Thứ hai, 24.08.2020 GMT+7

MỐI QUAN HỆ GIỮA THỰC HÀNH DÂN CHỦ VÀ TĂNG CƯỜNG PHÁP CHẾ, BẢO ĐẢM KỶ CƯƠNG XÃ HỘI

Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ chính trị do Đảng Cộng sản lãnh đạo, với nội dung quan trọng nhất là quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; Nhân dân là chủ thể và là người thực hiện quyền lực chung của xã hội. Bản chất của chế độ chính trị do Đảng Cộng sản lãnh đạo chính là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Sau gần 35 năm đổi mới, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được hoàn thiện với việc nâng cao chất lượng chế độ dân chủ đại diện và mở rộng dần các hình thức dân chủ trực tiếp. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra bước nhảy vọt của lực lượng sản xuất; kỷ nguyên số và các phương tiện truyền thông mới với đặc điểm về tính siêu kết nối xã hội mang đến những phương thức và không gian tương tác mới giữa các thiết chế chính trị, các cá nhân trong xã hội. Xã hội mở thúc đẩy giao thoa tư tưởng, các giá trị văn hóa, trong đó có văn hóa dân chủ, khiến cho dân chủ trở thành một xu thế của thời đại, vượt qua những hiện tượng, khuynh hướng, trào lưu phi dân chủ nhất thời, cực đoan; dân chủ phản ánh tiến trình đi lên của lịch sử nhân loại.

Lý luận của Đảng ta về dân chủ, dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng có bước phát triển với nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về bản chất, hình thức, tính chất, vị trí, vai trò, tác dụng và ý nghĩa của dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, bước chuyển từ nhận thức dân chủ đến thực hành dân chủ còn có độ trễ, thậm chí có sự thiếu tương hợp giữa ý thức dân chủ và thực hành dân chủ, khiến cho việc hiện thực hóa nguyên tắc quyền lực thuộc về Nhân dân, thực hành quyền làm chủ của Nhân dân trong thực tiễn còn bộc lộ không ít bất cập; có lúc, có nơi vẫn xảy ra hiện tượng mất dân chủ hoặc dân chủ hình thức và ở chiều ngược lại là dân chủ quá trớn, cực đoan, vô chính phủ. Dân chủ gắn bó chặt chẽ và tự nhiên với pháp luật – như là môi sinh và điều kiện không thể thiếu để bảo đảm, bảo vệ dân chủ được nảy sinh, nuôi dưỡng và phát triển; tất nhiên hệ thống pháp luật ở đây phải là công bằng, tiến bộ, nhân văn. Hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam là pháp luật của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Các quy định của pháp luật xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân và bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhân dân. Nhân dân không chỉ là người thừa hành pháp luật mà còn là chủ thể xây dựng và bảo vệ pháp luật. Thượng tôn pháp luật là điều kiện tiên quyết để dân chủ được thực hành rộng rãi và thực chất. Sau gần 35 năm đổi mới, hệ thống pháp luật nước ta thể hiện tư duy lập pháp dựa trên nguyên tắc pháp quyền, mang đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ, ngày càng hoàn thiện về nội dung và hình thức, kỹ thuật lập pháp theo hướng thống nhất, đồng bộ, khả thi, toàn diện và minh bạch; đáp ứng được vai trò vừa là công cụ quản lý nhà nước, xã hội, vừa là công cụ để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Hệ thống pháp luật đầy đủ và hoàn chỉnh là cơ sở và điều kiện tiên quyết để pháp chế xã hội chủ nghĩa ngày càng được tăng cường, đòi hỏi mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội đều phải tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý và phải chịu trách nhiệm pháp lý bắt buộc khi vi phạm pháp luật.  Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, ưu điểm, pháp chế xã hội chủ nghĩa ở nước ta còn nhiều hạn chế, điển hình là hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, thiếu ổn định; chất lượng một số văn bản pháp luật chưa cao, còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp với thực tiễn. Thượng tôn pháp luật và bảo đảm tính tối thượng của Hiến pháp chưa trở thành thói quen thường trực của đội ngũ cán bộ, công chức và tổ chức, cá nhân trong xã hội, chưa ăn sâu vào đời sống chính trị - xã hội.

