Thứ ba, 26.05.2020 GMT+7

VẬN DỤNG, THỰC HIỆN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG GIẢNG DẠY VÀ HỌC TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ HIỆN NAY

Việc nghiên cứu, học tập và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước hiện nay luôn là vấn đề thời sự. Thể hiện trách nhiệm, tình cảm, lòng biết ơn của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với công lao to lớn của Người.

Giáo dục lý luận chính trị có vai trò quan trọng đặc biệt trong hoạt động của Đảng. Giáo dục lý luận chính trị, góp phần định hướng cho hoạt động của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng. Tạo sự thống nhất về chính trị, tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong Nhân dân về mục tiêu con đường  xây dựng CNXH của đất nước; Chống lại các quan điểm sai trái, cơ hội, phản động, bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. 

Có thể khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên ở Việt Nam quan tâm tới lý luận cách mạng và thực hành kiên trì, bền bỉ việc giáo dục lý luận chính trị cho các thế hệ người Việt Nam yêu nước. Người đã để lại cho cách mạng Việt Nam cả một di sản to lớn về giáo dục lý luận chính trị. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục lý luận chính trị gồm các nội dung chủ yếu sau:

Một là, giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin. Có thể nói, tư tưởng giáo dục lý luận chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kế thừa, tiếp thu có chọn lọc, sáng tạo từ các tiền đề: Đó là, chủ nghĩa yêu nước, truyền thống văn hóa, giáo dục và tinh thần nhân ái Việt Nam; Là triết lý giáo dục phương Đông, đặc biệt là triết lý nhân sinh của Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo; Là những tư tưởng tiến bộ thời kỳ Cận đại. Nhưng tiền đề quan trọng nhất, cái tạo nên sự phát triển về chất trong tư tưởng giáo dục lý luận chính trị Hồ Chí Minh là Chủ nghĩa Mác - Lênin.

Hai là, giáo dục các chuẩn mực đạo đức cách mạng. 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, với Người, cách mạng trước hết phải giác ngộ đạo đức cách mạng; phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Ba là, giáo dục Đường lối, chủ trương của Đảng, Chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây là những nội dung không chỉ mang tính chất định tính trong nhận thức lý luận cho cán bộ, đảng viên mà còn định hướng, hướng dẫn cho cán bộ, đảng viên hành động; Đây cũng chính là một biểu hiện của nội dung gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra phương châm giáo dục lý luận chính trị

Thứ nhất: Gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành. 

Lý luận, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử; Còn thực tiễn là nguồn gốc, là cơ sở, là động lực của lý luận. Người thường xuyên nhắc nhở: “Học với hành phải đi đôi với nhau. Học với hành phải kết hợp với nhau. Học phải gắn với hành, học mà không hành, không áp dụng vào thực tế khác nào chiếc hòm đựng đầy sách. Hành mà không học thì hành không trôi chảy. Từ thực tiễn hoạt động, Người đã đúc rút được một chân lý giá trị: “Thực hành sinh ra hiểu biết. Hiểu biết tiến lên lý luận. Lý luận lãnh đạo thực tiễn”. Đó là tư tưởng, nhưng đồng thời cũng là phương pháp giáo dục mang phong cách Hồ Chí Minh. 

Thứ hai: Bảo đảm thống nhất giữa tính đảng và tính khoa học. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, trong giáo dục lý luận chính trị đòi hỏi phải tuyệt đối phải trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin; Xa rời nền tảng lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin sẽ rơi vào chủ nghĩa giáo điều và xét lại. Thực hiện phương châm này, đòi hỏi những người làm công tác giáo dục lý luận chính trị phải vững vàng, sâu sắc về lý luận, thường xuyên cập nhật những kiến thức mới, có ý thức khắc phục lối dạy chay, thoát ly thực tế.

Thứ ba: Học tập lý luận chính trị phải kết hợp với giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lý luận cách mạng, cốt nhằm ở việc nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân. Nhằm thúc đẩy cách mạng tiến lên và đạt được hiệu quả cao nhất. Muốn vậy, người học lý luận chính trị phải thấy việc học là cần thiết, học để vận dụng vào thực tiễn, học để hoàn thiện nhận thức, thấu hiểu đúng đắn các đường lối, chủ trương của Đảng và thực hiện.

Thứ tư: Tự học là một cách học hiệu quả trong việc học tập lý luận chính trị

Nêu cao tinh thần tự giác trong học tập lý luận chính trị. Thì người học sẽ có cơ hội nâng cao tư duy lý luận, tạo sự gắn kết giữa lý luận với thực tiễn. Đồng thời qua việc tự học, người học lý luận chính trị sẽ đúc kết được các kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn, thành lý luận phục vụ hữu ích cho hoạt động thực tiễn. Đây là cống hiến to lớn và quý giá của Người, vào kho tàng lý luận dạy học của nước ta. 

