Thứ ba, 02.06.2020 GMT+7

THỰC HIỆN TƯ TƯỞNG CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ ĐỘC LẬP DÂN TỘC GẮN LIỀN VỚI CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KẾT HỢP SỨC MẠNH THỜI ĐẠI TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Trên hành trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đến với con đường cứu nước trong thời đại mới và khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Viết về giây phút Bác Hồ đọc được Luận cương của Lênin, nhà thơ Chế Lan Viên đã có những câu thơ xúc động.

“Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc

Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin

Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp

Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin”

Từ bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Người đã lựa chọn và đứng trên lập trường của giai cấp vô sản để tiến hành giải phóng dân tộc bằng một cuộc cách mạng vô sản và bước phát triển tiếp theo là xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Luận cứ để mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội có thể trở thành hiện thực sinh động ở Việt Nam chính là cách mạng giải phóng dân tộc được đặt trong quỹ đạo cách mạng vô sản, là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới, trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Dưới ngọn cờ độc lập dân tộc có hướng đích chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã tập hợp và phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhận thức rõ, độc lập dân tộc, điều kiện đầu tiên để xây dựng và phát triển đất nước chỉ được bảo đảm vững chắc khi gắn liền với chủ nghĩa xã hội và giành được độc lập dân tộc mà không đi lên chủ nghĩa xã hội thì chẳng những không bảo vệ được độc lập dân tộc mà còn không thể mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân, Đảng ta, nhân dân ta kiên định mục tiêu đã lựa chọn. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được Đảng tiếp tục bổ sung, phát triển, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Ngày nay, trong giai đoạn hội nhập và phát triển tư tưởng của Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội và sức mạnh thời đại đã giúp Việt Nam mở rộng tối đa quan hệ hữu nghị, hợp tác, sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước. Với chính sách đối ngoại hòa bình, hòa hiếu, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, sẵn sàng đóng góp có trách nhiệm và tích cực thúc đẩy hòa bình, an ninh, phát triển và tiến bộ trên thế giới, Việt Nam đã tham gia tích cực vào nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng, như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Cộng đồng Pháp ngữ, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM)… Việt Nam chủ trì thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng, mà gần đây là Năm APEC 2017 và Hội nghị hợp tác WEF-ASEAN 2018, qua đó khẳng định khả năng chủ động tham gia dẫn dắt, định hình các cơ chế quốc tế và khu vực.

Sự kiện Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nói về sự kiện này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Đây là cơ hội để khẳng định vị thế đất nước và nâng cao uy tín quốc gia. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy trong cộng đồng quốc tế”.

Việt Nam cũng tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, lần đầu tiên triển khai thành công Bệnh viện dã chiến cấp 2 đến Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan (tháng 10/2018) và mới đây hoàn thành tốt vai trò nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ- Triều Tiên lần thứ hai (tháng 2/2019), từng bước phát huy vai trò “trung gian, hòa giải” trong giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế.

Công cuộc đổi mới của đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn do các thế lực phản động luôn tìm mọi cách tuyên truyền, xuyên tạc, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ nhằm chống phá công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở nước ta; Tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên, đặc biệt là vấn đề tranh chấp Biển Đông, diễn biến phức tạp đang đặt ra vấn đề cấp thiết để bảo vệ độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam luôn kiên định con đường đấu tranh hòa bình, tránh xung đột vũ trang, tranh thủ sự ủng hộ của các nước trên thế giới để giải quyết vấn đề trên cơ sở Luật pháp quốc tế và Công ước về Luật biển của Liên Hợp Quốc.

Hay mới đây, đại dịch Covid-19 bùng phát. Cả thế giới phải gồng mình chống lại đại dịch, Việt Nam tuy là đất nước còn khó khăn, nhưng đã cho thấy tinh thần đoàn kết, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng chung tay với các nước trên thế giới đẩy lùi dịch bệnh. 

