Thứ sáu, 12.06.2020 GMT+7

CHẾ ĐỘ PHÁP LÝ CÁC VÙNG BIỂN CỦA QUỐC GIA VEN BIỂN THEO QUY ĐỊNH CÔNG ƯỚC LIÊN HỢP QUỐC VỀ LUẬT BIỂN NĂM 1982

Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển (United Nations Convention on Law of the Sea - UNCLOS) năm 1982 thể hiện cao nhất tính pháp điển hóa tập quán quốc tế và sự phát triển tiến bộ của luật quốc tế trong lĩnh vực biển, do đó nhận được sự thừa nhận rộng rãi và ủng hộ của cộng đồng quốc tế; đến nay, đã được 167 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn.

 

Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982 đặt ra giới hạn cho nhiều khu vực, tính từ một đường cơ sở (baseline): “Trừ khi có quy định trái ngược của Công ước, đường cơ sở thông thường dùng để tính chiều rộng lãnh hải là ngấn nước triều thấp nhất dọc theo bờ biển, như được thể hiện trên các hải đồ tỷ lệ lớn đã được quốc gia ven biển chính thức công nhận”; “Ở nơi nào bờ biển bị khoét sâu và lồi lõm hoặc nếu có một chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển, phương pháp đường cơ sở thẳng nối liền các điểm thích hợp có thể được sử dụng để kẻ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải”; “Ở nơi nào bờ biển cực kỳ không ổn định do có một châu thổ và những đặc điểm tự nhiên khác, các điểm thích hợp có thể được lựa chọn dọc theo ngấn nước triều thấp nhất có chuyển dịch vào phía trong bờ, các đường cơ sở đã được vạch ra vẫn có hiệu lực cho tới khi các quốc gia ven biển sửa đổi đúng theo Công ước”; “Tuyến các đường cơ sở không được đi chệch quá xa hướng chung của bờ biển, và các vùng biển ở bên trong các đường cơ sở này phải gắn với đất liền đủ đến mức đạt được chế độ nội thủy”; “Phương pháp đường cơ sở thẳng do một quốc gia áp dụng không được làm cho lãnh hải của một quốc gia khác bị tách khỏi biển cả hoặc một vùng đặc quyền kinh tế”.

        “Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố. Chính phủ xác định và công bố đường cơ sở ở những khu vực chưa có đường cơ sở sau khi được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn” (Điều 8 Luật Biển Việt Nam 2012). Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ngày 12/11/1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam: “Thực hiện Điểm 1 trong Tuyên bố ngày 12/5/1977 của Chính phủ nước Cộng hoà XHCN Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam chuẩn y. Chính phủ nước Cộng hoà XHCN Việt Nam công bố đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam như sau:

        (1) Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam là đường thẳng gẫy khúc nối liền các điểm có tọa độ ghi trong phụ lục đính theo Tuyên bố này.

        (2) Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam từ điểm tiếp giáp 0 của hai đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Cam-pu-chia nằm giữa biển, trên đường thẳng nối liền quần đảo Thổ Chu và PouLo Wai, đến đảo Cồn Cỏ theo các tọa độ ghi trong phụ lục nói trên được vạch trên các bản đồ tỷ lệ 1/100.000 của Hải quân nhân dân Việt Nam xuất bản đến 1979.

       (3) Vịnh Bắc Bộ là vịnh nằm giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc do Pháp và nhà Thanh ký ngày 26/6/1887.

       Phần vịnh thuộc phía Việt Nam là vùng nước lịch sử theo chế độ nội thủy của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

       Đường cơ sở từ đảo Cồn Cỏ đến cửa vịnh sẽ được công bố sau khi vấn đề đường cửa vịnh được giải quyết”.

       Theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982, các quốc gia ven biển có 5 vùng biển với phạm vi, chế độ pháp lý khác nhau: Nội thủy, Lãnh hải,Vùng tiếp giáp lãnh hải, Vùng đặc quyền kinh tế, Thềm lục địa. 

       Việt Nam là quốc gia ven biển và có đặc điểm địa lý phù hợp cho việc yêu sách cả 5 vùng biển nêu trên: 

       1. Nội thủy (Internal Waters) là toàn bộ vùng nước tiếp giáp với bờ biển và nằm phía trong đường cơ sở. Tại Nội thủy, quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối như đối với lãnh thổ đất liền của mình.

