Thứ hai, 13.01.2020 GMT+7

XÂY DỰNG KẾ HOẠCH NGHIÊN CỨU KHOA HỌC HÀNG NĂM CỦA CÁC KHOA, PHÒNG NHẰM THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU, NHIỆM VỤ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn là một trong hai nhiệm vụ trọng tâm của trường chính trị; là khâu đột phá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên; tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội hoàn thiện cơ chế, chính sách. Hoạt động nghiên cứu khoa học của các trường chính trị tỉnh bao gồm các hoạt động sau:

1. Nghiên cứu đề án, đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp bộ,cấp tỉnh, cấp cơ sở (cấp trường), cấp khoa;

        2. Nghiên cứu biên soạn chương trình, tài liệu phục vụ chương trình đào tạo, bồi dưỡng của trường theo quy định;

        3. Nghiên cứu biên soạn tập bài giảng tình hình, nhiệm vụ của địa phương;

        4. Nghiên cứu, biên soạn lịch sử trường, lịch sử đảng bộ địa phương,lịch sử ngành;

        5. Tham gia hội thảo khoa học cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh, cấp cơ sở, tọa đàm, sinh hoạt khoa học của khoa;

        6. Tham gia nghiệm thu đề án, đề tài, tài liệu giảng dạy, học tập;

        7. Nghiên cứu viết bài công bố trên báo, bản tin, kỷ yếu khoa học, tạp chí in và điện tử, trang thông tin điện tử của trường, địa phương, trung ương, quốc tế;

        8. Khảo sát thực tế theo kế hoạch phục vụ giảng dạy, học tập, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu đề án, đề tài khoa học;

        9. Nghiên cứu viết sáng kiến - kinh nghiệm phục vụ giảng dạy và học tập.

Theo Quy chế, trách nhiệm nghiên cứu khoa học của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là thuộc về cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên. Hiệu trưởng nhà trường tạo điều kiện về thời gian, kinh phí, tài liệu, phương tiện, các thông tin cần thiết và chế độ khác theo quy định của nhà nước, của trường cho cán bộ lãnh đạo quản lý, giảng viên hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Kết quả nghiên cứu khoa học là một trong những căn cứ đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên hàng năm.

Thực hiện Quy chế của Học viện, hàng năm nhà trường luôn có kế hoạch triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học cho toàn trường. Trung bình mỗi năm có từ 7 đến 10 đề tài khoa học cấp cơ sở bảo vệ thành công  và đưa vào ứng dụng trong thực tiễn; các cuộc hội thảo khoa học, tọa đàm cũng được tổ chức góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị do cấp ủy và chính quyền địa phương giao.

Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ NCKH trong những năm gần đây cho thấy vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục đó là: Kết quả NCKH được nghiệm thu nhưng tính ứng dụng chưa cao.Trong từng đơn vị khoa, phòng chủ yếu tập trung vào một số ít người có quá trình công tác, có kinh nghiệm, lực lượng giảng viên trẻ chưa được sử dụng một cách hiệu quả; các khoa, phòng chưa chủ động trong việc xây dựng kế hoạch về NCKH, mặc dù đây là một nhiệm vụ tương đương và phục vụ đắc lực cho hoạt động giảng dạy...

Để góp phần khắc phục những tồn tại trên, nhằm hướng tới một hoạt động nghiên cứu khoa học nề nếp và quy củ, thì việc xây dựng kế hoạch hoạt động khoa học hàng năm của các đơn vị khoa, phòng chuyên môn trong nhà trường là rất cần thiết, để giúp cho cán bộ, giảng viên của các đơn vị chủ động trong NCKH. Để làm được điều này, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

 Thứ nhất, căn cứ chức năng, nhiệm vụ chuyên môn được giao và thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học hàng năm của nhà trường, các khoa, phòng chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong năm. Kế hoạch này phải được xây dựng vào đầu Quý I và được bàn bạc, thảo luận, thống nhất trong đơn vị, giao cho đồng chí Phó Hiệu trưởng phụ trách đơn vị chịu trách nhiệm ký duyệt.

Thứ hai, trong kế hoạch NCKH của các khoa, phòng phải chỉ rõ mục đích, yêu cầu của việc thực hiện kế hoạch, trong đó phải xác định được: Triển khai thực hiện nhiệm vụ NCKH hàng năm kịp thời, có chất lượng, bảo đảm đúng định hướng và yêu cầu được nhà trường đề ra. Đưa hoạt động NCKH của đơn vị đi vào nề nếp, quy củ, phát huy trí tuệ và năng lực NCKH, tổng kết thực tiễn đối với cán bộ, giảng viên.

