Thứ bảy, 30.05.2020 GMT+7

CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO CỦA NHÀ NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA TỪ THÁNG 9/1945 ĐẾN THÁNG 12/1946 - THÀNH TỰU VÀ NHỮNG KINH NGHIỆM

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã từng bước vượt qua những khó khăn, thách thức trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế - Chính trị - Văn hóa - Xã hội làm nên những thắng lợi vang dội. Đóng góp vào thành công của cách mạng không thể không nhắc tới hoạt động ngoại giao. Có thể nói, trong cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 12 năm 1946, hoạt động ngoại giao là một mặt trận đấu tranh luôn song hành cùng với mặt trận chính trị, mặt trận quân sự. Những bản Hiệp định, Tạm ước hay các Hội nghị gặp gỡ giữa Việt Nam với Trung Hoa quốc dân Đảng và quân đội Thực dân Pháp là những dấu ấn ghi nhận thành công của hoạt động đối ngoại, là những nấc thang đưa cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn.

 

Ngày 3/10/1945, Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa đã công bố chính sách ngoại giao bao gồm những điểm chính:

Mục tiêu: Ngoại giao phải giúp cho cuộc đấu tranh đạt được thắng lợi bằng biện pháp êm dịu và kiên quyết nhằm đưa nước nhà đi đến độc lập, tự do hoàn toàn và vĩnh viễn.

Chính sách cụ thể:

- Với các nước lớn, các nước đồng minh: hết sức thân thiện, thành thật hợp tác trên lập trường bình đẳng và tương ái để xây dựng hòa bình thế giới lâu dài.

- Với Pháp: bảo vệ sinh mạng và tài sản của người Pháp theo luật quốc tế, kiên quyết chống lại chính sách thực dân của Chính phủ De Gaulle, mong muốn xây dựng quan hệ hữu nghị, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

- Với các nước láng giềng: hợp tác với Trung Hoa trên tinh thần bình đẳng, cùng tiến hóa; giúp đỡ Lào, Miên trên tinh thần dân tộc tự quyết.

- Với các nước nhược tiểu: thân thiện, ủng hộ việc xây đắp và giữ vững nền độc lập.

Như vậy, ngay từ những ngày đầu tiên của chính quyền cách mạng, đường lối ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thể hiện rõ mục tiêu đấu tranh vì nền độc lập, tự do của đất nước dựa trên nguyên tắc hòa bình, hữu nghị, bình đẳng, hợp tác. Đến Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc ngày 25/11/1945, Đảng tiếp tục xác định: “Về ngoại giao, kiên trì chủ trương ngoại giao với các nước theo nguyên tắc “bình đẳng và tương trợ”. Phải đặc biệt chú ý những điều này: một là thuật ngoại giao là làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết; hai là muốn ngoại giao được thắng lợi là phải biểu dương thực lực” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, t8, tr27). Về đối tượng cụ thể thì với Trung Hoa quốc dân Đảng là chủ trương Hoa-Việt thân thiện; với Pháp chủ trương độc lập về chính trị, nhân nhượng về kinh tế. Đây được coi là những phương châm cơ bản để Đảng và Nhà nước VNDCCH thực thi chính sách đối ngoại trong những năm đầu sau khi giành chính quyền.

Trên cơ sở đường lối đã xác định, từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946, mặt trận ngoại giao Đảng ta đã có những đối sách thích hợp trên cơ sở: triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, thực hiện sự nhân nhượng có nguyên tắc, thực hiện chính sách ngoại giao “Thêm bạn, bớt thù” và đã đạt được những kết quả to lớn. Từ tháng 9/1945 đến tháng 3/1946, chủ trương Tạm hòa với Tưởng ở miền Bắc để tập trung chống Pháp ở miền Nam, tranh thủ thời gian củng cố chính quyền, xây dựng và bảo vệ thành công chế độ xã hội mới. Để thực hiện chủ trương hòa Tưởng, Đảng, chính phủ Việt Nam đã chấp nhận nhân nhượng với Tưởng trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, quân sự. Thỏa mãn những yêu cầu, đòi hỏi của quân Tưởng trong giới hạn, thậm chí là những nhân nhượng hết sức đau đớn như sự kiện ĐCS Đông Dương tuyên bố tự giải tán vào ngày 11/11/1945.

Tuy nhiên sang đầu tháng 3 năm 1946, tình hình có sự biến động, đường lối đấu tranh ngoại giao của Đảng đã có sự thay đổi, chuyển sang chủ trương hòa hoãn với thực dân Pháp bằng bản Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946. Việc ký bản Hiệp định Sơ bộ là sự thể hiện sách lược “Hòa để tiến”, tránh tình thế phải đối phó cùng một lúc với nhiều kẻ thù. Ta đẩy quân Trung Hoa về nước, kéo dài thời gian hòa bình để củng cố lực lượng, chuẩn bị cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp. Trong quan hệ với Pháp, từ Hội nghị Đà Lạt đến Hội nghị Fontainebleau, từ chuyến đi của phái đoàn Quốc hội đến cuộc thăm chính thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp, Việt Nam luôn bày tỏ một lập trường nhất quán: Độc lập và thống nhất đất nước. 

