Thứ sáu, 22.11.2019 GMT+7

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ VỚI NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM NĂM 2019

Ngày 09 tháng 11 năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được ban hành và đánh dấu mốc son trong lịch sử Lập pháp của Việt Nam. Hiến pháp 1946 đã thể hiện triệt để tinh thần, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước Pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Tư tưởng của Người và Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các bản Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta sau này, cụ thể là tư tưởng lập hiến, những giá trị dân chủ, quyền con người, tư tưởng và mô hình tổ chức Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân được ghi nhận trong tất cả các bản Hiến pháp năm 1959, năm 1980, năm 1992, năm 2013.

Nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật đối với mọi cá nhân, tổ chức và theo đề xuất của Chính phủ, lấy ngày 09/11 - Ngày ban hành Hiến pháp 1946 là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; được chính thức luật hóa tại Điều 8 của Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012 “Ngày 09/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Ngày Pháp luật khơi dậy trong mỗi cá nhân về ý thức, trách nhiệm, bổn phận và quyền lợi của mình khi tham gia vào các sinh hoạt của đời sống chính trị và đời sống xã hội. Do vậy, Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị pháp luật của Nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật.

Để triển khai, thực hiện tốt Ngày Pháp luật, Đảng ủy-Ban Giám hiệu chỉ đạo Chi hội Luật gia xây dựng kế hoạch, chủ động tổ chức tuyên truyền ngày Pháp luật Việt Nam 09/11 năm 2019. Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam bằng hành động, việc làm cụ thể, thường xuyên nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, toàn diện và bền vững trong ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật; gắn công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngày Pháp luật Việt Nam phải được tổ chức sâu rộng, thiết thực, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật của cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên nhà trường. Theo đó, Chi hội Luật gia, khoa Nhà nước và pháp luật trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế để tổ chức tuyên truyền Ngày pháp luật với các hình thức, hoạt động thiết thực, phù hợp, hiệu quả như: Tổ chức tuyên truyền trực quan thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, hoạt động tuyên truyền viên, báo cáo viên, tuyên truyền trên trang thông tin điện tử nhà trường…Tập trung quán triệt, phổ biến nội dung chính sách, quy định mới, nhất là nội dung các Luật được Quốc hội thông qua trong năm 2019; phòng chống tham nhũng, lãng phí, khiếu nại, tố cáo; phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em, bạo lực gia đình, tội phạm, các tệ nạn xã hội và các vấn đề khác của xã hội…

Nhằm tôn vinh các giá trị, vai trò đặc biệt quan trọng của Hiến pháp, pháp luật trong xã hội và trong sự phát triển của quốc gia, Trường Chính trị đã thực hiện có hiệu quả Ngày pháp luật Việt Nam năm 2019. Qua đó, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, hướng tới sự thấm sâu vào ý thức, hành vi của toàn thể CBVC, người lao động, học viên nhà trường. Đồng thời, mỗi cá nhân là một tuyên truyền viên tích cực hướng dẫn, vận động mọi người thực thi nghiêm túc, tự giác các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Qua đó,  góp phần đẩy mạnh giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật và chấp hành pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên nhà trường trong việc tìm hiểu, học tập, thực hiện pháp luật. 

 
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=truong-chinh-tri-voi-ngay-phap-luat-viet-nam-nam-2019
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com