Thứ tư, 12.02.2020 GMT+7

SỰ RA ĐỜI CỦA 4 CHI BỘ ĐẢNG - NHỮNG HẠT GIỐNG ĐẦU TIÊN TRONG QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH PHÚ THỌ

Sau khi đánh chiếm tỉnh Hưng Hóa (1884), thực dân Pháp đã tăng cường xây dựng bộ máy thống trị và thi hành chính sách cai trị rất thâm độc để bóc lột, đàn áp nhân dân. Chúng chiếm ruộng đất, áp đặt sưu cao thuế nặng, thực hành chính sách “Ngu dân”, chia rẽ giáo - lương, gây bè phái, dòng tộc, bóc lột sức lao động của nhân dân hết sức dã man. Trong các làng, các tổng chỉ có trường sơ đẳng, trường hương học dạy cho vài chục học sinh là con em nhà khá giả, hương lý, hầu hết nhân dân bị mù chữ. Các làng, xã không có trạm y tế, chỉ có một bệnh viện nhỏ ở thị trấn Việt Trì với vài chục giường và một y sỹ phụ trách chủ yếu phục vụ cho bọn quan lại nhà giàu. Trong khi trường học, bệnh viện không có thì bọn thống trị khuyến khích các hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội như mê tín dị đoan, tiệm hút thuốc phiện, các sòng bạc, cô đầu, nhà thổ, các đại lí bán rượu tự do phát triển.

Dưới ách thống trị của chính quyền thực dân phong kiến, trước cảnh nước mất, nhà tan, song không cam chịu sống đời nô lệ, cơ cực, các thế hệ nhân dân Phú Thọ đã nối tiếp nhau cùng với nhân dân cả nước đứng lên đấu tranh chống lại ách thống trị của chúng, tham gia các cuộc nổi dậy của các sỹ phu yêu nước trong các phong trào kháng Pháp. Những năm đầu thế kỷ XX trong học sinh, viên chức ở Phú Thọ có phong trào hưởng ứng cuộc vận động để tang cụ Phan Chu Trinh; tham gia tổ chức Quốc dân Đảng yêu nước do Nguyễn Thái Học lãnh đạo chống thực dân Pháp. Tại Bạch Hạc, từ năm 1930 đã hình thành một tổ chức quần chúng của Đảng là Nông hội đỏ do các đảng viên ở Vĩnh Yên xây dựng đã nhận truyền đơn từ Vĩnh Yên để rải ở Bạch Hạc và Việt Trì với nội dung "ủng hộ Nghệ Tĩnh" và phản đối thực dân Pháp đàn áp phong trào công nông Nghệ Tĩnh dã man. Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939) đã hình thành một số tổ chức quần chúng hoạt động khá sôi nổi như: Hội truyền bá quốc ngữ, Hội ái hữu, Nghiệp đoàn, Hướng đạo sinh… thực hiện mục tiêu đòi quyền dân chủ, dân sinh, các tổ chức ái hữu công nhân đấu tranh đòi tăng lương, không được đánh đập công nhân…Một số thanh niên gia nhập nghĩa quân của Đốc Đoàn, Lê Đông tham gia chặn đánh binh đoàn của tướng Muy ni ê ở Minh Nông, Thụy Vân khi chúng đưa quân từ Việt Trì lên tấn công căn cứ Thanh Mai (Thanh Đình - Lâm Thao); gia nhập nghĩa quân do bố chính Nguyễn Văn Giáp chỉ huy năm 1885; tham gia tập kích trại giám binh Pháp ở thị xã Phú Thọ do tổ chức Việt Nam Quang phục hội ở Phù Ninh tiến hành...

       Các phong trào yêu nước chống thực dân phong kiến đã thức tỉnh tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, căm thù giặc sâu sắc của đông đảo nhân dân Phú Thọ nhưng còn mang tính tự phát, thiếu tổ chức và chưa có một đường lối đúng đắn nên thất bại.

Năm 1930, khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, đất nước ta còn chìm trong đêm trường nô lệ của chủ nghĩa thực dân đế quốc. Sự ra đời của Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, như ngọn đèn pha soi đường dẫn dắt nhân dân lao động đứng lên giải phóng quê hương, đất nước. Nhưng do những điều kiện khó khăn của lịch sử, dưới sự cai trị hà khắc của chính quyền thực dân phong kiến, trong những năm đầu khi Đảng mới thành lập, những người cộng sản chỉ tổ chức được một số cơ sở cách mạng ở các thành phố lớn và những nơi có đông lực lượng công nhân lao động như ở các hầm mỏ, công xưởng và đồn điền... Còn ở Phú Thọ chưa có cán bộ về tuyên truyền cách mạng và gây dựng cơ sở Đảng.

