Chủ nhật, 01.09.2019 GMT+7

CÁN BỘ, GIẢNG VIÊN, HỌC VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ THỰC HIỆN LỜI DI HUẤN CỦA BÁC VỀ CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH, CHÍ CÔNG VÔ TƯ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng đạo đức cách mạng và việc giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên của Đảng. Theo Người, đạo đức không chỉ là "gốc", là nền tảng, là nhân tố chủ chốt của người cách mạng, mà còn là thước đo của lòng cao thượng của con người.

 Người coi bốn đức tính “cần, kiệm, liêm, chính” là những đức tính của người cán bộ cách mạng, như trời có bốn mùa, đất có bốn phương. Người viết: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người”. Vì vậy, trước lúc đi xa, trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân Người không quên dặn lại: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Theo Bác: Cần: Tức là lao động cần cù, siêng năng, không lười biếng. Bác lưu ý, kẻ địch của chữ cần là lười biếng. Bác cho rằng nếu có một người, một địa phương hoặc một ngành mà lười biếng thì khác nào toàn chuyến xe đang chạy, mà có một bánh trật ra ngoài đường ray. Họ sẽ làm chậm trễ cả một chuyến xe. Vì vậy, người lười biếng có tội với đồng bào, với Tổ quốc... Kiệm: Là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền của dân, của nước, của bản thân; phải tiết kiệm từ cái lớn đến cái nhỏ. Cần và kiệm phải đi đôi với nhau như hai chân của con người. Cần mà không kiệm thì như gió vào nhà trống. Kiệm mà không cần thì không tăng thêm và không phát triển được. Bác giải thích, tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không đáng tiêu xài thì một hạt gạo, một đồng xu cũng không nên tiêu, nhưng khi có việc cần làm lợi cho dân, cho nước thì hao bao nhiêu của, tốn bao nhiêu công cũng vui lòng, như thế mới là kiệm. Liêm: Là trong sạch, là luôn luôn tôn trọng, giữ gìn của công, của dân, không tham địa vị, không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ.  Theo BácChữ liêm và chữ kiệm phải đi đôi với nhau như chữ kiệm phải đi đôi với chữ cần. Có kiệm thì mới có liêm được, bởi xa xỉ ắt sinh tham lam, không giữ được liêm. Bác cũng chỉ rõ ngược lại với chữ liêm là tham ô, là ăn cắp của công làm của tư, đục khoét nhân dân. Tham ô là trộm cướp, là kẻ thù của nhân dân. Muốn liêm thật sự thì phải chống tham ô. Chính: Là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì là không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà. Cần, kiệm, liêm, là gốc rễ của chính. Như một cây cần có gốc rễ, nhưng phải có cành, lá, hoa, quả mới là hoàn hảo. Như một người cần phải cần, kiệm, liêm nhưng phải có Chính mới là người hoàn hảo.

 "Chí công vô tư": là ham làm những việc ích quốc, lợi dân, không ham địa vị, không màng công danh, vinh hoa phú quý; đặt lợi ích của đất nước, tập thể lên trên lợi ích của cá nhân. Thực hành chí công vô tư là nêu cao chủ nghĩa tập thể, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Theo Người, chủ nghĩa cá nhân là giặc nội xâm, nguy hiểm hơn cả giặc ngoại xâm.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao lối sống cần kiệm, giản dị, không xa hoa, không chuộng những nghi thức sang trọng. Bác luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới đời sống của nhân dân. Bác nói: “Người ta ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh”, Bác thường nói: “Nhân dân còn đói khổ, tôi ăn ngon sao được, nhân dân còn rách rưới mình mặc thế này cũng là đầy đủ lắm rồi”... Sự tiết kiệm, giản dị, thanh liêm còn được thể hiện đậm nét trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của Bác như: Về chi tiêu rất tiết kiệm. Về bữa ăn rất đơn giản: dưa cà, mắm tép, cá kho. Khi đi công tác địa phương Bác chuẩn bị cơm nắm, tránh các nơi đón tiếp linh đình, lãng phí. Về trang phục giản dị: dép lốp cao su, bộ quần áo kaki, túi vải... Bác sống giản dị đến giây phút cuối cùng của cuộc đời. Trước lúc đi xa Người còn căn dặn: Khi Bác qua đời chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân…

Thấm nhuần tư tưởng và tấm gương đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, cán bộ, giảng viên, học viên Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đã luôn nỗ lực, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của người cán bộ, giảng viên, học viên trường Đảng. Trong từng lĩnh vực công tác, đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường đã gắn việc rèn “tứ đức” với thực hiện các Nghị quyết, quy định về công tác xây dựng Đảng, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; đặc biệt là tự soi mình và nhận diện các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Từ trong quá trình rèn luyện đạo đức cách mạng gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mỗi cán bộ, giảng viên đã có nhiều tập thể và cá nhân điển hình được biểu dương, khen thưởng ở nhiều cấp khác nhau trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; trong thực hiện các phong trào thi đua, trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Học viên ở các lớp đã nỗ lực, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và vươn lên trong học tập để trở thành những cán bộ có đủ đức, đủ tài. Kết thúc khóa học mỗi lớp đều có 10% học viên được khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện. Mỗi con người, mỗi tập thể trong nhà trường mẫu mực về rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hành “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” đã góp phần xây dựng những giá trị đạo đức tốt đẹp trong nhà trường và xã hội, thúc đẩy các phong trào thi đua, lao động sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn xây dựng Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ ngày càng phát triển.