       2. Lãnh hải (Terrtorial Sea) của quốc gia ven biển là vùng biển tiếp liền và nằm phía ngoài đường cơ sở. Các quốc gia ven biển có quyền ấn định chiều rộng Lãnh hải của mình tới một giới hạn không vượt quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở. Quốc gia ven biển thực hiện chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ đối với Lãnh hải. 

       Chủ quyền quốc gia ven biển đối với Lãnh hải không tuyệt đối như đối với Nội thủy do Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982 thừa nhận quyền qua lại vô hại của tàu thuyền nước ngoài. Quyền qua lại vô hại của tàu thuyền nước ngoài được quy định: “Với điều kiện phải chấp hành Công ước, tàu thuyền của tất cả các quốc gia, có biển hay không có biển, đều được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải”; “ Đi qua(Passage) là đi ở trong lãnh hải, nhằm mục đích: Đi ngang qua nhưng không đi vào Nội thủy, không đậu lại trong một vũng tàu hoặc một công trình cảng ở bên ngoài Nội thủy; Đi vào hoặc rời khỏi nội thủy, hoặc đậu lại hay rời khỏi một vũng tàu hay một công trình cảng trong nội thủy; “Việc đi qua phải liên tục và nhanh chóng. Tuy nhiên, việc đi qua bao gồm cả việc dừng lại và thả neo, nhưng chỉ trong trường hợp gặp phải những sự cố thông thường về hàng hải hoặc vì một trường hợp bất khả kháng hay mắc nạn hoặc vì mục đích cứu giúp người, tàu thuyền hay phương tiện bay đang lâm nguy hoặc mắc nạn”; “đi qua không gây hại” (Passage inoffensif): Việc đi qua là không gây hại, chừng nào nó không làm phương hại đến hòa bình, trật tự hay an ninh của quốc gia ven biển. Việc đi qua không gây hại cần phải được thực hiện theo đúng với các quy định của Công ước và các quy tắc khác của pháp luật quốc tế.

       Quốc gia ven biển có quyền ban hành các quy định để kiểm soát và giám sát tàu thuyền nước ngoài thực hiện việc qua lại Lãnh hải của mình. 

       Lãnh hải của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (được xác định trong Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ngày 12/5/1977 và được khẳng định lại tại Điều 11 và Điều 12 Luật Biển Việt Nam năm 2012) rộng 12 hải lý ở phía ngoài đường cơ sở nối liền các điểm nhô ra nhất của bờ biển và các điểm ngoài cùng của các đảo ven bờ của Việt Nam. Vùng biển ở phía trong đường cơ sở và tiếp giáp với bờ biển là Nội thủy của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với Lãnh hải của mình cũng như đối với vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của Lãnh hải. 

       3. Vùng tiếp giáp lãnh hải (Contiguous Zone) là vùng biển nằm ngoài Lãnh hải và tiếp liền với Lãnh hải. Phạm vi của Vùng tiếp giáp không vượt quá 24 hải lý tính từ đường cơ sở. Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982 quy định quốc gia ven biển có quyền tiến hành các hoạt động kiểm soát cần thiết tại vùng tiếp giáp, nhằm: Ngăn ngừa các vi phạm đối với các luật và quy định về hải quan, thuế khóa, y tế hay nhập cư trên lãnh thổ hay trong Lãnh hải của mình; Trừng trị những vi phạm đối với các luật và quy định nói trên xảy ra trên lãnh thổ hay trong Lãnh hải của mình.

       Vùng tiếp giáp Lãnh hải của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (được xác định trong Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ngày 12/5/1977 và được khẳng định lại tại Điều 13 và Điều 14 Luật Biển Việt Nam 2012) là vùng biển tiếp liền phía ngoài Lãnh hải có chiều rộng là 12 hải lý hợp với Lãnh hải Việt Nam thành vùng biển rộng 24 hải lý kể từ đường cơ sở để tính chiều rộng Lãnh hải Việt Nam. Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thực hiện sự kiểm soát cần thiết trong Vùng tiếp giáp Lãnh hải của mình, nhằm bảo vệ an ninh, các quyền và lợi ích về hải quan, thuế khóa; đảm bảo sự tôn trọng các quy định về y tế, di cư, nhập cư trên lãnh thổ hoặc trong Lãnh hải Việt Nam. 

       4. Vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zone - EEZ) của quốc gia ven biển nằm phía ngoài và tiếp liền với Lãnh hải, có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. 