Việc vận dụng thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh trong giảng dạy và học tập lý luận chính trị của nhà trường đã đạt được những kết quả quan trọng. Đội ngũ giảng viên luôn nghiêm túc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác trong công tác cũng như sinh hoạt hằng ngày. Thấm nhuần lời dạy của Bác, các đảng viên trong Đảng bộ đã chủ động học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, áp dụng những phương pháp giảng dạy tích cực nhằm nâng cao chất lượng các bài giảng, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Công tác đào tạo lý luận chính trị, đã đáp ứng được mục đích giáo dục toàn diện; vừa nâng cao tri thức, xây dựng bản lĩnh chính trị, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, vừa rèn luyện năng lực tư duy, khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn công tác của từng đối tượng người học. Phần lớn các học viên đều xác định được mục đích, động cơ học tập đúng đắn, thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ học tập lý luận chính trị của người cán bộ, đảng viên. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc giảng dạy và học tập lý luận chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn một số hạn chế, đó là: Một số giảng viên, việc tích luỹ vốn thực tiễn, kinh nghiệm giảng dạy còn ít, liên hệ thực tế một cách máy móc, một chiều, nên sự thuyết phục của bài giảng chưa cao; một bộ phận không nhỏ học viên chưa nhận thức đầy đủ nguyên tắc học đi đôi với hành, chưa tích cực chủ động tham gia phát biểu ý kiến xây dựng bài, còn thụ động trong tiếp thu kiến thức. Trong thời gian tới, để tiếp tục vận dụng, thực hiện có hiệu quả hơn nữa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giảng dạy và học tập lý luận chính trị, theo tôi cần tập trung vào một số vấn đề cơ bản sau: 

Một là, mỗi giảng viên phải xác định được sự cần thiết và tích cực, chủ động học tập nâng cao trình độ cập nhật kịp thời kiến thức mới đặc biệt là kiến thức thực tiễn; Phải ham học, lấy tự học làm cốt. Ham học có nghĩa là phải có sự say mê nghiên cứu, có khát vọng  muốn hiểu biết. Muốn vậy, mỗi giảng viên phải tự nhận thấy và đánh giá được mức độ hiểu biết của mình, không tự cao, tự đại; không bằng lòng với hiện tại, có ước mơ và hoài bão vươn lên. Tri thức của nhân loại là biển cả mênh mông, hiểu biết của mỗi cá nhân chỉ như là một giọt nước. Do đó, mà phải học suốt đời, học ở mọi nơi. Ngoài việc học ở trường, học ở sách vở, mỗi giảng viên để nâng cao kiến thức cho mình, cần học ở bạn bè, đồng nghiệp và học trong cuộc sống.

Hai là, trong  giảng dạy và học tập lý luận chính trị, phải gắn kết được lý luận với các vấn đề thực tiễn. Nếu không vận dụng được những kiến thức vào việc luận giải, xử lý các tình huống thực tiễn, điều đó có nghĩa là thầy cô mới chỉ cung cấp cho người học kiến thức về lý luận, chỉ có học mà chưa có hành. Và lý luận đó sẽ không có ý nghĩa với người học vì không đáp ứng được những đòi hỏi của công việc, của thực tế cuộc sống. Do đó, để việc giảng dạy và học tập lý luận chính trị đạt kết quả, người giảng viên phải có sự chuẩn bị kỹ về nội dung, phương pháp trên cơ sở phông kiến thức vững chắc, tạo điều kiện, cơ hội cho học viên có thể vận dụng những kiến thức được học vào trong hoạt động thực tiễn; Làm được điều đó, có nghĩa là học đã đi đôi với hành và người học sẽ càng hiểu sâu sắc hơn những tri thức mà mình được lĩnh hội.

Ba là, tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phù hợp; phát huy tính tự giác, tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tự học tập, tự nghiên cứu, tự phát huy sáng kiến để nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị. Giảng viên cần lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp với nội dung, đối tượng người học, đặc biệt phải thu hút học viên. Trong quá trình giảng bài, cùng với việc thuyết trình, giảng viên cần sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy tích cực để khuyến khích học viên tham gia trao đổi, thảo luận, trình bày những kinh nghiệm, kỹ năng giải quyết trong các tình huống cụ thể; Giảng viên đóng vai trò là người hướng dẫn. Học viên sau khi học xong lý luận chính trị phải là những người cán bộ, đảng viên thấm nhuần lý luận, năng động, sáng tạo trong mọi hoạt động thực tiễn. 

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với các giảng viên Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ phải xuất phát từ những suy nghĩ, những việc làm cụ thể, hằng ngày. Không ngừng học tập, sáng tạo, tự vươn lên trong từng bài giảng, gắn chặt giữa lý luận với thực tiễn. Chỉ có như vậy, mỗi bài giảng mới đáp ứng được yêu cầu, mục đích của việc giảng dạy lý luận chính trị, mỗi giảng viên sẽ tự khẳng định được vị thế, hình ảnh của mình. Khi đó Nhà trường sẽ có một đội ngũ giảng viên chất lượng tốt, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng là cái nôi đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của Tỉnh.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=van-dung-thuc-hien-tu-tuong-ho-chi-minh-trong-giang-day-va-hoc-tap-ly-luan-chinh-tri-hien-nay
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com