Thứ sáu, 14.02.2020 GMT+7

TỈNH ỦY PHÚ THỌ LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN 4 KHÂU ĐỘT PHÁ THEO NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XVIII

Với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, đưa Phú Thọ trở thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (Nhiệm kỳ 2015-2020) đã xác định 4 khâu đột phá là: Huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội then chốt, đào tạo nguồn nhân lực, cải cách hành chính và phát triển du lịch. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy Phú Thọ đã kịp thời ban hành các Nghị quyết, kết luận và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; các cấp ủy đảng, chính quyền đã tổ chức triển khai, cụ thể hóa để phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị; đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động nhằm huy động, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân cùng tham gia xây dựng, phát triển tỉnh nhà. Kết quả cụ thể là:

Đối với khâu đột phá về huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội then chốt, Tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, tăng cường công tác quản lý quy hoạch; tạo điều kiện, cơ chế hỗ trợ tăng cường huy động nguồn lực đầu tư; kịp thời hoàn thiện cơ chế ưu đãi, thu hút đầu tư vào tỉnh. Nâng cao trách nhiệm các cấp, ngành, huyện, thành, thị, giải quyết kịp thời các vướng mắc trong công tác thu hồi, bồi thường, giao đất, tạo niềm tin với các nhà đầu tư; chú trọng và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư. Đến nay, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 50.009 tỷ đồng; thực hiện đầu tư 199 dự án thuộc 08 ngành, lĩnh vực hạ tầng kinh tế - xã hội then chốt về giao thông, hạ tầng đô thị...; nhiều công trình, dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, có ý nghĩa lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như: Nút giao IC7, IC9, IC10,IC11...Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với giảm nghèo bền vững tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, đến nay Tỉnh có 93 xã đạt chuẩn NTM, 151 khu dân cư NTM.

Đối với khâu đột phá về nguồn nhân lực: Tỉnh đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong việc phát triển nguồn nhân lực; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí tầm quan trọng phát triển nguồn nhân lực; rà soát, điều chỉnh quy hoạch, sắp xếp, củng cố lại các cơ sở giáo dục, đào tạo; các ngành nghề đào tạo phù hợp với sự phát triển của tỉnh. Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức; thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài; đào tạo lao động có trình độ kỹ thuật cao, có kỹ năng nghề nghiệp. Bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa công tác giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Do đó, nguồn nhân lực của Tỉnh có sự phát triển nhanh cả về số lượng, không ngừng nâng cao về chất lượng; cơ cấu lao động từng bước thay đổi theo hướng phù hợp với quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Chất lượng nguồn nhân lực phát triển tương đối đồng bộ trên cả 3 yếu tố cơ bản là thể lực, kỹ năng nghề nghiệp và đạo đức, lối sống. Tổng số nhân lực đào tạo mới đạt 238,8 nghìn người, bình quân mỗi năm 47,7 nghìn người; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân, công nhân kỹ thuật 23,6 nghìn lượt người.

Đối với khâu đột phá về cải cách hành chính: Tỉnh đã tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng cải cách hành chính, trọng tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kết quả là: đã thực hiện đưa 100% thủ tục hành chính(TTHC)vào giải quyết thông qua Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả; thực hiện nghiêm việc rà soát các TTHC;triển khai, xây dựng Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Phú Thọ; đầu tư, xây dựng 05 Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại tại UBND cấp huyện. Đây là bước đột phá trong cải cách TTHC nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức trong giải quyết các TTHC...; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt ở nhóm khá, đứng thứ 24/63 tỉnh, thành cả nước. Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện sắp xếp các khu dân cư, các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh; điều chỉnh, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Đối với khâu đột phá về phát triển du lịch: Tỉnh đã tập trung huy động các nguồn vốn, nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng tại các trung tâm du lịch; xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù để thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư, phát triển du lịch, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, hình thành và khai thác hiệu quả tua, tuyến du lịch phục vụ du khách. Đẩy mạnh công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới và nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến đầu tư, thông tin quảng bá và liên kết hợp tác phát triển du lịch; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và môi trường lành mạnh; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động du lịch. Do đó, đã thu hút được một số nhà đầu tư có tiềm năng, kinh nghiệm vào triển khai các dự án du lịch - thương mại - dịch vụ; hình thành, đưa vào khai thác một số dự án du lịch mang bản sắc văn hóa vùng Đất Tổ. Vì vậy, trong năm 2019, đón 7.800 lượt khách lưu trú quốc tế tăng 11,4% , đạt 97,5% mục tiêu; năm 2020 ước thực hiện là 8.000 lượt kháchđạt 100% mục tiêu.

