Thứ tư, 12.08.2020 GMT+7

SUY NGHĨ VỀ BIỂN ĐẢO TỔ QUỐC


 “Đất nước tôi ba nghìn cây số biển

Nhấp nhô ba nghìn đảo nhỏ, đảo to

Cỏ ở đây ánh màu san hô đỏ

Biển chỉ xanh ở chỗ xa bờ…

 

Tổ quốc tôi ba nghìn cây số biển

Có con đường mòn rẽ sóng khơi xa 

Thuỷ thủ không tên, đoàn tàu không số

Tượng đài trắng dựng lên sau ánh chớp sáng lòa

 (Trích Tổ quốc tôi ba nghìn cây số biển – Nguyễn Ngọc Phú)

Đó là những vần thơ dung dị của tác giả Nguyễn Ngọc Phú khi viết về Tổ quốc của chúng tôi – đất nước Việt Nam hình chữ S xinh đẹp, nhỏ bé nhưng kiên cường, bất khuất. Đất nước chúng tôi – Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một quốc gia nằm ở khu vực Đông Nam Á, có tổng diện tích xếp thứ 65/197 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng. Đất nước chúng tôi tuy không rộng như Nga, tuy không phát triển mạnh về kinh tế như Mỹ, nhưng chúng tôi có những lợi thế so sánh riêng có, có những thế mạnh riêng về vị trí địa lý, về con người mà bất kỳ quốc gia lớn nhỏ nào trên thế giới phải nể phục. Đó chính là lợi thế to lớn về biển, đảo của đất nước Việt Nam.

Việt Nam chúng tôi có bờ biển dài 3260 km chạy dài từ Bắc tới Nam, đứng thứ 27 trên thế giới, với rất nhiều đảo, đặc biệt hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông. 

Vùng biển Việt Nam có trên 4000 hòn đảo lớn nhỏ trong đó: vùng Biển Đông Bắc có trên 3.000 đảo; Bắc Trung Bộ trên 40 đảo; còn lại ở vùng biển Nam Trung Bộ, vùng biển Tây Nam và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Riêng quần đảo Hoàng Sa gồm trên 30 đảo, đá, cồn san hô, đá ngầm và bãi cạn. Quần đảo Trường Sa gồm hơn 100 hòn đảo, đá, cồn san hô và bãi cát.

Đối với đất nước chúng tôi, biển có vai trò vô cùng quan trọng về các mặt chiến lược, phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng, giao thông hàng hải,… Đặc biệt, trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, biển, đảo quốc gia có ý nghĩa vô cùng quan trọng, có vai trò to lớn trong công cuộc phát triển đất nước, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. 

Trong suốt chiều dài lịch sử gìn giữ nước, biển Việt Nam là một không gian chiến lược đặc biệt quan trọng đối với quốc phòng – an ninh của đất nước. Với một vùng biển rộng, bờ biển dài, địa hình bờ biển quanh co, khúc khuỷu, có nhiều dãy núi chạy lan ra biển, chiều ngang đất liền có nơi chỉ rộng khoảng 50 km (tỉnh Quảng Bình), nên việc phòng thủ từ hướng biển luôn mang tính chiến lược. Hệ thống quần đảo và đảo trên vùng biển đất nước chúng tôi cùng với dải đất liền ven biển thuận lợi cho việc xây dựng các căn cứ quân sự, điểm tựa, pháo đài, trạm gác tiền tiêu, hình thành tuyến phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp, với thế bố trí chiến lược hợp thế trên bờ, dưới nước, tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ, kiểm soát và làm chủ vùng biển nước nhà.

Với tài nguyên phong phú, biển có ý nghĩa to lớn để đất nước chúng tôi phát triển về kinh tế, mở cửa giao lưu với quốc tế và ngày càng có vai trò to lớn trong tương lai. Trong đó, đặc biệt phải kể đến là dầu mỏ, khí đốt và các nguyên liệu chiến lược khác, đảm bảo cho an ninh năng lượng quốc gia và cho đất nước tự chủ hơn trong phát triển kinh tế đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. So với các nước Đông Nam Á, trữ lượng dầu khí của đất nước chúng tôi đứng thứ 3, sau In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a. Tuy mới ra đời, nhưng ngành dầu khí là một ngành mũi nhọn, có tiềm lực kỹ thuật, vật chất lớn và hiện đại nhất trong những ngành khai thác biển; đồng thời cũng là một trong những ngành xuất khẩu và thu nhiều ngoại tệ nhất cho đất nước chúng tôi. Bên cạnh đó, biển Việt Nam nằm ở vị trí có nhiều tuyến đường biển quan trọng của khu vực cũng như của thế giới, giữ một vai trò rất lớn trong vận chuyển lưu thông hàng hóa thương mại phục vụ đắc lực cho xây dựng nền kinh tế của nước nhà cùng như các nước quanh bờ Biển Đông.

Không chỉ có lợi thế về quốc phòng – an ninh, về dầu khí, về cảng và vận tải biển, đất nước chúng tôi còn khai thác được lợi ích kinh tế về thủy sản và các khoáng sản khác, các nguồn năng lượng, về du lịch biển, và về nguồn lực con người,…

Như vậy, biển, đảo có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển và an ninh của Việt Nam. Đặc biệt, thế kỷ XXI được các nhà chiến lược xem là “ Thế kỷ của đại dương” khi mà các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đất liền, đặc biệt là tài nguyên không tái tạo được sẽ bị cạn kiệt sau vài ba thập kỷ tới. Trong bối cảnh đó, các nước có biển, nhất là các nước lớn đều vươn ra biển, xây dựng chiến lược biển, tăng cường tiềm lực mọi mặt để khai thác và khống chế biển. Riêng đối với Việt Nam chúng tôi, một trong những nét độc đáo trong bản sắc văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên mới, đó là: thông qua biển để dựng nước và giữ nước. Ngày nay, thế hệ trẻ chúng tôi càng tự hào và trân trọng những di sản mà quá khứ cha ông để lại, càng quyết tâm khơi dậy nguồn sức mạnh trong sự nghiệp giữ vững chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

 
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=suy-nghi-ve-bien-dao-to-quoc
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com