Là tỉnh vinh dự được đón Bác Hồ về thăm 9 lần, tỉnh Phú Thọ luôn khắc ghi lời Bác dạy. Thực hiện làm theo tư tưởng của Người, Phú Thọ đang đạt được những thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng. 80 năm Đảng bộ tỉnh Phú Thọ đã tổ chức thành công 18 kỳ đại hội. Từ 4 chi bộ với chưa đầy hai mươi đảng viên ngày đầu thành lập, đến nay, Đảng bộ tỉnh có 18 đảng bộ trực thuộc, 783 tổ chức cơ sở đảng, gần 5.500 chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở với tổng số trên 105.000 đảng viên. Hiện nay, công tác xây dựng chỉnh đốn đảng theo tinh thần Nghị quyết TW 4 khóa XI, khóa XII gắn với việc Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh đã và đang được tăng cường. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực và trở thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu của khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ. Quy mô tổng sản phẩm GRDP của nền kinh tế theo giá hiện hành tăng 7 lần; GRDP bình quân đầu người tăng 6,5 lần: Từ 6,3 triệu đồng năm 2004 lên 44,39 triệu đồng năm 2019; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,77%. Phú Thọ đã và đang thể hiện quyết tâm xây dựng một tỉnh phát triển hài hòa, có chỉ số hạnh phúc cao nhất; đem đến sự giàu có về thể chất, về tinh thần, về môi trường sống, về phúc lợi xã hội và sự hoàn thiện của mỗi con người. Đó chính là mục tiêu mà Đảng bộ tỉnh Phú Thọ hướng tới; tiếp tục giữ vững niềm tin son sắt, viết tiếp trang sử vẻ vang, xây dựng quê hương Đất Tổ ngày càng giàu đẹp, phát triển.

Hiện nay, cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam vẫn đang tiếp diễn. Đảng ta khẳng định: "Trong giai đoạn đổi mới, phải giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phát huy sức mạnh thời đại thì trong bất kỳ tình huống nào cũng phải thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, hơn bao giờ hết, bài học phải “kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong quá trình đổi mới”, tập trung giải quyết tốt các mối quan hệ lớn, phản ánh quy luật đổi mới và phát triển ở Việt Nam giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế càng phải được thấm nhuần, chủ động và kiên trì thực hiện. 

Trước những thời cơ, vận hội và khó khăn, thách thức đan xen, bên cạnh những thành tựu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, chúng ta đang phải đối mặt với những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên với các biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tha hóa quyền lực trong Đảng và hệ thống chính trị chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách triệt để. Trong khi đó, trên bình diện quốc tế, các thế lực phản động đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, lợi dụng mạng xã hội kích động biểu tình, bạo loạn, lật đổ, chống phá quyết liệt công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Tất cả những yếu tố đó đã và đang đặt ra yêu cầu vừa cấp thiết vừa kiên trì để bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Trong bối cảnh đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần bài học lịch sử của cách mạng Việt Nam; khẳng định con đường độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội.  là sự lựa chọn đúng đắn, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, phù hợp với quy luật khách quan và thực tiễn cách mạng Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của nhân dân ta. Đồng thời, không ngừng đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội và những thành tựu trong công cuộc đổi mới của cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, trong dịp này, chúng ta đang tổ chức Đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 

Đón nhận thời cơ và đối diện thách thức, Đảng ta và nhân dân ta nhất quán thực hiện nguyên tắc đặt lợi quốc gia, dân tộc lên trên hết, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi nhất cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thế giới dù có nhiều đổi thay, song Đảng ta, nhân dân ta luôn kiên định độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, không chỉ tạo cơ sở lý luận và thực tiễn cho con đường phát triển của cách mạng Việt Nam mà còn là điều kiện tiên quyết để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, nhân nguồn sức mạnh tinh thần, thống nhất về tư tưởng, ý chí, hành động của nhân dân ta, đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về những thành tựu trong công cuộc đổi mới đã và đang trở thành hiện thực ở Việt Nam.

 
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=thuc-hien-tu-tuong-cua-ho-chi-minh-ve-doc-lap-dan-toc-gan-lien-voi-chu-nghia-xa-hoi-ket-hop-suc-manh-thoi-dai-trong-giai-doan-hien-nay
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com