Bên cạnh những kết quả trên, việc triển khai thực hiện 4 khâu đột phá của Tỉnh còn một số hạn chế, đó là: Việc huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội then chốtcó việc, có nơi chưa tốt; kết quả huy động nguồn lực đầu tư một số lĩnh vực, một số dự án thấp; công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng công trình ở một số ngành, địa phương chưa chặt chẽ, còn có vi phạm phải xử lý... Nguồn nhân lực về cơ bản, thể chất lao động còn thấp; tinh thần trách nhiệm trong công việc, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công dân, văn hoá doanh nghiệp, ý thức tuân thủ kỷ luật lao động của một bộ phận đáng kể người lao động chưa cao. Thiếu hụt lao động có tay nghề cao, chất lượngcủa lao động chưa cao.Một bộ phận đội ngũ công chức, viên chức ý thức trách nhiệm,năng lực công tác, đạo đức công vụ, trình độ tin học, ngoại ngữ hạn chế. Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu cán bộ có trình độ cao về khoa học và công nghệ.Nguồn lực đầu tư cho du lịch còn thấp, một số dự án đầu tư hạ tầng du lịch triển khai chậm. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch tại một số khu, điểm du lịch đầu tư chưa đồng bộ, hiện đại. Hoạt động du lịch còn nặng tính mùa vụ; sản phẩm du lịch chưa thật sự phong phú. Công tác xúc tiến đầu tư, tuyên truyền quảng bá phát triển du lịch có đổi mới nhưng chưa hiệu quả... Hiệu quả cải cách hành chính chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới; đặc biệt là hệ thống TTHC còn nhiều bất cập, vướng mắc gây khó khăn, tốn kém thời gian cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Kết quả cải cách TTHC đạt được còn chưa đồng đều giữa các cơ quan, lĩnh vực. Số lượng TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức thấp, đạt 55,00%; Tỷ lệ tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức ở độ 3, mức độ 4 và sử dụng dịch vụ bưu chính công ích còn thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra; Việc thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số thông qua hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành mới chỉ thực hiện liên thông tư cấp tỉnh đến UBND các huyện, thành, thị; chưa triển khai thực hiện đến UBND cấp xã; Đến nay, toàn tỉnh mới  đạt 69,23% và 0,89% UBND cấp xã xây dựng được Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại, đạt tỷ lệ rất thấp...

Những hạn chế trên có nhiều nguyên nhân; song chủ quan là do một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu một số địa phương, đơn vị chưa đề cao trách nhiệm, thiếu sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chưa chủ động xử lý vấn đề phức tạp; trách nhiệm trong phối hợp giải quyết công việc chưa cao; công tác quản lý Nhà nước còn hạn chế; một bộ phận cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, còn gây phiền hà, sách nhiễu; công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý cán bộ, đảng viên ở một số đơn vị chưa tốt...

Vì vậy, thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp: Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức và tăng cường công tác chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia của cộng đồng; tiếp tục tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước; tiếp tục đưa nội dung cải các hành chính là một trong những khâu đột pháphát triển kinh tế nhanh, bền vững; tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát toàn diện trên các lĩnh vực...

 

Tài liệu tham khảo:

Báo cáo của Tỉnh ủy về việc đánh giá 5 năm (2016-2020) thực hiệnNghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch và Kế hoạch giai đoạn 2021-2025;

Báo cáo của Tỉnh ủy về việc đánh giá 5 năm (2016-2020) thực hiệnNghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh về huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội then chốt giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch giai đoạn 2021-2025;

Báo cáo của Tỉnh ủy về việc đánh giá 5 năm (2016-2020) thực hiệnNghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh về Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Phú Thọ và Kế hoạch giai đoạn 2021-2025;

Báo cáo của Tỉnh ủy về việc đánh giá 5 năm (2016-2020) thực hiệnNghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh về Cải cách hành chính và Kế hoạch giai đoạn 2021-2025.

 

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=tinh-uy-phu-tho-lanh-dao-thuc-hien-4-khau-dot-pha-theo-nghi-quyet-dai-hoi-dang-bo-tinh-lan-thu-xviii
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com