Thứ hai, 30.12.2019 GMT+7

VẤN ĐỀ THỰC HIỆN QUYỀN CON NGƯỜI TRONG LĨNH VỰC MÔI TRƯỜNG Ở NƯỚC TA

Vấn đề bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực môi trường nói riêng đã và đang dần trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần ưu tiên hàng đầu trong việc hoạch định chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước ta.

Quyền con người là khái niệm được hình thành và phát triển gắn liền với Tổ chức Liên hợp quốc. Văn phòng cao ủy Liên hợp quốc đã đưa ra khái niệm quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân phẩm, tự do cơ bản của con người.

Ở Việt Nam, quyền con người được hiểu là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế.

Trong mối liên hệ với môi trường tự nhiên, các nhà khoa học duy vật biện chứng đã chỉ ra rằng: “Bản thân chúng ta với cả xương thịt, máu mủ, đầu óc của chúng ta là thuộc về giời tự nhiên, chúng ta nằm trong lòng giới tự nhiên và tất cả sự thống trị của chúng ta đối với giới tự nhiên là ở chỗ chúng ta, khác với tất cả các sinh vật khác, là chúng ta nhận thức được quy luật của giới tự nhiên và có thể sử dụng được những quy luật đó một cách chính xác”[1]. Có thể khẳng định, con người vừa là thành tố của môi trường tự nhiên vừa là chủ thể của mối quan hệ tương tác với môi trường tự nhiên; đồng thời có khả năng và điều kiện để thiết lập, duy trì, bảo vệ và phát triển các quyền của mình trong các lĩnh vực môi trường để đảm bảo duy trì chất lượng cuộc sống cho con người. Như vậy, quyền con người trong lĩnh vực môi trường có thể được nhận thức chung là những quyền năng đương nhiên, vốn có của con người trong mối quan hệ với môi trường, được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Đây là một trong những quyền thuộc thế hệ quyền thứ ba (quyền được hưởng hòa bình, quyền phát triển và quyền được sống trong môi trường trong lành). Ở Việt Nam, hiện nay có một số cách phân loại khác nhau về quyền con người trong lĩnh vực môi trường. Trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường khẳng định: Quyền con người được sống trong môi trường trong lành, quyền cư trú an toàn và ổn định, quyền con người được tiếp cận giáo dục nhận thức về môi trường. Cụ thể như sau: Con người được sống trong môi trường trong lành; quyền được tiếp cận thông tin về môi trường; quyền khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, vấn đề quyền con người trong lĩnh vực môi trường ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức đặt ra đó là:

Thứ nhất, chất lượng môi trường ở Việt Nam chưa tương xứng với mức độ hưởng quyền theo chuẩn mực chung của quốc tế và quốc gia. Trong 3 quyền con người trong lĩnh vực môi trường thì quyền được sống trong môi trường trong lành là quyền đầu tiên, cơ bản và quan trọng nhất. Việt Nam cũng đã ghi nhận quyền này tại Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường” (Điều 43).

Như vậy, theo chuẩn mực chung của quốc tế và Việt Nam, con người có quyền được sống trong môi trường có chất lượng, cho phép họ được thụ hưởng các giá trị môi trường tự nhiên một cách tốt nhất, tạo tiền đề để con người phát huy được khả năng và năng lực của bản thân. Tuy nhiên, trên phạm vi cả nước cũng như trong nhiều địa phương, yêu cầu về chất lượng môi trường trong lành, sạch đẹp chưa được bảo đảm. Chất lượng môi trường không khí, đáy và nước suy giảm nghiêm trọng. Ô nhiễm bụi vẫn tiếp tục ở ngưỡng cao tại nhiều đô thị, ô nhiễm nước, các sự cố môi trường nhất là chất thải công nghiệp đang có xu hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ ảnh hưởng, ô nhiễm suy thoái đất do chuyển đổi mục đích sử dụng gây ô nhiễm môi trường đất. Tình trạng phá rừng tự nhiên đầu nguồn là nguyên nhân gây ra lũ lụt thường xuyên. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường xuyên biên giới ngày càng phức tạp và khó lường. So với mặt bằng chung trên thế giới, chất lượng môi trường ở Việt Nam hiện đang ở nửa cuối bảng xếp hạng, thứ 131 trên tổng số 180 quốc gia ([2]). Thực trạng nêu trên cho thấy Việt Nam đang thiếu một nền tảng vững chắc về môi trường.

