Thứ ba, 27.10.2020 GMT+7

ĐẢNG BỘ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHIỆM VỤ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Trong những năm vừa qua, trên cơ sở các định hướng từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, các Nghị quyết Trung ương khoá XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII; đồng thời, được sự quan tâm, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, sự phối hợp hiệu quả của các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội và các huyện, thị trong tỉnh, Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đã phát huy những thuận lợi, khắc phục các khó khăn, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển trong giai đoạn mới. Theo đó, nhiệm vụ của Nhà trường được cụ thể hóa, chủ động trong việc phối hợp với các ngành, địa phương trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ của tỉnh.

     Đảng bộ lãnh đạo tập trung đổi mới và cải tiến các nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng; chú trọng cập nhật kiến thức mới, kiến thức thực tiễn, bổ sung cập nhật tình hình, nhiệm vụ địa phương tỉnh Phú Thọ vào chương trình đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính. Phương thức mở lớp được đa dạng hóa, vừa đáp ứng được nhu cầu chuẩn hóa, vừa nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức của các địa phương, đơn vị.

     Đảng bộ, các chi bộ lãnh đạo, chỉ đạo các khoa chuyên môn duy trì, thực hiện nghiêm túc các biện pháp đổi mới phương pháp dạy và học để phát huy tính tích cực, chủ động và nâng cao ý thức tự giác trong tự học, tự nghiên cứu của học viên. Các bước, quy trình lên lớp được thực hiện nghiêm túc, tạo được đột phá trong đổi mới phương pháp, đánh giá chất lượng dạy - học. Tích cực đổi mới công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường công tác phối hợp với các địa phương, đơn vị trong đánh giá, nhận xét kết quả học tập, rèn luyện của cán bộ, tạo bước chuyển biến về chất lượng nguồn lực cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng.Từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng theo hướng học thực chất, thi thực chất và đánh giá thực chất”. Tăng cường quản lý nền nếp học tập của học viên. Hằng năm tổ chức cho giảng viên đi nghiên cứu thực tế theo chuyên đề, cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức thực tiễn.

     Giai đoạn 2015 - 2020, quy mô đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường tăng mạnh. Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo và hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh giao hằng năm. Thực hiện 301/289 lớp với 29.369/28.363 học viên, vượt 10,41% số lớp và 10,35% về số học viên so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII đề ra.Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền mở 02 lớp Cao học (Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước; Kinh tế phát triển) với 86 học viên; phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mở 14 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ huyện, thành, thị ủy quản lý với 2.832 học viên; 02 lớp bồi dưỡng nguồn và cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý (đối tượng 3) với 445 học viên đạt chất lượng. Phối hợp với các sở, ngành, Huyện ủy, UBND các huyện cử giảng viên tham gia giảng dạy các lớp bồi dưỡng: Trưởng khu dân cư, kiểm tra viên ngành thuế, bồi dưỡng chuyên viên, sơ cấp lý luận chính trị, truyền đạt nghị quyết...Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng có sự chuyển biến rõ nét cả về nhận thức lý luận và nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý và công tác thực tiễn cho học viên các ngành học; kết quả rèn luyện, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, tác phong công tác của học viên được nâng lên.

     Thực hiện phương châm “học đi đôi với hành”, “lý luận gắn với thực tiễn” các hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường được phát triển toàn diện, đa dạng hóa các loại hình; các khâu quy trình từ đăng ký, thẩm định, giao nhiệm vụ… được chú trọng. Mục tiêu, nội dung nghiên cứu được định hướng rõ ràng; cơ chế, chính sách, môi trường nghiên cứu được quan tâm đã tạo được động lực, phong trào thi đua nghiên cứu khoa học ở đông đảo cán bộ, giảng viên và học viên. Kết quả đã chỉ đạo thực hiện và bảo vệ thành công 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh; 39 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Bổ sung, biên soạn và phát hành cuốn “Lịch sử 60 năm xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ”, Tập bài giảng “Tình hình, nhiệm vụ của tỉnh Phú Thọ”, Tập bài giảng“Bồi dưỡng lý luận và nghiệp vụ công tác Đảng cho Bí thư cấp ủy xã, phường, thị trấn” (chỉnh lý, bổ sung năm 2019). Tổ chức 01 cuộc Hội thảo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; 03 cuộc Hội thảo khoa học cấp tỉnh; 15 hội thảo khoa học cấp trường, hàng trăm hội thảo chuyên đề, tọa đàm gắn với các đề tài khoa học cấp cơ sở và mô hình các lớp đào tạo tập trung, không tập trung, các lớp bồi dưỡng. Xuất bản 09 số Bản tin “Thông tin Lý luận và thực tiễn” với nội dung phong phú, chất lượng tốt, được Học viện và cán bộ, giảng viên đánh giá cao. Duy trì nâng cao chất lượng các tin, bài đăng Website trường, với trung bình 35-40tin, bài/tháng; số lượt truy cập trên 1000 lượt/ngày.