Nắm vững, giải quyết tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, cần:

Thứ nhất, củng cố, mở rộng và phát triển các điều kiện bảo đảm, nhất là bảo đảm chính trị và bảo đảm kinh tế đối với dân chủ và pháp chế xã hội chủ nghĩa. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là bảo đảm chính trị và là nhân tố có ý nghĩa quyết định để xây dựng thành công nền dân chủ, pháp chế xã hội chủ nghĩa. Sự bảo đảm đó càng được khẳng định bởi mục tiêu chính trị cao nhất của Đảng là vì lợi ích tối cao của Nhân dân, của Tổ quốc và dân tộc. Từ trong bản chất, nguyên tắc pháp quyền, pháp chế do Đảng ta lãnh đạo xây dựng, nên không chỉ thể hiện ý chí, mục tiêu chính trị của Đảng, những giá trị tốt đẹp, tiến bộ và cách mạng của hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa mà còn thể hiện ý chí, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của Nhân dân. Đó là nền pháp quyền nhân văn, vì con người, được mọi người chấp thuận và thực hành bằng cả lương tâm và trách nhiệm, dần phát triển thành ý thức tự giác tuân thủ pháp luật và văn hóa thượng tôn pháp luật xã hội chủ nghĩa. Dân chủ và kỷ cương trong Đảng là hạt nhân và có ý nghĩa quyết định tới việc thực hiện dân chủ và kỷ cương trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Cùng với việc bảo đảm tuyệt đối vai trò duy nhất lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, thì việc làm cho Đảng ta thực sự là biểu tượng về dân chủ và kỷ cương là vấn đề cốt tử để phát huy dân chủ và tăng cường pháp chế. Đảng phải cầm quyền vì dân, cầm quyền một cách dân chủ, khoa học và cầm quyền theo pháp luật.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là bảo đảm kinh tế của dân chủ và pháp chế xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển tạo nền tảng và cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, đồng thời thúc đẩy sự hoàn thiện của kiến trúc thượng tầng tương ứng, trong đó có dân chủ và pháp luật. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là môi sinh cho dân chủ thực chất, loại bỏ dân chủ hình thức; bắt đầu từ dân chủ hóa về kinh tế mà thúc đẩy dân chủ hóa trên các mặt chính trị, văn hóa – xã hội, ý thức – tư tưởng. Định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam chỉ được bảo đảm ngay từ đầu khi gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, mà ở đó không thể tách rời các chức năng kinh tế và chức năng xã hội của Nhà nước tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền. Nền kinh tế nước ta ngày càng chú trọng chất lượng tăng trưởng, phát triển chiều sâu, hướng tới hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao là định hướng phát triển quan trọng, tạo nền tảng vật chất để nâng cao đời sống, trình độ dân trí, văn hóa dân chủ, văn hóa pháp lý của Nhân dân, là điều kiện phát huy nền dân chủ gắn với nền pháp chế xã hội chủ nghĩa. Khi nền kinh tế phát triển và phồn thịnh sẽ là cơ sở vững chắc để các thành viên trong xã hội thực hiện tốt các quyền, nghĩa vụ dân chủ, cũng như loại bớt những nguyên nhân của nhiều hành vi vi phạm pháp luật.