Thứ hai, việc bảo đảm thực hiện các quyền con người trong lĩnh vực môi trường bị giới hạn bởi trình độ phát triển kinh tế, xã hội. Do Việt Nam đang trong quá trình hội nhập và phát triển, trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam còn hạn chế, tạo sức ép không nhỏ lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên và thành phần môi trường.

Thứ ba, sức ép về dân số và quá trình đô thị hóa tập trung. Quá trình gia tăng dân số nhanh chóng kéo theo gia tăng nhu cầu về sinh hoạt, giáo dục, đào tạo, nhà ở, việc làm, giao thông, y tế… đồng thời với lượng chất thải ra môi trường cũng không ngừng tăng lên, từ đó gia tăng sức ép đối với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.

Thứ tư,vấn đề pháp lý về quyền con người trong lĩnh vực môi trường chưa hoàn thiện; giữa đảm bảo tính pháp lý và thực tế còn khoảng cách. Khuôn khổ pháp lý về quyền con người trong lĩnh vực môi trường còn có mối quan hệ mật thiết với phát triển bền vững. Bảo đảm đầy đủ, thực chất các quyền con người trong lĩnh vực môi trường sẽ là minh chứng cho tính thực chất của phát triển bền vững, là một trong những bảo đảm cho sự cân bằng của 3 trụ cột: Kinh tế - xã hội - môi trường.

Thứ năm, sự quan tâm và hiểu biết của cộng đồng dân cư, các tổ chức xã hội, cá nhân công dân về các quyền của mình trong lĩnh vực môi trường. Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp, người dân chưa biết hoặc chưa hiểu rõ, hiểu hết về các quyền của mình trong lĩnh vực môi trường.

Từ những vấn đề đặt ra trên đây, để đảm bảo thực hiện quyền con người trong lĩnh vực môi trường ở Việt Nam hiện nay, có thể tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, bảo đảm tình hình và chất lượng môi trường theo hướng đảm bảo sự phát triển bền vững.

Xuất phát từ thực trạng môi trường hiện nay; để bảo đảm chất lượng môi trường tương xứng với mức độ ảnh hưởng quyền theo đúng tinh thần chung của quốc tế và pháp luật quốc gia; cần cải thiện chất lượng môi trường hiện nay theo hướng bảo đảm sự phát triển bền vững; xây dựng một môi trường “khỏe mạnh” nhằm bảo đảm một cuộc sống có chất lượng.

Hai là, nâng cao trình độ phát triển kinh tế, xã hội theo hướng sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường.

Ba là,kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về môi trường, đồng thời nâng cao số lượng, nhận thức và trình độ của đội ngũ cán bộ chuyên trách về môi trường.

Bốn là, tăng cường việc hoàn thiện các thể chế và thiết chế để bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực môi trường được thực hiện một cách có hiệu quả.

Năm là,tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức môi trường cho người dân, đồng thời trao quyền và tăng cường quyền dân chủ trực tiếp của người dân trong việc thực thi các quyền năng đó.

Trong bối cảnh sự tham gia của người dân vào việc thực thi quyền con người và hiểu biết về quyền con người trong lĩnh vực môi trường còn hạn chế. Việt Nam cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên để góp phần bảo vệ quyền con người nói chung và quyền con người trong lĩnh vực môi trường nói riêng.



[1]C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập,Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,1994,t. 20, tr. 654 - 655

[2]  Tạp chí Forber Việt Nam số 39 với chủ đề: “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=van-de-thuc-hien-quyen-con-nguoi-trong-linh-vuc-moi-truong-o-nuoc-ta
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com