Không cam chịu ách áp bức của ngoại bang, nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ đã hăng hái tham gia các phong trào đấu tranh chống giặc ngoại xâm do các sỹ phu yêu nước, ông đề, ông đốc, thủ lĩnh nông dân lãnh đạo. Phong trào cách mạng theo đường lối của Đảng bắt đầu xuất hiện ở Phú Thọ từ thời kỳ Mặt trận dân chủ (1936-1939) như một số báo chí công khai của Đảng đã được lưu hành ở một số nơi trong tỉnh; hình thành vài tổ chức ái hữu, vận động đòi quyền dân chủ trong nhân dân ở thị xã Việt Trì (nay là thành phố Việt Trì), Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, thị trấn Hưng Hóa (Tam Nông), Cát Trù- Thạch Đê (Cẩm Khê)...Hoạt động cách mạng trong tỉnh thời gian này chưa nhiều nhưng đã gây ảnh hưởng nhất định cho việc xây  dựng cơ sở Đảng sau này.

Khoảng tháng 8 năm 1939, một số học sinh tiến bộ quê Phú Thọ tham gia trong tổ chức Đảng cộng sản ở Hà Nội đã đưa cán bộ của Đảng lên Phú Thọ hoạt động. Cũng trong thời kỳ này, một số cán bộ Đảng từ cơ sở Vĩnh Yên phát triển lên Việt Trì. Nhận thấy Phú Thọ có vị trí hết sức quan trọng về kinh tế, chính trị, quân sự, lại được quần chúng tích cực hưởng ứng nên khi Trung ương chủ trương rút một số cán bộ ở thành thị đang hoạt động công khai rút vào bí mật, chuyển trọng tâm công tác về nông thôn khi chiến tranh thế giới thứ II sắp bùng nổ, xứ uỷ Bắc Kỳ đã cử nhiều cán bộ về tỉnh gây dựng cơ sở.

Tháng 8 năm 1939, đồng chí Nguyễn Văn Trạch (bí danh Hồng Quang) đã cùng các đồng chí Đào Duy Kỳ, Trần Hải Kế- là những cán bộ Đoàn Thanh niên Dân chủ Hà Nội, sau đó là đồng chí Lương Khánh Thiện- Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ; đồng chí Trần Quí Kiên - Ủy viên Xứ ủy Bắc kỳ về Cát Trù (Cẩm Khê) nghiên cứu tình hình, tuyên truyền cách mạng và kết nạp một số hội viên đoàn thể phản đế ở địa phương vào Đảng như các đồng chí Trần Văn Cần, Đặng Ngọc Ky, Lê Quí Đôn, Hoàng Văn Hậu... và lập ra chi bộ Cát Trù- Thạch Đê (hay còn gọi là chi bộ “Đọi Đèn”-tên một dãy núi ở phía Nam huyện Cẩm Khê).

Nhằm mở rộng địa bàn, cơ sở ra các vùng xung quanh, đồng chí Lương Khánh Thiện và đồng chí Trần Quí Kiên đã đến Thái Ninh (Thanh Ba) bắt mối liên lạc với đồng chí Quốc Thụy (bí danh là Tuân) tập hợp một số đảng viên bị lộ ở vùng xuôi lên đây hoạt động và thành lập chi bộ Đảng Thái Ninh – Thanh Ba. Tiếp đó, các đồng chí đến gây cơ sở ở Trạm Thản, Cẩm Sơn (Phù Ninh) - một địa danh có vị trí kín đáo, giao thông thủy- bộ thuận tiện cho việc liên lạc với các cơ sở trong, ngoài huyện và đã xây dựng được địa điểm in ấn tài liệu tuyên truyền, liên lạc tin cậy của Xứ ủy ở đây.

Cùng thời điểm, đồng chí Đào Duy Kỳ-Xứ ủy viên xứ ủy Bắc Kỳ đến đồn điền ông Lê Nhuận Chi ở Phú Hộ (Phù Ninh) gặp đồng chí Phạm Thường (bí danh Phạm Toàn) là bạn học cũ, cùng hoạt động trong Đoàn Thanh niên dân chủ Hà Nội để gây dựng cơ sở. Tại đây, các đồng chí đã tuyên truyền về Đảng cho một số tá điền ở đồn điền Phú Hộ và sau một thời gian, đã lập ra tổ chức Đoàn thanh niên phản đế trong đồn điền và kết nạp 2 đoàn viên hăng hái, giác ngộ nhất vào Đảng, thành lập Chi bộ Phú Hộ. Ở làng Thia (xã Hà Lộc), đồng chí Bùi Nhật (tức Bùi Quang Tạo)- cán bộ Đảng hoạt động ở Thái Bình bị lộ cũng bắt được liên lạc với cơ sở Phú Hộ.

