Thứ năm, 08.10.2020 GMT+7

SO SÁNH - PHƯƠNG PHÁP HIỆU QUẢ TRONG GIẢNG DẠY MÔN TÌNH HÌNH, NHIỆM VỤ CỦA TỈNH PHÚ THỌ

Môn Tình hình, nhiệm vụ của tỉnh Phú Thọ là môn học trang bị những kiến thức cơ bản về quá trình phát triển của Đảng bộ tỉnh Phú Thọ từ khi ra đời đến nay, gồm lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Mục tiêu của chương trình nhằm nâng cao nhận thức của học viên về những vấn đề quan trọng, thiết thực của địa phương; vận dụng vào thực tiễn công tác, góp phần xây dựng chi bộ, đảng bộ cơ sở trong trạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.

     Để đáp ứng yêu cầu trên, giảng viên phải vận dụng nhiều phương pháp nhằm nêu bật và khắc sâu những nội dung trọng tâm, những yếu tố đặc thù, riêng có của tỉnh Phú Thọ. Trong đó, so sánh là một phương pháp rất hiệu quả, giúp người học dễ tiếp cận, nắm bắt nội dung kiến thức.

     So sánh là một phương pháp được hình thành trên cơ sở đối chiếu những điểm giống và khác nhau giữa đối tượng này với đối tượng khác để tìm ra bản chất, lý giải nguyên nhân của sự vật, hiện tượng nhất định.

     Vận dụng vào giảng dạy môn Tình hình, nhiệm vụ của tỉnh Phú Thọ, giảng viên cần xác định rõ nội dung và phương pháp so sánh.

     Cụ thể, phương pháp này có thể vận dụng khi giảng dạy các nội dung sau:

     Thứ nhất, về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của tỉnh.

     Việc nắm được đặc điểm vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của tỉnh là nội dung giúp học viên thấy rõ nét về lợi thế so sánh, tiềm năng phát triển và các khó khăn, trở ngại của tỉnh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần sử dụng hiệu quả bản đồ và các số liệu để thấy rõ điểm tương đồng, sự khác biệt giữa Phú Thọ với các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Từ đó, giúp học viên có cái nhìn tổng thể về vùng, phát triển vùng; gợi mở để lý giải phần nào các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn, như: Vì sao cùng nằm trong “lõi nghèo” của cả nước, cùng nằm trong vùng có điều kiện tương đối giống nhau, nhưng một số tỉnh đang bứt lên, phát triển với tốc độ nhanh? Phú Thọ đã thực hiện vai trò kết nối kinh tế giữa các tỉnh đồng bằng với các tỉnh miền núi phía Tây Bắc như thế nào?

     Thứ hai, về đặc điểm lịch sử - văn hóa của tỉnh.

     Nét đặc trưng khi nói đến lịch sử - văn hóa của tỉnh, là nói đến vùng đất Tổ - nơi các Vua Hùng lựa chọn để xây dựng Nhà nước Văn Lang. Nhà nước Văn Lang khi mới ra đời thuộc giai đoạn sơ kỳ đồng thau - tiêu biểu là văn hóa Phùng Nguyên. Văn hoá Phùng Nguyên phân bố trên một vùng rộng lớn từ các tỉnh Vĩnh Yên, Phú Thọ, Hà Tây, Hải Phòng, Hà Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa… nhưng Phú Thọ mới là nơi được chọn để thành lập nên nhà nước đầu tiên của cư dân Việt cổ.

     Với nội dung này, giảng viên cần kết nối với những nội dung đã học về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của tỉnh Phú Thọ, đồng thời mở rộng, so sánh với những địa phương nơi xuất hiện di chỉ văn hóa Phùng Nguyên để lý giải việc Phú Thọ được chọn làm nơi xây dựng nhà nước Văn Lang. Mặc dù đây là nội dung không cần phân tích kỹ, nhưng những chi tiết lịch sử cùng sự so sánh phù hợp sẽ tạo nên nét sinh động, thú vị cho bài giảng; khơi dậy niềm tự hào của học viên - những người con Đất Tổ - về bề dày văn hiến của dân tộc Việt Nam nói chung, tỉnh Phú Thọ nói riêng.

     Với nét lịch sử - văn hóa đặc trưng của tỉnh nhà, giảng viên cũng cần liên hệ với việc phát triển du lịch hiện nay; so sánh với một số địa phương lân cận hoặc những địa phương có lợi thế phát triển du lịch về nguồn, du lịch tâm linh; minh chứng bằng những số liệu cụ thể về lượng khách tham quan, doanh thu du lịch, lao động trong ngành du lịch… Từ đó giúp học viên thấy rõ được hiệu quả phát huy lợi thế; khơi dậy ý tưởng về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, các di tích lịch sử với phát triển kinh tế của địa phương.

     Thứ ba, về sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Phú Thọ.

     Đây là một trong những nội dung trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên của tỉnh. Để khắc sâu kiến thức, giảng viên cần giúp học viên thấy được nét riêng trong sự ra đời của Đảng bộ tỉnh bằng cách so sánh với sự ra đời của một số đảng bộ khác như Vĩnh Phúc, Tuyên Quang… về quá trình, thời điểm ra đời, đội ngũ đảng viên… đồng thời lý giải nguyên nhân vì sao có sự khác biệt đó.

     Thứ tư, về phát triển các lĩnh vực đời sống xã hội của tỉnh.

     Đây là nội dung có nhiều thông tin, số liệu, vì vậy, giảng viên cần chọn lọc để phân tích, so sánh, làm rõ kết quả đạt được trên từng lĩnh vực; đánh giá tính phù hợp hoặc không phù hợp của chủ trương, chính sách.

     Bên cạnh đó, cần làm rõ nét riêng biệt của tỉnh Phú Thọ trong phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện ở việc xác định phương hướng, lựa chọn khâu đột phá, cách làm, mô hình, điển hình…

     Với các nội dung trên, giảng viên có thể so sánh bằng những số liệu điển hình, hay chuỗi số liệu được biểu thị bằng bảng thống kê, biểu đồ; có thể so sánh trên từng lĩnh vực theo năm, theo nhiệm kỳ hoặc so sánh với các tỉnh khác trong cả nước.

     Tóm lại, do đặc thù và mục tiêu của môn Tình hình, nhiệm vụ của tỉnh Phú Thọ, giảng viên cần vận dụng những phương pháp khác nhau để làm nổi bật và khắc ghi kiến thức; trong đó, cần chú trọng sử dụng phương pháp so sánh, nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng, phục vụ thiết thực cho công tác của học viên tại địa phương, cơ sở.

 

 

 

 

 

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=so-sanh-phuong-phap-hieu-qua-trong-giang-day-mon-tinh-hinh-nhiem-vu-cua-tinh-phu-tho
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com