Thứ năm, 13.02.2020 GMT+7

VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM QUA 90 NĂM (1930 - 2020)

Năm 2020 là năm toàn Đảng, toàn quân và toàn dân kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020). Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời đến nay luôn phấn đấu, rèn luyện xứng đáng là đội tiên phong và đại biểu trung thành của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; các tổ chức của Ðảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

Vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam rất sôi nổi, tràn đầy nhiệt huyết, từ các phong trào chống Pháp do các sĩ phu yêu nước đến các nhà cách mạng có xu hướng tư sản lãnh đạo. Nhưng tất cả các phong trào ấy đều thất bại, đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc về đường lối chính trị. Trong hoàn cảnh ấy, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứ nước, giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân Pháp. Từ chủ nghĩa yêu nước, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy ở học thuyết khoa học và cách mạng đó con đường cách mạng đúng đắn. Từng bước, với sự nghiên cứu lý luận và hoạt động thực tiễn sôi nổi, phong phú, Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá lý luận Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, đồng thời cùng với các đồng chí của mình chuẩn bị những điều kiện về tư tưởng, chính trị và tổ chức để thành lập một Đảng cách mạng chân chính.

Mùa xuân năm 1930, với vai trò và trách nhiệm trong Quốc tế cộng sản, với uy tín chính trị, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt sự khủng hoảng kéo dài về đường lối cách mạng Việt Nam. Sự ra đời của Đảng là thành quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam; chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành và đủ sức gánh vác sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng đã xác định con đường cơ bản của cách mạng Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của dân tộc và nguyện vọng tha thiết của nhân dân.

Từ khi ra đời đến nay, Trải qua 90 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của mình. 15 năm sau khi thành lập, Đảng ta đã lãnh đạo Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đánh đuổi đế quốc, thực dân, lật đổ chế độ phong kiến, lập ra nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á; mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, cả dân tộc Việt Nam đã nghe theo lời kêu gọi của Đảng, của Bác Hồ, lên đường kháng chiến và cuối cùng đã giành được thắng lợi to lớn, đánh thắng đế quốc xâm lược và lập lại hoà bình ở miền Bắc Việt Nam. Trong hoàn cảnh đất nước tạm bị chia làm hai miền, Đảng đã lãnh đạo nhân dân cả nước tiến hành đồng thời hai cuộc cách mạng: Cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Khi Mỹ đưa quân vào xâm lược ở miền Nam, tiến hành các chiến lược chiến tranh chiến nhằm đánh phá các căn cứ cách mạng ở miền Nam và mở rộng chiến tranh xâm lược ra miền Bắc (1964), Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân hai miền "đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào", giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc (1975), đưa cả nước đi lên CNXH. Với những thắng lợi vĩ đại của cách mạng nước ta do Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo, dân tộc Việt Nam trở thành một trong những dân tộc đầu tiên làm cách mạng giải phóng dân tộc thành công ở một nước thuộc địa và lệ thuộc; một trong những dân tộc đầu tiên đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới, mở đầu phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ-La tinh.

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước Việt Nam thống nhất, Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng XHCN, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước tình hình đất nước gặp nhiều khó khăn về kinh tế, đời sống nhân dân còn thiếu thốn, Đảng ta đã chủ động khởi xướng và lãnh đạo thành công công cuộc đổi mới đất nước (1986). Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn lịch sử, thể hiện bản lĩnh vững vàng, tư duy sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển của đất nước. Sau Đại hội VI, Đảng đã từng bước hoàn thiện, cụ thể hoá đường lối đổi mới mà nội dung cơ bản, cốt lõi được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện quan trọng của Đảng qua các kỳ Đại hội.

Đến nay đất nước đã trải quahơn 30 năm đổi mới, đólà giai đoạn lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành mọi mặt về sự lãnh đạo của Đảng ta. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện và triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, thể hiện tài năng lãnh đạo của Đảng ta. Đất nước ta đã đạt được những thành tự to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá; nền kinh tế thị trường định hướng XHCN từng bước được hình thành; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; văn hóa, xã hội có bước phát triển mới; đời sống nhân dân từng bước được nâng lên; dân chủ XHCN được phát huy và ngày càng mở rộng; đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh tổng hợp của đất nước được tăng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và chế độ XHCN được giữ vững. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Mới đây, Việt Nam được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc bầu với số phiếu tín nhiệm rất cao, gần như tuyệt đối, lần thứ hai trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Với những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII; năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; năm kỷ niệm nhiều sự kiện chính trị trọng đại; năm Việt Nam thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tình hình quốc tế và trong nước tạo ra nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải nỗ lực rất cao, quyết tâm rất lớn, phấn đấu để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đã đề ra. Đặc biệt cần tiếp tục việc xây dựng chỉnh đốn Đảng như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về xây dựng Đảng đã khẳng định, phải tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần tích cực và kiên quyết, mạnh mẽ hơn nữa, nhằm tạo ra một bước chuyển biến rõ rệt hơn nữa trên các mặt, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, củng cố sự kiên định về mục tiêu, lý tưởng cách mạng; tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động; củng cố tổ chức chặt chẽ; tăng cường mối liên hệ mật thiết với nhân dân; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, coi đây là vấn đề sống còn của Đảng ta, chế độ ta.

Bước sang giai đoạn mới, để nâng cao vai trò và sự lãnh đạo, Đảng cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu như: Chú trọng xây dựng Đảng về chính trịtiếp tục đổi mới tư duy lý luận, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống các quan điểm về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa các nhân, cơ hội, thực dụng; tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị; kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các tooe chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên; đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ; đổi mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; thường xuyên đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chính trị.

Đảng ta luôn khẳng định quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, nâng cao vai trò và sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ XHCN, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nhanh, bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Với tất cả những thành quả đã đạt được qua 90 năm và những mục tiêu trước mắt, chúng ta có thể tự hào rằng: Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, xứng đáng là Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sáng lập và rèn luyện.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=vai-tro-lanh-dao-cua-dang-cong-san-viet-nam-qua-90-nam-1930-2020
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com