 22/2018/QĐ-TTg: 1) Tạm ngừng thực hiệnmột phần hoặc toàn bộ hương ước, quy ước,khi thuộc một trong các trường hợp: Có nội dung quy định và nếu áp dụng sẽ gây ra thiệt hại hoặc có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng; Chưa được UBND cấp huyện công nhận mà vẫn thực hiện. 2) Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ hương ước, quy ước, khi thuộc một trong các trường hợp: Bị tạm ngừng thực hiện theo quy định, nhưng đã hết thời hạn quy định trong quyết định tạm ngừng thực hiện mà thôn, tổ dân phố không tiến hành sửa đổi, bổ sung, thay thế; Đã được công nhận nhưng không bảo đảm điều kiện thông qua theo quy định tại Khoản 2, Điều 8 của Quyết định 22/2018/QĐ-TTg.

         Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền xử lý vi phạm đối với hương ước, quy ước quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 16 của Quyết định22/2018/QĐ-TTg (bãi bỏ hương ước, quy ước đã được công nhận nhưng không bảo đảm điều kiện thông qua theo quy định tại Khoản 2, Điều 8 của Quyết định 22/2018/QĐ-TTg), trong trường hợp UBND cấp huyện không xử lý hoặc xử lý không đúng quy định của pháp luật.

         Quyết định tạm ngừng thực hiện hương ước, quy ước phải quy định rõ thời hạn thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hoàn tất các thủ tục đề nghị công nhận theo quy định. Quyết định tạm ngừng thực hiện hương ước, quy ước có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và hết hiệu lực khi quyết định bãi bỏ hoặc công nhận hương ước, quy ước có hiệu lực pháp luật hoặc hương ước, quy ước sửa đổi, bổ sung, thay thế có giá trị thi hành.

       Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn quy định tại quyết định tạm ngừng thực hiện đối với hương ước, quy ước thuộc trường hợp quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 16 Quyết định 22/2018/QĐ-TTg hoặc kể từ ngày có căn cứ hương ước, quy ước thuộc trường hợp quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 16 Quyết định 22/2018/QĐ-TTg, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xử lý hương ước, quy ước vi phạm xem xét, ra quyết định bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung hương ước, quy ước. Việc bãi bỏ làm chấm dứt giá trị thi hành của hương ước, quy ước kể từ ngày Quyết định bãi bỏ có hiệu lực pháp luật.

 

 

 

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=mot-so-quy-dinh-quan-ly-nha-nuoc-ve-xay-dung-thuc-hien-huong-uoc-quy-uoc
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com