Thứ năm, 28.11.2019 GMT+7

MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA ĐỀ ÁN “CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VỀ HỌC TẬP NGOẠI NGỮ CHO CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC GIAI ĐOẠN 2019 - 2030”

Cán bộ, công chức, viên chức đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động của hệ thống chính trị nói chung và trong bộ máy nhà nước nói riêng, họ là người trực tiếp thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời là nguồn nhân lực trực tiếp hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vận hành đất nước. Chính vì thế, việc nâng cao trình độ, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, là chìa khóa để mang lại sự thành công trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước.

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã xác định: Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Để nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu thực tiễn, định hướng phát triển của đất nước và xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, một trong những kiến thức đòi hỏi đối với cán bộ, công chức, viên chức đó là trình độ ngoại ngữ. Từ quan điểm trên, ngày 19 tháng 11 năm 2019 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số: 1659/QĐ-TTg phê duyệt đề án: “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 – 2030, quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Nội dung quyết định quy định những vấn đề cơ bản sau:

Một là, về đối tượng phải học ngoại ngữ, gồm: Cán bộ trong các cơ quan nhà nước; công chức trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh); ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là cấp huyện); công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã); viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Hai là, về mục tiêu cụ thể. Đề án xác định theo lộ trình sau:

- Đến năm 2025: Hoàn thiện cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức tích cực học tập ngoại ngữ.Hoàn thành việc xây dựng, hoàn thiện các chương trình, tài liệu bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức.Tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Phấn đấu đến hết năm 2025:

+ 50% cán bộ, công chức ở Trung ương và 25% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện ở địa phương (tập trung vào cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên dưới 40 tuổi) đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định (tương đương với khung B2 Châu Âu)

+ 60% viên chức và 50% viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định.

+ 20% cán bộ, công chức xã và 15% cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cấp xã dưới 40 tuổi công tác tại địa bàn hoặc lĩnh vực có yêu cầu sử dụng ngoại ngữ đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 trở lên theo quy định(tương đương với khung B1 Châu Âu)

- Đến năm 2030:

+ 60% cán bộ, công chức ở Trung ương và 35% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện ở địa phương (tập trung vào cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên dưới 40 tuổi) đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định và ngoại ngữ chuyên ngành.

+ 70% viên chức và 60% viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định và ngoại ngữ chuyên ngành;

+ 30% cán bộ, công chức xã và 25% cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cấp xã dưới 40 tuổi công tác tại địa bàn hoặc lĩnh vực có yêu cầu sử dụng ngoại ngữ đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 trở lên theo quy định và ngoại ngữ chuyên ngành.

Ba là, về lộ trình thực hiện. Đề án chia thành 5 giai đoạn:

- Giai đoạn 2019 - 2020: các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức” của cơ quan, đơn vị mình với các mục tiêu, yêu cầu, nội dung hoạt động. Rà soát, hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, trình độ ngoại ngữ đối với cán bộ, công chức, viên chức.

- Giai đoạn 2021 - 2025: Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án để hoàn thành các mục tiêu đề ra. Mở rộng mạng lưới các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có năng lực, uy tín tham gia thực hiện Đề án.

- Giai đoạn 2026 - 2030: Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động để hoàn thành các mục tiêu Đề án. Đưa việc học tập ngoại ngữ thành hoạt động thường xuyên, thiết thực và triển khai đồng bộ, rộng khắp trong cả nước để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ và làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Nhìn chung, những quy định về đối tượng áp dụng, mục tiêu và lộ trình thực hiện của đề án phù hợp với điều kiện khách quan hiện nay của đất nước và thực trạng trình độ ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước Việt Nam. Vì thế, bản thân mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần phải nhận thức về vai trò và sự cần thiết phải học tập, nâng cao năng lực ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ và làm việc trong môi trường quốc tế.

 
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=mot-so-noi-dung-co-ban-cua-de-an-chuong-trinh-quoc-gia-ve-hoc-tap-ngoai-ngu-cho-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-giai-doan-2019-2030
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com