Thứ hai, 05.10.2020 GMT+7

GIẢNG VIÊN KHOA LÝ LUẬN CƠ SỞ VỚI HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với vai trò quan trọng của tri thức khoa học, việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học có ý nghĩa thiết thực. Đây là cơ sở cần thiết để tiến hành đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

     Đối với giảng viên trường chính trị tỉnh, nghiên cứu khoa học vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm. Việc tích cực, chủ động nghiên cứu khoa học sẽ góp phần nâng cao năng lực tư duy, khả năng giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra và uy tín của giảng viên khi đứng lớp. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp cơ sở. Cùng với hoạt động giảng dạy, hoạt động nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ chính của giảng viên; giúp giảng viên nghiên cứu sâu hơn kiến thức chuyên môn và cập nhật kiến thức thực tiễn phục vụ bài giảng phong phú, có chất lượng hơn.

     Theo Quyết định số 2252/QĐ-HVCTQG ngày 02 tháng 5 năm 2019 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hoạt động nghiên cứu khoa học ở các trường chính trị gồm nhiều nội dung như: Nghiên cứu đề tài khoa học; hội thảo khoa học cấp trường, cấp khoa; biên soạn giáo trình, tài liệu, lịch sử truyền thống; xuất bản Thông tin lý luận và thực tiễn; viết bài cho trang thông tin điện tử của nhà trường, các báo và tạp chí địa phương, Trung ương; hoạt động thao giảng, dự giờ.

     Trong những năm vừa qua, hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ nói chung, của khoa Lý luận cơ sở nói riêng đạt được nhiều kết quả và có bước phát triển mạnh mẽ. Từ năm 2017 đến nay, bình quân mỗi năm khoa Lý luận cơ sở lãnh đạo giảng viên nghiên cứu và nghiệm thu từ 01 đến 02 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở. Tất cả các đề tài tham gia đều có giá trị lý luận và thực tiễn, được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao, đều bảo vệ cấp trường xếp loại xuất sắc. Cụ thể:

     Năm 2017, khoa Lý luận cơ sở chủ trì nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu đề xuất giải pháp thực hiện chính sách xã hội ở huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, thực trạng và giải pháp”. Đề tài do Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Huyền làm chủ nhiệm, cùng các thành viên khác của khoa tham gia. Đề tài đã hệ thống hóa những cơ sở lý luận và nghiên cứu thực trạng việc thực hiện chính sách xã hội ở huyện Phù Ninh, từ đó đề xuất những giải pháp thiết thực góp phần thực hiện tốt các chính sách xã hội trong thời gian tới. Đề tài không chỉ là tài liệu cho giảng viên và học viên Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ khi nghiên cứu, giảng dạy mà còn là tài liệu tham khảo thiết thực cho cán bộ, lãnh đạo và nhân dân huyện Phù Ninh trong việc đề ra những giải pháp thực hiện tốt các chính sách xã hội trong giai đoạn tiếp theo.

     Năm 2018, các giảng viên khoa Lý luận cơ sở thực hiện 02 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở đó là: “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững ở huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, thực trạng và giải pháp” do Thạc sĩ Bùi Thị Huyền làm chủ nhiệm và “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển kinh tế tư nhân ở thị xã Phú Thọ” do Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan làm chủ nhiệm. Cả 02 đề tài đều được đánh giá cao vì đã đi sâu nghiên cứu một trong những khâu đột phá của tỉnh Phú Thọ giai đoạn hiện nay. Đề tài góp phần giúp cán bộ, nhân dân huyện Đoan Hùng và thị xã Phú Thọ nhìn thẳng vào thực trạng và nghiêm túc tiếp thu những giải pháp góp phần phát triển kinh tế thời gian tới.