      Đảng bộ đã lãnh đạo việc xây dựng cơ quan một cách toàn diện, thực hiện tốt quy chế dân chủ trong cơ quan; xây dựng cơ quan văn hoá, an toàn, làm chủ; tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện tốt Chương trình trọng tâm của Đại hội Đảng bộ Trường (khóa VIII). Quan tâm việc nâng cao đời sống cán bộ, viên chức trên cơ sở tiết kiệm chi tiêu thường xuyên để tăng thu nhập và thông qua hoạt động mở lớp, giảng dạy ngoài nghĩa vụ và hoạt động dịch vụ. Nhà trường đã phối hợp với các huyện, thị, thành ủy và Trung tâm Chính trị huyện trong xây dựng tác phong, hình ảnh cán bộ, giảng viên, học viên dạy-học Lý luận chính trị. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, giảng viên Nhà trường trong thực thi nhiệm vụ theo Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG ngày 26/10/2017 về ứng xử văn hóa của trường Đảng: Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, cống hiến trong thực thi công vụ, cầu thị, sáng tạo, chất lượng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học; kỷ cương nơi công sở; văn minh trong ứng xử. Qua đó, rèn tác phong, xây dựng hình ảnh người cán bộ, giảng viên và học viên trường Đảng.

     Bước sang giai đoạn 2020-2025, với phương châm "Đoàn kết, kỷ cương, nêu gương, sáng tạo, phát triển", Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh khóa IX xác định: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”; Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quân điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; Phát huy giá trị truyền thống của Nhà trường; đổi mới và nâng cao chất lượng phong trào thi đua 4 tốt “Giảng dạy tốt, họctậptốt, quản lý tốt, phục vụ tốt.Lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, chỉ đạo cơ quan và các đoàn thể nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, hoạt động hiệu quả; phát huy tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; tích cực học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; từng bước thực hiện các tiêu chí xây dựng Trường Chính trị chuẩn, đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh trong tình hình mới, tập trung vào một số nhiệm vụ cơ bản sau:

     Một là, Để thực hiện được phương hướng trên, cần tiếp tục lãnh đạo nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.

     Chủ động tổng kết lại công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; phối hợp với các ngành, các cấp, các địa phương rà soát, đánh giá đúng thực trạng, xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là các cấp cơ sở để xây dựng Đề án và các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2020-2025. Coi trọng và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng toàn diện cho học viên cả về nhận thức lý luận chính trị, kỹ năng lãnh đạo, quản lý; coi trọng việc giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức cách mạng, tác phong chuẩn mực, phương pháp làm việc khoa học cho đội ngũ học viên.

     Tiếp tục đổi mới và thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Đảm bảo cân đối về quy mô đào tạo tập trung và không tập trung. Đa dạng hóa các loại hình bồi dưỡng; phối hợp tổ chức có hiệu quả các lớp bồi dưỡng theo các Quy định của Tỉnh ủy và Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 18/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

     Tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập, công tác quản lý, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học viên. Đề cao tinh thần trách nhiệm của Ban Giám hiệu, trưởng, phó các khoa, phòng và cán bộ, giảng viên trong quản lý đào tạo, bồi dưỡng, tạo sự chuyển biến rõ nét về chất lượng học tập của học viên. Kiên quyết khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị, học đối phó, học cốt để lấy bằng, lấy chứng chỉ để hoàn thiện hồ sơ cán bộ.

     Hai là, đổi mới, phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn gắn với tình hình, nhiệm vụ địa phương tỉnh Phú Thọ.

     Chủ động đề xuất và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ khoa học cấp bộ, cấp tỉnh, các chương trình, đề án, các nhiệm vụ tổng kết thực tiễn. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tiếp tục biên soạn tài liệu, sách tham khảo, chuyên khảo với chất lượng tốt nhất theo hướng chuyên nghiệp, bổ sung nguồn tài liệu tham khảo quan trọng, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ công tác giảng dạy, học tập và công tác lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh Phú Thọ. Tiếp tục nghiên cứu biên soạn tài liệu bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở, các chức danh công chức cấp xã và các chương trình bồi dưỡng khác.

     Tiếp tục thực hiện đổi mới phương thức nghiên cứu khoa học theo phương hướng gắn với đi thực tế ở cơ sở cho giảng viên và học viên, để từ đó đi sâu nghiên cứu địa bàn, bám sát lĩnh vực tiếp cận, phát hiện được những vấn đề mới; từ đó đề xuất được giải pháp khả thi để thực hiện. Phát huy vai trò định hướng, tạo cơ chế, môi trường của Ban Giám hiệu; chủ động đề xuất ý tưởng, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên. Nâng cao trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.

     Ba là, lãnh đạo xây dựng nếp sống văn hoá công sở, môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng. Tiếp tục xây dựng tác phong, hình ảnh của cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh theo Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQGHCM ngày 26/10/2017 Quy định về ứng xử văn hóa của Học viện CTQGHCM và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông qua kết quả bình xét thi đua trong từng tháng được đánh giá theo 03 tiêu chí: Chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, tham gia các hoạt động đoàn thể của Nhà trường; Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tinh thần thái độ học tập; Thực hiện nhiệm vụ, công tác chuyên môn.  Còn đối với học viên kiểm tra thông qua ứng xử với giảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ phục vụ; ý thức, trách nhiệm trong học tập, rèn luyện, tinh thần thái độ học tập nghiêm túc, tích cực trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trên lớp; chủ động tự nghiên cứu, học tập; chấp hành nội quy, quy chế của Nhà trường.

     Trong giai đoạn mới, Trường Chính trị tỉnh cần phải thực hiện tốt các giải pháp trên, nhằm từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh vừa có trình độ lý luận, thế giới quan khoa học, vừa có trình độ nghiệp vụ chuyên môn, phẩm chất đạo đức cách mạng. Đáp ứng yêu cầu ngày càng cao sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=dang-bo-nang-cao-chat-luong-dao-tao-boi-duong-can-bo-dap-ung-yeu-cau-nhiem-vu-trong-giai-doan-hien-nay
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com