Chủ nhật, 01.09.2019 GMT+7

PHÁT BIỂU KHAI MẠC TỌA ĐÀM “50 NĂM THỰC HIỆN DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (1969 - 2019) VÀ KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY MẤT CỦA NGƯỜI

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của Đảng, của dân tộc Việt Nam, nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế, trước khi đi xa Người đã để lại bản Di chúc lịch sử thiêng liêng cho muôn đời con cháu. Di chúc của Người là một văn kiện lịch sử vô giá, bảo vật quốc gia có ý nghĩa sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn mà hôm nay và mãi về sau chúng ta phải luôn ghi nhớ, học tập và làm theo.

ThS. Nguyễn Thị Thanh Hương - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng phát biểu khai mạc buổi Toạ đàm

Nhận định về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Bản Di chúc tuy rất ngắn gọn song nó chứa đựng biết bao giá trị tư tưởng và tình cảm, là sự kết tinh một đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, đem lại sự đổi đời của dân tộc Việt Nam ta, đồng thời để lại những di sản bất hủ đối với thế hệ mai sau”.

Những dòng đầu tiên của bản Di chúc lịch sử được Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức đặt bút viết vào ngày 10/5/1965. Khi đó Người đã bước sang tuổi 75 tuổi “xưa nay hiếm” như cách nói của nhà thơ Đỗ Phủ (đời Đường - Trung Quốc). Và cứ đến dịp sinh nhật hằng năm Bác lại bổ sung thêm vào bản Di chúc tùy theo tình hình đất nước. Năm 1966, Bác bổ sung thêm phần nói về tự phê bình và phê bình trong Đảng, trong đó Bác nhấn mạnh: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Năm 1968 Bác viết thêm 6 trang, gồm một số đoạn về việc riêng và một số công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi. Năm 1969, Bác xem và viết lại toàn bộ phần mở đầu gồm một trang viết tay. Ngày 19/5/1969, Bác sửa lần cuối. Toàn văn Di chúc được công bố sau ngày Bác Hồ đi xa (Ngày 02/9/1969).

Bản Di chúc có 10 trang viết, nhưng trong 10 trang ấy chúng ta đọc lại có thể thấy rằng Bác không quên một ai và không quên một việc gì. Những lời căn dặn và mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc vô cùng giản dị mà thiêng liêng, có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, đồng thời thấm đẫm tinh thần nhân văn cao cả. Đó là tư tưởng về xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh; Thực hiện chính sách xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, phát huy nguồn lực con người, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân; Chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho muôn đời sau; Kiên định mục tiêu đi lên xã hội chủ nghĩa và thực hiện công cuộc đổi mới…Đó là những căn dặn tâm huyết, toát lên khí phách, tinh thần lạc quan chiến thắng của một bậc “đại Trí, đại Nhân, đại Dũng”; là ước mơ, khát khao cháy bỏng đưa đất nước ta tiến lên “Sánh vai cùng năm Châu, bốn biển”. và điều mong muốn cuối cùng của Bác, cũng là những dòng cuối cùng của Người viết trong Di chúc: “Toàn Đảng, toàn dân ta phấn đấu đoàn kết, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Những lời căn dặn trong Di chúc của Người chính là ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam phát triển đi lên trong thời đại ngày nay.

Tổ chức hội thảo hoặc tọa đàm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và kỷ niệm 50 năm ngày mất của Người (02/9/1969 - 02/9/2019) là dịp để chúng ta ôn lại và khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc của Di chúc, thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

50 năm Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân thực hiện Di chúc của Người, bằng đường lối tư duy sáng tạo, đổi mới, ý chí tự lực, tự cường và truyền thống đoàn kết, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển và có vị trí quan trọng trên trọng trường quốc tế.

Thực hiện Di chúc và học tập làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, trong những năm qua, tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và học viên Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đã luôn đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của tỉnh. Với những thành tích của hơn 60 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã vinh dự được nhận Huân chương lao động Hạng nhất, nhiều Bằng khen của HVCTQGHCM, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ. Đặc biệt năm 2018, Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ là đơn vị dẫn đầu cụm thi đua 7 tỉnh Trung du Bắc bộ; là tổ chức cơ sở Đảng vinh dự được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tặng danh hiệu “TSVM tiêu biểu 5 năm liền từ 2014 - 2018”.

Toàn cảnh buổi Toạ đàm

Ngày 28/8/2019 Trường Chính trị tỉnh tổ chức tọa đàm “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và kỷ niệm 50 năm ngày mất của Người (02/9/1969 - 02/9/2019)” thông qua buổi tọa đàm, với những nội dung trao đổi về: Nội dung cốt lõi của Di chúc; giá trị ý nghĩa của Di chúc đối với công tác xây dựng Đảng; việc thực hiện Di chúc của Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ trong công tác chăm lo thế hệ cách mạng cho đời sau, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…nhằm giúp cho CB, GV, NV sẽ nhận thức rõ hơn, sâu sắc hơn các giá trị cốt lõi trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hết lòng phấn đấu thực hiện tâm nguyện của Người noi gương Người tu dưỡng rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống tốt hơn; hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; thực sự là những cán bộ, đảng viên, giảng viên gương mẫu trong gia đình, nhà trường và xã hội./.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=phat-bieu-khai-mac-toa-dam-50-nam-thuc-hien-di-chuc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-1969-2019-va-ky-niem-50-nam-ngay-mat-cua-nguoi
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com