     Năm 2019, các giảng viên khoa Lý luận cơ sở đi sâu nghiên cứu những đề tài thực sự thiết thực trong công việc chuyên môn của giảng viên. Sản phẩm của đề tài không chỉ đơn thuần là báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt mà còn tham mưu xây dựng quy chế, nội quy và hướng dẫn góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động chuyên môn của trường. Năm 2019, các giảng viên của khoa tham gia 03 đề tài nhóm có liên kết với các khoa, phòng; trong đó có 02 đề tài được cấp ngân sách của tỉnh đó là: “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp thực hiện các giờ thảo luận trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ” do đồng chí Nguyễn Thị Thúy Hằng làm chủ nhiệm và “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng Bản tin Thông tin Lý luận và thực tiễn ở Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ giai đoạn hiện nay”. Cả 02 đề tài đều được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao và xếp loại xuất sắc.

     Năm 2020, các giảng viên của khoa tiếp tục thực hiện 02 đề tài cấp cơ sở: “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp và quy định cụ thể về thực hiện văn hóa trường Đảng ở Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ trong giai đoạn hiện nay” do Thạc sĩ Trần Thị Hướng làm chủ nhiệm và “Vận dụng các chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị vào giảng dạy phần học Những vấn đề cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính ở Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ” do Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền làm chủ nhiệm. Các giảng viên tham gia nghiên cứu đề tài đang nỗ lực thực hiện các bước và hoàn thiện báo cáo kết quả các đề tài cấp cơ sở trong thời gian tới.

     Như vậy, từ năm 2017 đến nay khoa Lý luận cơ sở luôn quan tâm, tạo điều kiện định hướng, tham mưu, giúp đỡ các giảng viên thực hiện tốt các đề tài khoa học cấp cơ sở góp phần nhỏ vào thành công chung của hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trưởng. Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu của các giảng viên trong khoa vẫn còn một số hạn chế như: Nhận thức của một số giảng viên chưa đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn nên tham gia chưa đồng đều; chất lượng một số công trình nghiên cứu, tổng kết chưa cao; chưa có các ý tưởng sáng tạo trong nghiên cứu khoa học…

     Để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn đáp ứng yêu cầu đặt ra, trước mắt cần làm tốt các nhiệm vụ chủ yếu sau:

     Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức cho giảng viên về mục tiêu, yêu cầu của hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.

     Đây là cách tốt nhất để phát triển lý luận, làm cho lý luận thật sự có sức sống để hướng dẫn để triển khai, vận dụng vào thực hiện, thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở.

     Hai là, xác định rõ nội dung cần tập trung nghiên cứu, tổng kết.

     Hiện nay, để nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, giảng viên cần xác định rõ nội dung nghiên cứu, trực tiếp là tập trung vào tổng kết, đánh giá thực tiễn việc quán triệt, cập nhật những vấn đề mới như nghị quyết mới, chủ trương mới; cập nhật tình hình thế giới, trong nước, trong tỉnh, đời sống nhân dân để đưa vào giảng dạy.

     Ba là, chi bộ lãnh đạo các giảng viên chủ động tiếp cận thông tin, phát hiện vấn đề, kịp thời tham mưu, đề xuất các vấn đề phát sinh cần tổng kết.

     Để tổng kết thực tiễn có hiệu quả, bản thân mỗi giảng viên phải nắm vững nội dung lý luận cần được bổ sung kiến thức từ thực tiễn và điều đó chỉ có được khi giảng viên có một trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cơ bản.

     Làm tốt hoạt động nghiên cứu các đề tài cấp cơ sở cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giảng viên khoa Lý luận cơ sở nói riêng và của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ nói chung vì vậy lãnh đạo khoa cần quan tâm, tạo điều kiện, khuyến khích các giảng viên tích cực khắc phục hạn chế để hoạt động nghiên cứu đề tài cấp cơ sở của khoa trong những năm tới được thực hiện tốt hơn.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=giang-vien-khoa-ly-luan-co-so-voi-hoat-dong-nghien-cuu-khoa-hoc
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com