Cũng trong thời gian này, tại cơ sở Nhà máy bột giấy Việt Trì, các đồng chí Lê Quang Ấn (bí danh Mai Xuân Du), đồng chí Nguyễn Văn Giốc (bí danh là Giới) cùng 2 đảng viên trước đó được kết nạp tại chi bộ Bạch Hạc (khi ấy thuộc tỉnh Vĩnh Yên) là Đặng Trần Cung (bí danh An Quân) và Hà Văn Lăng (bí danh Việt Hồng) cùng hoạt động trong Nhà máy bột giấy Việt Trì đã lập ra chi bộ Việt Trì, do đồng chí Nguyễn Văn Giốc làm Bí thư. Qua nhiều mối liên hệ, chỉ trong một thời gian ngắn, các cán bộ Đảng đã tuyên truyền, giác ngộ cách mạng và kết nạp được một số hội viên, đoàn viên vào tổ chức Mặt trận và đoàn thể phản đế ở các vùng Bạch Hạc (Việt Trì), Cát Trù - Thạch Đê (Cẩm Khê), Thái Ninh (Thanh Ba), Trạm Thản, Cẩm Sơn, Gia Thanh, Phú Hộ (Phù Ninh).... Hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn, kẻ thù luôn rình rập, song các cán bộ Đảng đã vượt lên hoàn cảnh, thường xuyên gần gũi, khêu gợi áp bức bất công, làm cho quần chúng giác ngộ dần về quyền lợi chính trị và giai cấp. Những bài ca phản đế (nhiều bài do đồng chí Nguyễn Văn Trạch sáng tác) đã được dùng làm tài liệu tuyên truyền, có nơi sử dụng làm bài học dạy truyền khẩu trong các lớp truyền bá chữ quốc ngữ, nhờ đó ảnh hưởng của cách mạng đã nhanh chóng lan rộng trong nhân dân. Thông qua hoạt động cụ thể, các cán bộ Đảng đã lựa chọn một số quần chúng sớm giác ngộ để tuyên truyền, kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Như vậy, đến đầu năm 1940, toàn tỉnh đã phát triển được hơn 10 đảng viên ở 4 chi bộ (Cát Trù - Thạch Đê, Thái Ninh (Thanh Ba), Phú Hộ (Phù Ninh), Nhà máy bột giấy Việt Trì) với gần 20 đảng viên; do Xứ uỷ Bắc kỳ trực tiếp lãnh đạo và hơn 60 hội viên các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, nông dân phản đế ở 17 cơ sở: Cát Trù- Thạch Đê (Cẩm Khê), Sóc Đăng (Đoan Hùng), An Lão (Hạc Trì), Hiền Lương (Hạ Hòa), Cổ Tiết (Tam Nông), Phố Bạch Hạc, Nhà máy Giấy (Việt Trì), Phú Hộ, Cao Mại (Lâm Thao), Thái Ninh, Vũ Yển (Thanh Ba), Cẩm Sơn, Xuân Thịnh, Kim Lăng, Gia Thanh, Tử Đà và Tăng Mỹ (Phù Ninh)...

 Đáp ứng yêu cầu lãnh đạo đang đặt ra một cách cấp thiết, đồng thời có đủ điều kiện theo qui định, tháng 3 năm 1940, đồng chí Lương Khánh Thiện thay mặt Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ quyết định thành lập Ban cán sự (tức Tỉnh uỷ Lâm thời) tỉnh Phú Thọ gồm 5 ủy viên và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ủy viên trực tiếp phụ trách, chỉ đạo cơ sở, nhất là những nơi có vị trí quan trọng. Đồng chí Đào Duy Kỳ-Bí thư, phụ trách chung; đồng chí Hoàng Ngọc Chương- Ủy viên, phụ trách chi bộ Cát Trù- Thạch Đê; đồng chí Nguyễn Văn Giốc- Ủy viên, phụ trách chi bộ Việt Trì; đồng chí  Trần Thị Minh Châu- Ủy viên, phụ trách công tác phụ vận và cơ sở Hiền Lương (Hạ Hòa); đồng chí Vương Văn Huống-Ủy viên, phụ trách cơ sở Phú Hộ và thị xã Phú Thọ. Hội nghị thành lập Ban Cán sự tỉnh được tổ chức tại nhà ông Nguyễn Văn Ngân- một gia đình cơ sở ở ấp Cẩm Sơn (thuộc xã Liên Hoa, huyện Phù Ninh). Đây là một sự kiện hết sức quan trọng đã đánh dấu mốc về sự ra đời của Đảng bộ Phú Thọ và là sự kiện có ý nghĩa to lớn về sự phát triển của Đảng ta trong tiến trình vận động, lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Ban cán sự tỉnh ra đời là một sự kiện quan trọng trong lịch sử Đảng bộ Phú Thọ, đánh dấu bước ngoặt và bước trưởng thành về công tác xây dựng Đảng ở tỉnh Phú Thọ. Mở ra thời kỳ mọi hoạt động, mọi phong trào đấu tranh của nhân dân tỉnh Phú Thọ gắn liền với sự lãnh đạo của tổ chức Đảng và với phong trào cách mạng trong cả nước. Thực hiện sự phân công của Ban cán sự tỉnh, các uỷ viên đã trực tiếp đến các địa bàn nơi mình phụ trách để phát triển cơ sở, phát triển tổ chức các đoàn thể phản đế và lãnh đạo quần chúng đấu tranh cách mạng.

