Thứ sáu, 05.06.2020 GMT+7

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU THỰC TẾ CỦA HỌC VIÊN CÁC LỚP BỒI DƯỠNG CÁN BỘ MẶT TRẬN TỔ QUỐC VÀ CÁC ĐOÀN THỂ Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ

Hoạt động nghiên cứu thực tế là một phần bắt buộc trong chương trình Bồi dưỡng cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tại Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ. Mục đích của phần học này là giúp học viên nắm bắt, phân tích, đánh giá, tổng hợp tình hình và giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn cơ sở gắn với nhiệm vụ công tác. Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh mà Nhà trường sẽ tổ chức cho học viên đi thực tế ở trong hoặc ngoài tỉnh. Vì thế, hoạt động nghiên cứu thực tế có những thuận lợi nhất định và đã được thực hiện thường xuyên, trở thành nền nếp. Đối với các lớp bồi dưỡng, khi tổ chức đi thực tế thì sẽ phát sinh một số vấn đề khó khăn như phải tổ chức như thế nào, đi những đâu, quản lý như thế nào, kinh phí phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu thực tế... Giải quyết những vấn đề trên sẽ giúp hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu thực tế, góp phần nâng cao chất lượng bồi dưỡng cán bộ.

Với phương châm: lý luận gắn liền thực tiễn, học đi đôi với hành; ngoài giờ học lý thuyết, học viên còn tham gia các hoạt động khác của nhà trường. Hoạt động nghiên cứu thực tế giúp học viên hiểu rõ hơn mảnh đất, con người nơi họ đang học tập, sinh sống, tìm hiểu thêm những vấn đề đặt ra trong thực tế để rút kinh nghiệm, vận dụng vào thực tiễn xây dựng đất nước, địa phương. Với tầm quan trọng và ý nghĩa đó nên hoạt động nghiên cứu thực tế luôn được Nhà trường chú trọng và trọng chương trình các lớp bồi dưỡng đều có nội dung đi thực tế. Từ những kinh nghiệm có được trong việc tổ chức nghiên cứu thực tế cho các lớp của học viên, cùng với những sáng tạo, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhà trường đã tổ chức cho các lớp bồi dưỡng đi thực tế thành công và thu được kết quả tốt đẹp...

Theo chương trình học, học viên các lớp bồi dưỡng được đi tham quan, thực tế, học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Nội dung thực tế là tìm hiểu, nghiên cứu về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của một số địa phương, tham quan một số mô hình sản xuất kinh doanh, tham quan các di tích lịch sử. Kinh phí của các chuyến đi nằm trong ngân sách được tỉnh cấp cho các lớp bồi dưỡng. Học viên được đi tập trung theo đoàn, có cán bộ, giảng viên quản lý, hướng dẫn.

Trong thời gian 01 ngày, học viên sẽ được nghiên cứu, thực tế trong tỉnh và ngoài tỉnh như các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tại các Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng; đền Mẫu; vườn Quốc gia Xuân Sơn, mô hình phát triển kinh tế giỏi như các Hợp tác xã ở xã Hùng Lô, Việt Trì, ở Cổ Tiết Tam Nông, Khu di tích lịch sử Đá Chông, Chiến khu Tân Trào – Tuyên Quang… Qua những chuyến thực tế, học viên được bổ sung kiến thức thực tiễn, đồng thời tạo sự hứng thú, phấn khởi, tin tưởng, tự tin trong quá trình học tập và sinh hoạt tại trường. Đặc biệt, qua các chuyến đi tham quan thực tế còn là cơ hội để học viên tìm hiểu về sinh hoạt văn hóa, truyền thống và các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh, đất nước.

Khảo sát sau các đợt nghiên cứu thực tế, bước đầu nhận được sự đồng tình và hài lòng của học viên; thu được những kiến thức bổ ích sau mỗi chuyến đi, gắn với nội dung lý luận đã được các giảng viên trang bị trên giảng đường.

Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu thực tế còn có một số khó khăn, hạn chế, đó là nguồn kinh phí cho hoạt động thực tế còn eo hẹp; thời gian trải nghiệm cho từng địa danh, điểm đến ngắn; do trình độ của học viên chưa đồng đều nên học viên chưa hiểu hết giá trị cũng như nội dung ở các địa danh đến tham quan, nghiên cứu. Công tác tổ chức nghiên cứu thực tế cho học viên vẫn còn hạn chế, trong đó, khâu yếu nhất là lựa chọn mô hình điển hình, có giá trị tham khảo và giáo dục truyền thống cho học viên. Việc tổ chức nghiên cứu thực tế trong chương trình bồi dưỡng vẫn còn mang tính tham quan là chính, việc trao đổi, học tập kinh nghiệm chưa được nhiều, chưa tìm được những mô hình, kinh nghiệm có giá trị thực tiễn để đối chiếu, so sánh với địa phương nơi học viên công tác.