Tuy nhiên, trong việc thực hiện cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư có lúc, có cá nhân cũng chưa thực sự tốt như: cán bộ, giảng viên đôi lúc còn lãng phí thời gian, điện nước, vật tư, văn phòng phẩm; thời gian dành cho việc nghiên cứu, học tập của cán bộ, giảng viên có lúc chưa thường xuyên; học viên còn hiện tượng chưa trung thực trong học tập và rèn luyện; có lúc chưa đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân.

Thực hiện Di chúc của Bác, tiếp tục đẩy mạnh giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên là một yêu cầu mang tính cơ bản, lâu dài đối với sự phát triển bền vững của Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ trong thời gian tiếp theo.

Trước hết,cần làm cho mọi cán bộ, giảng viên, học viên thấm nhuần sâu sắc hơn nữa tư tưởng của Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng phải đổi mới, khắc phục những bất cập trong nghiên cứu lý luận để phù hợp với sự phát triển của thực tiễn, nhất là việc tuyên truyền theo kiểu “tầm chương, trích cú” và giáo điều, máy móc trong nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh. Gắn thực hiện Chỉ thị 05 với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, coi đây là giải pháp đột phá để việc tự soi, tự sửa, tự rèn luyện đạo đức cách mạng nói chung, “Cần, kiệm. liêm. chính, chí công vô tư” nói riêng trở thành việc làm thường xuyên, liên tục của mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên và học viên.

Hai là,đẩy mạnh các phong trào thi đua trong nhà trường, phát động phong trào “Người tốt, việc tốt”, thực hiện nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức trong cán bộ, giảng viên, học viên gắn với việc thực hiện văn hóa trường Đảng. Sự nghiệp đổi mới đất nước đang đứng trước vô vàn điều mới mẻ; mặt trái của kinh tế thị trường và sự chống phá của các thế lực thù địch bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”... đòi hỏi cán bộ, giảng viên, học viên của nhà trường phải thực sự chuẩn mực, liêm chính; phải tận tâm, tận lực thực hiện thật tốt chức trách nhiệm vụ được giao; chủ động, tích cực nghiên cứu và hành động, biến đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước thành hiện thực, vì lợi ích của dân, của nước.

Ba là, phát huy vai trò của các chi bộ trong công tác giáo dục, nhắc nhở, kiểm tra, giám sát đảng viên, cán bộ rèn luyện đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; Chi bộ phải tìm hiểu, nắm chắc diễn biến tư tưởng, nhận thức của cán bộ, đảng viên, đề cao tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng, khuyến khích từng người tự tu dưỡng bản thân, dũng cảm đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Chú trọng nâng cao tính chiến đấu, thực hiện dân chủ, công khai trong tự phê bình và phê bình, giữ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Bốn là, thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu theo nguyên tắc “trên trước, dưới sau”, gương mẫu trong rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hành “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” trong công việc lẫn đời tư. Đồng thời, thực hiện nghiêm kỷ luật Đảng, Điều lệ Đảng, quy định về những điều đảng viên không được làm… Thông qua đó, nâng cao tinh thần, ý thức chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước trong mỗi cán bộ, giảng viên và học viên.

Tư tưởng và tấm gương đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là những giá trị đạo đức cao đẹp của thời đại. Trải qua thời gian và thử thách, những phẩm chất đạo đức đó vẫn còn nguyên giá trị; đã và đang đi vào nếp nghĩ, thói quen, phong cách, lối sống của cán bộ, đảng viên; là tiêu chuẩn phấn đấu, tiêu chí để phân loại, đánh giá chất lượng, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi người. Mỗi cán bộ, giảng viên, học viên Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ, với ý chí quyết tâm học tập và làm theo Bác về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư chính là cơ sở cho việc tăng cường đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, xây dựng Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ ngày càng phát triển. Đóng góp tích cực cho công tác đào, tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh trong mọi giai đoạn.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=can-bo-giang-vien-hoc-vien-truong-chinh-tri-tinh-phu-tho-thuc-hien-loi-di-huan-cua-bac-ve-can-kiem-liem-chinh-chi-cong-vo-tu
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com