| ||
THỰC HIỆN TỐT CHÍNH SÁCH NGƯỜI CÓ CÔNG THEO LỜI DẠY CỦA BÁC | ||
Tri ân, quan tâm chăm sóc và ưu đãi người có công với nước luôn là chính sách quan trọng hàng đầu, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm chăm sóc đặc biệt đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Người dạy “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”. Cứ vào dịp tháng 7 – kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7) hằng năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại gửi thư thăm hỏi, động viên thương binh, gia đình liệt sĩ. Trong thư, Người luôn ghi nhận, khẳng định công lao, đóng góp to lớn của các thương binh, anh hùng liệt sĩ và các gia đình có công với nước; đồng thời luôn động viên các thương binh, bệnh binh và các gia đình liệt sĩ: “Các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương, cũng như các đồng chí đã từng là chiến sĩ ngoài mặt trận”. Tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với nước luôn được thể hiện nhất quán, xuyên suốt, cụ thể và thiết thực trong các bài nói, bài viết, hành động và việc làm của Người. Trước khi đi xa, trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn biết bao điều hệ trọng, trong đó có “công việc đối với con người” – những đối tượng đầu tiên được Bác quan tâm chính là thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ, Người căn dặn chúng ta phải thực hiện tốt các chính sách quan tâm, ưu đãi đối với từng đối tượng “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thành niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, thì mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”. Những tư tưởng nhân văn, quan điểm và hành động nhất quán, di huấn để lại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác chăm lo đối với thương binh, bệnh binh, các anh hùng liệt sĩ và gia đình có công với nước, đã được Đảng, Nhà nước ta kế thừa, thực hiện, phát huy và cụ thể hóa bằng nhiều chương trình, chính sách ưu đãi, chăm sóc, hỗ trợ, giúp đỡ, thể hiện lòng biết ơn, sự tri ân của toàn xã hội với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của mọi người dân Việt Nam. Thời kỳ đổi mới đất nước, các chính sách ưu đãi đối với người có công với nước càng được quan tâm thực hiện một cách thiết thực, thường xuyên và sâu rộng: Hệ thống chính sách pháp luật ưu đãi người có công từng bước được hoàn thiện; chế độ ưu đãi ngày càng được cải thiện và nâng cao; đối tượng người được hưởng chính sách ngày càng được mở rộng (người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng, ...); các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” được triển khai thực hiện đảm bảo công bằng, đồng thuận xã hội và được xã hội hóa, như xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tìm hài cốt liệt sĩ, tu sửa, nâng cấp đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ... ngày càng thu hút sự tham gia của toàn xã hội. Những hoạt động nghĩa tình đó đều bắt nguồn từ tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đều là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, toàn xã hội, mọi người dân: thực hiện tốt chính sách đối với người có công theo lời dạy của Bác. Kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2020), mỗi người dân Việt Nam càng thấm nhuần lời dạy về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” trong Di chúc của Bác. Tư tưởng nhân văn của Người sẽ tiếp thêm tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần và truyền thống yêu nước của lớp lớp thế hệ người Việt Nam; đồng thời cũng là định hướng để Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, hệ thống chính trị và mọi người dân tổ chức tốt các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, thiết thực tri ân các anh hùng liệt sĩ, chăm lo cho các gia đình liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh và những người có công với nước; tiếp nối truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Tiếp tục thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính sách ưu đãi người có công với nước được quan tâm thiết thực, đảm bảo mức sống của những người có công bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên các địa bàn cư trú, các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” được phát triển rộng khắp trên khắp mọi miền đất nước. Huy động sự tham gia đóng góp tích cực của toàn xã hội, của các cộng đồng, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các cá nhân để cùng với Nhà nước, các cấp chính quyền chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với nước và thân nhân của người có công. Xác định, thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên người có công với nước và gia đình vươn lên phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng tại nơi cư trú, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đạo nghĩa của dân tộc Việt Nam đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác thương binh liệt sĩ, tổ chức tốt hơn nữa các hoạt động tri ân, chăm lo cho các gia đình liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh và những người, những gia đình có công với nước. Hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2016 – 2020 “Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về chính sách xã hội. Làm tốt chính sách ưu đãi người có công”; thực hiện tốt chủ trương Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra “Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, thực hiện tốt chính sách người có công”. Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII xác định “Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp và chính sách đối với người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú. Cân đối ngân sách để tiếp tục thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, giải quyết căn bản chính sách đối với người có công, nâng cấp các công trình “đền ơn đáp nghĩa”. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục quán triệt, động viên cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và mọi người dân quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, những người có công với nước bằng nhiều việc làm thật thiết thực và với cả tấm lòng thành kính, sự tri ân sâu sắc đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, các gia đình chính sách. Thực hiện đầy đủ chính sách người có công với phương châm tuyệt đối không để sót đối tượng được hưởng và giải quyết nhanh, dứt điểm những trường hợp chưa được hưởng chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời động viên các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước nỗ lực vượt khó khăn, gương mẫu đóng góp tinh thần, sức lực cho công cuộc xây dựng quê hương đất nước. Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, các thương binh và người có công với nước đã xả thân và hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Quan tâm, chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công và gia đình người có công với nước là trách nhiệm, tình cảm của Đảng, Nhà nước ta và của toàn xã hội; đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, động viên mọi nguồn lực, kết hợp thực hiện chính sách với xã hội hóa để thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân của người có công với nước. | ||
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=thuc-hien-tot-chinh-sach-nguoi-co-cong-theo-loi-day-cua-bac | ||
|