Qua thực tiễn tổ chức nghiên cứu thực tế cho học viên các lớp bồi dưỡng tại trường, để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động này, cần làm tốt các giải pháp sau:
       Một là, cần có cơ chế tốt nhất cho hoạt động nghiên cứu thực tế của học viên các lớp bồi dưỡng. Thông qua chương trình nghiên cứu thực tế, học viên sẽ tiếp thu, lĩnh hội được những thành tựu trong phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời hiểu được bản sắc văn hoá và con người của tỉnh Phú Thọ nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. Do đó, cần tạo mọi điều kiện tốt nhất về thời gian, tài chính, chính sách để tăng cường nhiều hơn nữa các chuyến đi nghiên cứu thực tế kết hợp với tham quan cho học viên lớp bồi dưỡng.

 Hai là, cần có sự đổi mới về nội dung, địa điểm nghiên cứu thực tế. Trong thời gian tới, cần xác định, việc đi nghiên cứu thực tế giúp cho học viên nắm được tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, an toàn xã hội đồng thời nắm bắt được những chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước ở địa phương. Qua đó thấy được hoạt động của chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, phát hiện những ưu điểm, khuyết điểm, những vướng mắc trong việc vận dụng lý luận vào giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tế.

Các hoạt động nghiên cứu thực tế cần phải được đa dạng hóa, tránh đóng khung chỉ trong hoạt động tham quan. Nên mở rộng hình thức thực tế như phối hợp với địa phương bố trí cho học viên tham gia các hội nghị, hội thảo của các ban, ngành địa phương. Phải tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và hỗ trợ cho việc nghiên cứu thực tế địa phương; không có sự hỗ trợ đó khó có thể thực hiện được mục tiêu nhiệm vụ nghiên cứu thực tế với yêu cầu ngày càng cao của nhà trường. Do đó, trước khi đến các địa phương, phải làm tốt công tác liên hệ, trao đổi trước nội dung nghiên cứu để địa phương có thể chuẩn bị tốt hơn về chương trình, báo cáo.

Ba là, đổi mới trong yêu cầu thực tế và cách đánh giá kết quả. Nhà trường nên tổ chức cho lớp hoặc nhóm xây dựng bài thu hoạch tập thể để trình bày tại lớp dưới hình thức một diễn đàn để học viên trình bày những vấn đề nhận thức được qua mỗi lần đi nghiên cứu, đồng thời rút ra những nhận xét có thể vận dụng vào lĩnh vực mình công tác được thuận tiện hơn; hoặc lựa chọn xây dựng 01 buổi trao đổi, thảo luận sau chuyến đi giữa giảng viên – học viên để rút kinh nghiệm và trao đổi kết quả đạt được của chuyến đi thực tế phù hợp với điều kiện thời gian chương trình bồi dưỡng.

 Bốn là, nâng cao nhận thức về nghiên cứu thực tế cho tất cả cán bộ, giảng viên, coi đây là hoạt động thực tiễn mà nhà trường tham gia cùng xã hội. Những vấn đề trong đời sống xã hội ở cơ sở rất đa dạng, phong phú, luôn vận động và phát triển. Vì vậy, qua nghiên cứu thực tế là để nhằm nắm bắt, cập nhật tình hình thông tin kinh tế - xã hội liên quan đến sự phát triển của từng địa phương, cơ sở. Với ý nghĩa đó, nhận thức đúng vai trò và nhiệm vụ của việc nghiên cứu thực tế cũng chính là hình thức tự học tập, tự nghiên cứu trong thực tiễn cuộc sống. Qua đó giúp giảng viên và học viên sẽ thu nhận được những thông tin bổ ích trong thực tiễn và biết lồng ghép, xử lý thông tin đó áp dụng vào tình huống phát sinh ở địa phương, cơ sở sao cho hợp lý, để cùng trao đổi với học viên tìm ra giải pháp phù hợp với tình hình nhiệm vụ cụ thể của từng địa phương.

Nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên đặt ra ở Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ. Nghiên cứu thực tế, học tập kinh nghiệm làm cho mỗi học viên phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc kết nối giữa các địa phương, cơ sở nhất là các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới góp phần nâng cao năng lực cũng như kiến thức thực tế phục vụ cho quá trình công tác tại đơn vị của học viên, đảm bảo được phương châm lý luận gắn liền với thực tiễn của chương trình bồi dưỡng một cách hiệu quả, thiết thực.

 
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=thuc-hien-chuong-trinh-nghien-cuu-thuc-te-cua-hoc-vien-cac-lop-boi-duong-can-bo-mat-tran-to-quoc-va-cac-doan-the-o-truong-chinh-tri-tinh-phu-tho
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com