Có thể nói, trong hơn một năm đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có nhiều thuận lợi cơ bản nhưng cũng gặp không ít khó khăn và thử thách. Khoảng thời gian không dài nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng và thiết thực đối với một dân tộc vừa giành được chính quyền, phải đối phó với thù trong giặc ngoài, luôn trong tâm thế sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến đầy thử thách. Đó cũng là thời gian để lại nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng về sự kết hợp giữa đối nội và đối ngoại, giữa lập trường kiên định với biện pháp mềm dẻo, giữa nhân nhượng sách lược với quyết tâm chiến lược. Những kinh nghiệm quý báu về đường lối đấu tranh ngoại giao ấy đã được Đảng ta vận dụng linh hoạt trong giai đoạn hiện nay. Nổi bật là 2 bài học:

Bài học kinh nghiệm ngoại giao thứ nhất: Thêm bạn bớt thù.

Có thể nói với sự phân định về “bạn và thù” trong thời kỳ 1945 - 1946 chính là cơ sở cho Đảng ta định hình quan điểm “đối tác, đối tượng” trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hội nhập quốc tế. 

Những năm đầu của thời kỳ đổi mới, Việt Nam chủ trương xây dựng chính sách đối ngoại trên tinh thần “thêm bạn, bớt thù”. Đại hội VII nêu rõ “Việt Nam muốn là bạn với các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển” và chủ trương này tiếp tục được khẳng định qua các kỳ Đại hội VIII, IX, X. Hội nghị Trung Ương lần thứ 3 khóa XI ra Nghị quyết 28 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã xác định: Những ai tôn trọng độc lập chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta. 

Như vậy, Nghị quyết đã chỉ ra các dấu hiệu cơ bản quan trọng để nhận thức đâu là “đối tác” có thể mở rộng quan hệ hợp tác, đâu là “đối tượng” cần kiên quyết đấu tranh. Nhờ xác định rõ đối tác, đối tượng nên tính đến năm 2019, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với 13 quốc gia, quan hệ đối tác chiến lược theo lĩnh vực với 2 nước và quan hệ đối tác toàn diện với 11 nước khác. Năm 2013, Việt Nam đã hoàn thành việc xác lập các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, trở thành nước duy nhất tại Đông Nam Á xây dựng khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với tất cả 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nước lớn. Cùng với các mối quan hệ truyền thống, đặc biệt với các nước bạn láng giềng Lào, Cam-pu-chia, các nước trong Cộng đồng ASEAN, các khuôn khổ quan hệ này đã góp phần tích cực triển khai hiệu quả quan hệ hợp tác mọi mặt của Việt Nam với các nước trên thế giới, 

Bài học kinh nghiệm ngoại giao thứ hai: luôn xác định, quán triệt nguyên tắc vì lợi ích quốc gia - dân tộc thực chất đây là sự kế thừa bài học “dĩ bất biến ứng vạn biến”

Từ thực tiễn đấu tranh cách mạng, Đảng ta ngày càng xác định rõ nguyên tắc vì lợi ích quốc gia - dân tộc trong hoạt động đối ngoại. Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) của Đảng nhấn mạnh “bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc” là một trong những mục tiêu then chốt của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội XI, Đảng ta lần đầu tiên đưa mục tiêu đối ngoại “vì lợi ích quốc gia, dân tộc” trong phần đối ngoại của Cương lĩnh và Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng. Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta xác định rõ hơn và phát triển thành: “bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi”, coi đây là nguyên tắc mà tất cả các hoạt động đối ngoại, từ ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân đều phải tuân thủ.

Với điều này, Đảng ta 1 lần nữa khẳng định mạnh mẽ hơn quyết tâm bảo vệ đến cùng các lợi ích đó, đồng thời chỉ ra phương cách đấu tranh là kiên trì với nghĩa là không nóng vội, không manh động, phải tận dụng mọi biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, tận dụng mọi kênh, mọi phương thức có thể. Tuy nhiên, trong khi kiên trì các biện pháp, phương cách đó, chúng ta không loại trừ bất kỳ biện pháp, phương cách nào để kiên quyết bảo vệ đến cùng các lợi ích mang tính sống còn này.

Có thể nói những cách thức ứng phó với thù trong, giặc ngoài, bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám dù cách nay đã hơn 7 thập niên, song tính thời sự vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Việc kế thừa, phát triển bài học kinh nghiệm từ sách lược ngoại giao thời kỳ 1945-1946 chính là một trong những yếu tố quan trọng đem đến sự thành công về mặt đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=chinh-sach-ngoai-giao-cua-nha-nuoc-viet-nam-dan-chu-cong-hoa-tu-thang-91945-den-thang-121946-thanh-tuu-va-nhung-kinh-nghiem
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com