       Trong vùng đặc quyền về kinh tế, “quốc gia ven biển có đặc quyền tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng: Các đảo nhân tạo; Các thiết bị và công trình dùng vào các mục đích được trù định (các quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió) hoặc các mục đích kinh tế khác”; “Quyền tài phán theo đúng những quy định thích hợp của Công ước về việc: Lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình; Nghiên cứu khoa học về biển; Bảo vệ và gìn giữ môi trường biển”; Có các quyền và nghĩa vụ khác do Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển quy định. 

       Trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển, tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển, trong những điều kiện do các quy định thích hợp của Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982, đều được hưởng 3 quyền tự do cơ bản: Quyền tự do hàng hải; Quyền tự do hàng không, Quyền tự do đặt dây cáp và ống dẫn ngầm. 

       Vùng đặc quyền kinh tế của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (được xác định trong Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ngày 12/5/1977 và được cụ thể hóa tại Điều 15 và Điều 16 Luật Biển Việt Nam 2012) tiếp liền Lãnh hải Việt Nam và hợp với Lãnh hải Việt Nam thành một vùng biển rộng 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng Lãnh hải Việt Nam. 

       Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam có quyền chủ quyền về việc thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật và không sinh vật ở vùng nước, ở đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển của vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; có quyền và thẩm quyền riêng biệt về các hoạt động khác phục vụ cho việc thăm dò và khai thác vùng đặc quyền kinh tế nhằm mục đích kinh tế; có thẩm quyền riêng biệt về nghiên cứu khoa học trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam có thẩm quyền bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 

       5. Thềm lục địa (Continental Shelf) của quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài Lãnh hải của quốc gia ven biển, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia này ở khoảng cách gần hơn. Trong trường hợp bờ ngoài của rìa thềm lục địa của quốc gia ven biển mở rộng quá khoảng cách 200 hải lý thì quốc gia ven biển có quyền yêu sách vùng Thềm lục địa kéo dài. Tuy nhiên, khu vực Thềm lục địa mở rộng không được vượt quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc không được vượt quá 100 hải lý tính từ đường đẳng sâu 2500 m. Tuy nhiên, để mở rộng Thềm lục địa quá 200 hải lý, thì quốc gia ven biển phải trình Ủy ban Thềm lục địa của Liên Hợp quốc báo cáo quốc gia kèm đầy đủ bằng chứng khoa học về địa chất và địa mạo của vùng đó; sau đó Ủy ban Thềm lục địa của Liên Hợp quốc sẽ xem xét và ra khuyến nghị.

       Quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa của mình và quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa là đặc quyền, có nghĩa là quốc gia ven biển không thăm dò, khai thác thì cũng không ai có quyền khai thác tại đây nếu không được sự đồng ý của quốc gia ven biển. Các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa không phụ thuộc vào việc chiếm hữu thực sự hay danh nghĩa. Các quốc gia khác được hưởng các quyền tự do đặt dây cáp và ống dẫn ngầm ở thềm lục địa của quốc gia ven biển. 

       Thềm lục địa của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (được xác định trong Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ngày 12/5/1977 và được cụ thể hóa tại Điều 17 và Điều 18 Luật Biển Việt Nam năm 2012) bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa Việt Nam mở rộng ra ngoài Lãnh hải Việt Nam cho đến bờ ngoài của rìa lục địa; nơi nào bờ ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng Lãnh hải Việt Nam không đến 200 hải lý thì thềm lục địa nơi ấy mở rộng ra 200 hải lý kể từ đường cơ sở đó.

       Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam có quyền chủ quyền hoàn toàn về thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả các tài nguyên thiên nhiên ở Thềm lục địa Việt Nam, bao gồm tài nguyên khoáng sản, tài nguyên không sinh vật và tài nguyên sinh vật thuộc loại định cư ở thềm lục địa Việt Nam.

       Cùng với việc quy định chế độ pháp lý năm vùng biển: Nội thủy, Lãnh hải, Vùng tiếp giáp lãnh hải, Vùng đặc quyền kinh tế, Thềm lục địa của các quốc gia ven biển, Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982 cũng quy định về “Chế độ các đảo:

       (1) Một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước.

       (2) Với điều kiện phải tuân thủ khoản 3, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của hòn đảo được hoạch định theo đúng các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác.

       (3) Những hòn đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng, thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa”.

      Các vùng biển của Việt Nam được xác định trong Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ngày 12/5/1977 và Luật Biển Việt Nam năm 2012 hoàn toàn phù hợp với quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

 
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=che-do-phap-ly-cac-vung-bien-cua-quoc-gia-ven-bien-theo-quy-dinh-cong-uoc-lien-hop-quoc-ve-luat-bien-nam-1982
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com