Thứ hai, nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn để hài hòa, kết hợp nhuần nhuyễn mối quan hệ giữa thực hành dân chủ với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Dân chủ xã hội chủ nghĩa có mối quan hệ không tách rời với pháp chế xã hội chủ nghĩa. Do đó, cần tránh quan điểm xem nhẹ, tuyệt đối hóa hay tách biệt trong xử lý mối quan hệ giữa thực hành dân chủ với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Khi tách biệt, xem nhẹ hay tuyệt đối hóa vai trò của bất kỳ thành tố nào trong cặp quan hệ trên đều khiến phá vỡ trật tự, trạng thái cân bằng cần có của mối quan hệ biện chứng này, từ đó có thể dẫn đến những chệch hướng, sai lầm trong nhận thức và vận dụng vào thực tiễn. Mặc dù hệ thống pháp luật của nước ta được xây dựng ngày càng đầy đủ hơn, bao quát được nhiều hơn các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng việc tổ chức thực thi pháp luật vẫn là một khâu yếu trong các nội dung cấu thành của pháp chế xã hội chủ nghĩa, làm cho tình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm vẫn xảy ra hoặc một số luật được ban hành nhưng không đi vào cuộc sống; tình trạng vi phạm pháp luật nhưng không xử lý nghiêm minh, khiến pháp luật bị coi thường, thậm chí có hiện tượng “nhờn luật”, thách thức pháp luật. Do đó, việc thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội chính là điều kiện để chúng ta khắc phục “độ vênh” giữa thực hành dân chủ, pháp chế và lý luận về dân chủ.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tiêu chuẩn, nguyên tắc pháp quyền hiện đại. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam có chất lượng, tạo tiền đề pháp lý vững chắc cho mọi hoạt động của Nhà nước trong quản lý xã hội và để Nhân dân thực thi đầy đủ quyền dân chủ của mình. Đó là hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, công bằng, không thiên vị, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân là trung tâm, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh; trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của đất nước. Hệ thống pháp luật phải quy định rõ cơ chế để Nhân dân tham gia thực chất vào quá trình hình thành nên hệ thống pháp luật, bảo đảm pháp luật thực sự phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Pháp luật được xây dựng, ban hành bằng con đường dân chủ, bảo đảm những tiêu chuẩn về tính công khai, minh bạch ngay từ khi mới hình thành ý tưởng, chính sách; bảo đảm cân bằng lợi ích giữa các thành viên trong xã hội, tránh để “lợi ích nhóm” thao túng, hướng lái chính sách.

Thứ tư, Bảo vệ quyền con người, coi việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người là một trong những sứ mệnh hàng đầu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bộ máy nhà nước và công chức nhà nước cần vượt lên tư duy quản lý truyền thống dựa trên “quyền uy”, “xin – cho” sang tư duy quản lý dựa trên nghĩa vụ, trách nhiệm “phục vụ” người dân và doanh nghiệp, đặt toàn bộ tổ chức và hoạt động của Nhà nước trên nền tảng “phục vụ Nhân dân”. Bảo đảm nguyên tắc công dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm; trong khi cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Hoàn thiện cơ chế bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các thiết chế trong hệ thống chính trị. Xây dựng mô hình chính quyền mở trên cơ sở tận dụng công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thông mới để gia tăng độ mở thông tin và gia tăng sự tương tác trực tuyến giữa chính quyền và Nhân dân; đồng thời bổ sung chế tài xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Xây dựng văn hóa dân chủ và văn hóa thượng tôn pháp luật xã hội chủ nghĩa; nâng cao dân trí, bồi đắp nhận thức về dân chủ, phương pháp thực hành dân chủ, bản lĩnh thực hành dân chủ, ý thức tuân thủ pháp luật một các tự giác, trở thành thói quen và cao hơn phải trở thành văn hóa dân chủ, văn hóa thượng tôn pháp luật là yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay. Thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội cần được chú trọng trong tổng thể việc nhận thức và giải quyết các mối quan hệ, nhất là việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

           Nguồn: “Tài liệu tham khảo dành cho báo cáo viên, tuyên truyền viên” – tháng 8 năm 2020.

 
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=moi-quan-he-giua-thuc-hanh-dan-chu-va-tang-cuong-phap-che-bao-dam-ky-cuong-xa-hoi
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com