Thứ hai, 06.01.2020 GMT+7

NHÌN LẠI, CUỘC TỔNG TUYỂN CỬ QUỐC HỘI CỦA ĐẦU TIÊN NĂM 1946 VÀ VẬN DỤNG VÀO GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 là một sự kiện lịch sử trọng đại, mở đầu cho quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới; là sự khởi đầu và phát triển của Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, trụ cột Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Với thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Việt Nam đã trở thành nước độc lập, tự do. Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là cơ quan điều hành Nhà nước cao nhất, thực thi các chính sách đối nội và đối ngoại.

Việc ban hành Hiến pháp, thành lập Chính phủ chính thức là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất để củng cố và tăng cường chính quyền của nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trái gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống v.v…”. Ngày 8 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 14-SL mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội.

Ngày 26 tháng 9 năm 1945, Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 39-SL về thành lập Uỷ ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 51-SL ngày 17 tháng 10 năm 1945 quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử phải thực hiện theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín

Việc chuẩn bị cho Tổng tuyển cử diễn ra rất khẩn trương, trong điều kiện tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn; vừa kháng chiến chống Pháp ở miền Nam, vừa phải đấu tranh chống lại những hành động phá hoại của quân Tưởng và các đảng phái phản động. Đặc biệt, Việt Nam Quôc dân Đảng (Việt Quốc) và Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội (Việt Cách) đã sử dụng mọi thủ đoạn để phá hoại và kêu gọi tẩy chay Tổng tuyển cử.

Để thực hiện chủ trương thống nhất và hòa giải nhằm tạo bầu không khí ổn định cho Tổng tuyển cử; đồng thời, để có thêm thời gian cho công tác chuẩn bị, nhất là để các ứng cử viên có điều kiện nộp đơn và vận động tranh cử; ngày 18 tháng 12 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày Chủ nhật 6 tháng 1 năm 1946. Qua quá trình đàm phán, Việt Quốc đã thỏa thuận hợp tác và ủng hộ cuộc Tổng tuyển cử. Trên cơ sở đó, ngày 24 tháng 12 năm 1945, đại biểu của Việt Minh, Việt Quốc, Việt Cách đã cùng ký bản “Biện pháp đoàn kết”, trong đó có điều khoản ủng hộ Tổng tuyển cử và kháng chiến, nhất trí về việc mở rộng Chính phủ lâm thời có đại diện của Việt Quốc, Việt Cách tham gia mà không qua bầu cử.

Ngày 6 tháng 1 năm 1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trong cả nước, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên… Ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).      

Ở các địa phương khác trong cả nước, cuộc Tổng tuyển cử cũng được tiến hành sôi nổi. Riêng các tỉnh phía Bắc, mặc dù phải đối phó với âm mưu phá hoại hết sức tinh vi và trắng trợn của kẻ thù, nhưng nói chung Tổng tuyển cử diễn ra an toàn. Ở các tỉnh phía Nam, nhất là ở Nam Bộ, nhân dân đi bỏ phiếu rất đông, bất chấp bom đạn của giặc Pháp.

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 đã được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn toàn thắng lợi. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số.

Với kết quả trên, Quốc hội đã hội tụ các đại biểu của cả ba miền Bắc – Trung – Nam của tất cả các ngành, các giới, các giai cấp, tầng lớp xã hội từ công nhân, nông dân, nam giới, nữ giới cho đến những nhà tư sản, công thương gia, những nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng, có đại diện của các thành phần tôn giáo trên đất nước ta, tất cả các thành phần dân tộc, của tất cả những người không đảng phái và đảng phái chính trị.

Sau khi ra đời, Quốc hội đã cử ra Chính phủ chính thức, thông qua Hiến pháp. Thắng lợi đó là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.

Nội dung về cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 trong Chương trình Trung cấp LLCT – HC chiếm dung lượng nhỏ, là một phần trong các chủ trương, giải pháp nhằm xây dựng và củng cố chế độ mới. Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần cho học viên nhận thức đầy đủ về ý nghĩa to lớn mà thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên mang lại.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã mở ra thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ. Đây cũng là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ, được Nhân dân giao phó quyền điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong hoàn cảnh hết sức phức tạp của tình hình đất nước, trước sự chống phá quyết liệt của kẻ thù, cuộc Tổng Tuyển của đầu tiên không phải là cuộc bầu cử thông thường, mà thực chất đó là cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh dân tộc hết sức quyết liệt. Vì vậy, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên thắng lợi đã trở thành biểu tượng lớn lao,khẳng định niềm tin tuyệt đối vào Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng là sự biểu thị tinh thần yêu nước, khát vọng dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên, là “Kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối, hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”.

Việc đánh giá đầy đủ về ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên sẽ giúp học viên thấy rõ bản lĩnh, trí tuệ của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, từ đó củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng; thấy rõ sự ra đời của Quốc hội Việt Nam là kết quá của quá trình đấu tranh gian khổ, hy sinh xương máu, học viên sẽ nâng cao trách nhiệm bản thân trong tham gia bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, xác định đây vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Như vậy, đối với việc giảng dạy nội dung cuộc Tổng tuyển đầu tiên nói riêng và lịch sử Đảng nói chung, giảng viên cần chú ý làm rõ ý nghĩa của các sự kiện lịch sử. Đặc biệt, từ những sự kiện lịch sử cụ thể, cần rút ra ý nghĩa thực tiễn nhằm định hướng nhận thức và hành động đúng đắn cho người học; gắn các vấn đề lịch sử với các vấn đề đương đại một cách phù hợp để người học thấy được giá trị và chiều sâu của lịch sử.

 

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=nhin-lai-cuoc-tong-tuyen-cu-quoc-hoi-cua-dau-tien-nam-1946-va-van-dung-vao-giang-day-ly-luan-chinh-tri
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com