Thứ tư, 14.10.2020 GMT+7

CHƯƠNG TRÌNH SÁCH GIÁO KHOA MỚI - CẦN NHỮNG Ý KIẾN MANG TÍNH XÂY DỰNG

Hiện nay, trên một số báo, tạp chí và các diễn đàn, mạng xã hội đang “dậy sóng” về chuyện sách giáo khoa Tiếng Việt 1, có luồng ý kiến đánh giá 4 bộ sách do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn là “nặng, quá tải”. Tuy nhiên, phần đông luồng ý kiến khác lại tập trung đánh giá nội dung sách Tiếng Việt 1 của bộ sách Cánh Diều do Nhà xuất bản Đại học sư phạm Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh biên soạn có nhiều “sạn”, gây ra những tranh cãi, băn khoăn, lo lắng của giáo viên, phụ huynh và các em học sinh.

     Trong những luồng ý kiến này, nhiều ý kiến góp ý, phản biện có tính chất xây dựng, thể hiện sự tâm huyết, cùng hiến kế để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà theo chủ trương lớn của Đảng; nhưng bên cạnh đó, nhiều phần tử chống phá, phản động xem đây là cơ hội béo bở để kích động, lợi dụng tung hoả mù và làm phức tạp thêm tình hình. Sự chống phá này lại được giúp sức bởi những kẻ đang có tư tưởng bất mãn chế độ trong nước, những trí thức “tự phong” với một số mánh khoé, chiêu trò lòe bịp, hoặc những thanh thiếu niên “thiếu não” giúp sức, rất tích cực “like”, “comment”, “share”, đưa tin sai lệch, thêm vào những nội dung không hề có trong chương trình để xuyên tạc, vu cáo. Có những kẻ núp sau để hành động, chuyên sắm vai “cào phím”, cũng có những kẻ đã ra mặt phản động. Thậm chí, tiêu cực đến mù quáng. Chúng còn nhân cơ hội này để so sánh nền giáo dục của nước ta hiện nay với nền giáo dục từ thời Việt Nam cộng hòa - một chế độ làm tay sai cho đế quốc và không bao giờ được thừa nhận. Với “thành tựu” trên một nửa trẻ em không được đi học, trường học chỉ dành cho con em nhà giàu, chương trình học thì nặng về lý thuyết và thi cử, xa thực tế, thiếu thực hành, một nền giáo dục vay mượn ngoại lai, là di sản của thực dân, phong kiến. Tới năm 1974, tỷ lệ người dân biết đọc và viết của Việt Nam cộng hòa ước tính vào khoảng 70% dân số, tức là trong 20 năm tồn tại, Việt Nam cộng hòa vẫn chưa thanh toán xong nạn mù chữ (trong khi đó, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thanh toán xong nạn mù chữ ở đồng bằng và trung du miền Bắc ngay từ năm 1958) [1].

     Thực tế, dù có thể còn những vấn đề, những “hạt sạn” sẽ được các cơ quan chức năng của nhà nước, các nhà chuyên môn chỉ ra và đưa ra phương án xử lý phù hợp nhất. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu Hội đồng thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 rà soát, kiểm tra các nội dung báo chí, dư luận đã nêu và báo cáo Bộ trước ngày 17/10/2020. Bản thân các tác giả chủ biên cuốn sách cũng đã rất cầu thị tiếp thu. GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh diều - cho biết, nhóm tác giả sẽ đánh giá kết quả triển khai, tiếp thu ý kiến của giáo viên, xã hội để điều chỉnh cho ngày càng phù hợp hơn. Dù vậy, ông cũng cho rằng, dư luận cần khách quan, công bằng khi đánh giá. Những người biên soạn sách đã làm rất kỹ và có quan điểm của mình. Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Tiếng Việt 1, GS.TS Trần Đình Sử mong muốn phụ huynh hãy bình tĩnh và tin tưởng vào giáo viên cũng như nền giáo dục nước nhà. “Hãy để cho con trẻ, thầy cô và toàn ngành giáo dục yên ổn nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Kết quả của chương trình sẽ được trả lời trong cuối năm học”. Ông cũng nhận định, các bài học gây tranh cãi trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 đều được chia làm 02 phần trong sách và được mở ngoặc đơn đánh số (1), (2) thể hiện cho 02 phần. Tuy nhiên, nhiều người đã đọc không kỹ, chỉ đọc một nửa câu chuyện, rồi chụp ảnh đăng tải lên mạng với nội dung chỉ trích, nên gây ra nhiều hiểu lầm [2].

     Sáng 13/10/2020, trong buổi tiếp xúc cử tri hội viên Câu lạc bộ Bạch Đằng (Hải Phòng) để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời các vấn đề “nóng” mà cử tri quan tâm, trong đó có vấn đề sách giáo khoa. Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và đào tạo nghiêm túc tiếp thu những vấn đề mà cử tri và đại biểu đã nêu và sẽ có công bố chính thức để rút kinh nghiệm, sẽ xử lý nghiêm nếu có vi phạm. Sự chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ đã thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị đối với công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực được coi là quốc sách hàng đầu. Đây chính là thời điểm mà ngành giáo dục rất cần sự động viên, tiếp sức, những góp ý mang tính hiến kế trên tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng. Tất nhiên, chúng ta không cần những “sáng kiến” theo kiểu: tốt nhất ôm gọn bộ sách giáo khoa của các nước phát triển về dạy, chỉ có văn học, lịch sử, địa lý là tự soạn ra mà dạy, chẳng lẽ lại dạy lịch sử Trung Quốc, Địa lý Tàu hay văn học Hán… Quan điểm của tôi cho rằng, có thể đúng là nhiều người do chưa đọc hết, đọc kỹ cuốn sách, lại hay a dua thiếu hiểu biết nên đã có ý kiến chỉ trích như vậy. Việc chỉ trích bằng cách xuyên tạc, cắt ghép có chủ đích không phải là xây dựng mà là tạo ra sự hoang mang trong xã hội, nhất là phụ huynh và các em học sinh; từ đó tạo tâm lý chia rẽ, gây mất lòng tin của Nhân dân vào công cuộc cải cách giáo dục.

     Tin tưởng rằng, với những cố gắng, nỗ lực của toàn ngành giáo dục, cùng với sự kiên nhẫn, ủng hộ từ nhân dân, chúng ta sẽ sớm được thấy những “trái ngọt” từ công cuộc đổi mới nền giáo dục nước nhà trong thời gian tới.

     [1] Theo Bách khoa toàn thư mở vi.wikipedia.org.

     [2] Trích phát biểu của GS.TS Trần Đình Sử, dẫn theo vietnamnet.vn.

 

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=chuong-trinh-sach-giao-khoa-moi-can-nhung-y-kien-mang-tinh-xay-dung
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com