Phong trào cách mạng tỉnh Phú Thọ phát triển mạnh. Cuối năm 1941, Pháp tập trung lực lượng đàn áp dã man. Ban cán sự không còn. Tháng 6/1942 Xứ uỷ Bắc Kỳ đã cử cán bộ về phục hồi cơ sở và quyết định thành lập lại Ban cán sự tỉnh Phú Thọ. Cuối tháng 5 năm 1944, cuộc họp thành lập lại Ban cán sự tỉnh do đồng chí Hoàng Quốc Việt triệu tập đã tái lập Ban cán sự tỉnh. Ban cán sự tỉnh được tái lập là nhân tố hết sức quan trọng để đưa phong trào cách mạng ở tỉnh  Phú Thọ có những bước chuyển biến mới. hoà nhập với cao trào chống Nhật cứu nước của cả nước.

Mặc dù số lượng đảng viên còn ít, cơ sở Đảng còn mỏng, lại hoạt động trong điều kiện bí mật, chính quyền thực dân phong kiến tìm mọi cách ngăn cấm sự hoạt động của Đảng, nhưng với sự nhiệt tình cách mạng và lòng quả cảm, các chiến sĩ cộng sản không quản ngại gian khổ, hy sinh, len lỏi đến từng thôn xóm, bản làng cả vùng đồng bằng và vùng rừng núi để tuyên truyền cách mạng. Vì vậy, đường lối của Đảng đã dần thấm sâu vào phong trào quần chúng, chỉ đường dẫn lối cho nhân dân lao động sẵn sàng đứng lên lật đổ ách thống trị của chính quyền thực dân phong kiến, giải phóng quê hương, đất nước.

Từ chỗ Đảng bộ khi mới thành lập chỉ có 4 chi bộ với vài chục đảng viên, đến nay toàn Đảng bộ đã phát triển tới gần 800 chi, đảng bộ cơ sở, với 105.425  đảng viên. Sức mạnh được nhân lên về tổ chức, làm cho Đảng bộ ngày càng xứng đáng vai trò lãnh đạo toàn xã hội trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng, đem lại cuộc sống yên bình và ấm no hạnh phúc cho Nhân dân.

Nhìn lại 80 năm qua, từ một Đảng bộ mới thành lập còn non trẻ, nhưng đã làm nên một sự kiện thần kỳ, lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền từ tay kẻ thù, xây dựng và bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng. Đến nay, là một Đảng bộ vững mạnh toàn diện, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ thể hiện ngày càng rõ, nhất là trong sự nghiệp đổi mới của Đảng. Hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị đề ra cho nhiệm kỳ 2015 - 2020, đó là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; ý thức trách nhiệm, tính chủ động sáng tạo của Nhân dân; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chính quyền các cấp hiệu lực, hiệu quả; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát huy sức mạnh tổng hợp, khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế, giá trị lịch sử, văn hóa vùng Đất Tổ và các thành phần kinh tế; tập trung thực hiện nội dung trọng tâm trong bốn khâu đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt, cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực và du lịch để kinh tế phát triển nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân; phấn đấu xây dựng Phú Thọ trở thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ”.Trong hoàn cảnh mới, với sức mạnh của một Đảng bộ đoàn kết, thống nhất, trí tuệ, nhất định trong thời gian tới Phú Thọ sẽ vươn mình đuổi kịp các tỉnh, thành phát triển trong cả nước, xứng đáng là một tỉnh cội nguồn của dân tộc.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=su-ra-doi-cua-4-chi-bo-dang-nhung-hat-giong-dau-tien-trong-qua-trinh-hinh-thanh-dang-bo-tinh-phu-tho
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com