Thứ ba, xác định nội dung NCKH trong năm của đơn vị. Đây là nội dung cơ bản của kế hoạch. Xác định nội dung, phân công nhiệm vụ thực hiện và tham gia thực hiện các đề tài, đề án khoa học, sáng kiến kinh nghiệm của đơn vị mình, liên kết với các đơn vị khác và của nhà trường (khi được yêu cầu).

Trong đó tập trung vào các vấn đề: Tham gia nghiên cứu đề tài khoa học cấp tỉnh, cấp cơ sở (cấp trường), cấp khoa; tham gia hội thảo khoa học cấp tỉnh, cấp cơ sở, tọa đàm, sinh hoạt khoa học của khoa; tham gia nghiên cứu, đánh giá, sơ, tổng kết việc thực hiện Cương lĩnh, chỉ thị, nghị quyết, chương trình, chính sách.. của Đảng, Nhà nước, của ngành, lĩnh vực liên quan trên địa bàn tỉnh;Viết bài nghiên cứu tổng kết, phổ biến giá trị, bài học, kinh nghiệm gắn với những sự kiện trọng đại, những ngày lễ lớn của đất nước để đăng trong bản tin, trang Web của nhà trường và các báo, tạp chí của địa phương và trung ương;lựa chọn địa điểm, đi thực tế theo kế hoạch phục vụ giảng dạy, học tập, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu đề án, đề tài khoa học; Tham gia viết sáng kiến - kinh nghiệm phục vụ giảng dạy và học tập và các nhiệm vụ công tác khác.

Các nội dung trên phải gắn với các chủ đề, chủ điểm; các khoa, phòng cần lượng hóa đến từng tháng, từng quý để cán bộ, giảng viên chủ động tham gia viết bài, chủ động đón đầu các sự kiện, các hoạt động để hình thành ý tưởng và chuẩn bị tư liệu, kiến thức để đầu tư cho các hoạt động NCKH.

Thứ tư, phân công nhiệm vụ và tổ chức thực hiện kế hoạch, giao nhiệm vụ cho từng bộ phận và từng cá nhân trong đơn vị.

Đối với Trưởng khoa, phòng: Trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn đã được quy định, đối với hoạt động khoa học của đơn vị, cần:  Dự thảo hoặc chỉ đạo xây dựng dự thảo nội dung kế hoạch, thông qua tập thể khoa để cán bộ, giảng viên góp ý bổ sung, điều chỉnh. Trình Ban Giám hiệu xin ý kiến. Chỉ đạo chung và phối hợp với các phó trưởng khoa, phòng chỉ đạo thực hiện kế hoạch.

Đối với các phó trưởng khoa, phòng: Sau khi kế hoạch được thống nhất, căn cứ chức trách, nhiệm vụ và các công việc chuyên môn được phân công chủ động thực hiện, đồng thời tham mưu giúp trưởng khoa chỉ đạo thực hiện kế hoạch trong từng thời điểm cụ thể.

Đối với cán bộ, giảng viên: Căn cứ quy định về thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đối với giảng viên chính, giảng viên và giảng viên tập sự để thực hiện bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng. Cá nhân tham gia đề tài khoa học của khoa căn cứ vào nhiệm vụ đã được hội đồng khoa học nhà trường phê duyệt để thực hiện.

Để việc xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học của các khoa phòng trường chính trị đi vào nề nếp, phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học với chức năng của mình cần nghiên cứu, tham mưu cho Lãnh đạo nhà trường ban hành mẫu kế hoạch nghiên cứu khoa học cho các khoa, phòng trong toàn trường để thống nhất quản lý.

Việc chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động nghiên cứu khoa học hàng năm của của các khoa, phòng chuyên môn, cụ thể hóa từng hạng mục, nội dung cũng như gắn với vai trò, trách nhiệm từng bộ phận, cá nhân sẽ giúp cho các đơn vị lãnh đạo, tổ chức thực hiện nội dung nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn đi đúng định hướng; gắn bó chặt chẽ và phục vụ tốt cho công tác giảng dạy và các nhiệm vụ chuyên môn khác có liên quan; giúp cho đội ngũ cán bộ, giảng viên có điều kiện, cơ hội tham gia nhiều và có chất lượng hơn các hoạt động nghiên cứu khoa học. Thông qua hoạt động NCKH, giúp cho nhà trường trong công tác quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động khoa học và uy tín, vị thế của nhà trường trong lộ trình xây dựng trường chính trị chuẩn, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn hiện nay./.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=xay-dung-ke-hoach-nghien-cuu-khoa-hoc-hang-nam-cua-cac-khoa-phong-nham-thuc-hien-hieu-qua-cong-tac-nghien-cuu-khoa-hoc-dap-ung-yeu-cau-nhiem-vu-trong-tinh-hinh-moi
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com