Thứ ba, 13.08.2019 GMT+7

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ HỌC TẬP SUỐT ĐỜI, XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP, NÉT ĐẶC TRƯNG TRONG NHÂN CÁCH VĂN HÓA CỦA NGƯỜI

Trong thời đại ngày nay, vấn đề học tập suốt đời, xây dựng và phát triển xã hội học tập đang trở thành xu thế lớn, là yêu cầu tất yếu của mỗi quốc gia trong nền kinh tế tri thức và hội nhập toàn cầu. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về tự học, học thường xuyên, học suốt đời, xây dựng một xã hội học tập, Bác đề ra quan điểm học tập suốt đời, học thường xuyên để không bị lùi so với yêu cầu công việc, yêu cầu xã hội. Người chủ trương xây dựng một nền giáo dục cho mọi người, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, với mục đích, nội dung và phương pháp phong phú, linh hoạt. Vận dụng quan điểm của Người sẽ giúp chúng ta có quan điểm, phương pháp học tập đúng đắn, thiết thực, góp phần xây dựng một xã hội học tập phát triển và đạt hiệu quả cao. Nội dung tọa đàm hôm nay hoàn toàn phù hợp với xu thế giáo dục của thế giới, có ý nghĩa quan trọng, thiết thực, đáp ứng yêu cầu bức thiết của nền giáo dục Việt Nam nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người bạn thân thiết của phong trào hòa bình, dân chủ và tiến bộ thế giới. Năm 1990, Tổ chức Khoa học - Giáo dục - Văn hóa (UNESSCO) của Liên hợp quốc đã vinh danh Bác Hồ kính yêu của chúng ta cùng lúc hai danh hiệu: Anh hùng giải phóng dân tộc - Nhà văn hóa kiệt xuất. Cuộc sống và hoạt động của Người là cả một quá trình để hình thành và tạo dựng cho bản thân một nhân cách, nhân cách của một Con Người theo đầy đủ ý nghĩa của nó.Nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ sống mãi trong sự nghiệp cách mạng dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ.

Trong di sản quý báu mà Người để lại, tư tưởng và tấm gương học tập suốt đời xây dựng một xã hội học tập của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa chiến lược và giá trị nhân văn sâu sắc.

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vấn đề tự học, học tập suốt đời có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định tạo nên trí tuệ và nhân cách của mỗi con người. Và Người là tấm gương sáng ngời về tinh thần tự học.

Bản chất của tự học là một quá trình học tập không trực tiếp có giảng viên. Tự học là lao động khoa học, vất vả hơn rất nhiều so với quá trình học có giảng viên, bởi người học phải độc lập xây dựng kế hoạch, phương pháp học tập, tự tìm hiểu, phân tích những kiến thức trong sách vở, tài liệu để tiến tới làm chủ tri thức. Nếu thiếu sự kiên trì, lòng quyết tâm và sự nghiêm túc của bản thân, thì sẽ không thể thực hiện được kế hoạch học tập do mình đặt ra. Chính việc tự học sẽ giúp mỗi người nhớ lâu và vận dụng những kiến thức đã học một cách hữu ích vào cuộc sống. Tự học còn giúp cho mỗi người trở nên năng động, sáng tạo, không phụ thuộc vào người khác, từ đó hạn chế những khuyết điểm và hoàn thiện bản thân. Càng cố gắng tự học, con người càng trau dồi được nhân cách và tri thức.

Theo Hồ Chí Minh, tự học là tự mình quản lý việc học tập, lĩnh hội tri thức của bản thân. Người học tự vạch ra kế hoạch học tập cho chính mình, kiên trì và nhẫn nại thực hiện kế hoạch đó một cách bài bản, sau đó người học tự kiểm tra đánh giá kết quả đã đạt được, rút kinh nghiệm cho bản thân mình.Việc tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh có mục đích cuối cùng là làm cách mạng, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Người cho rằng, việc học không chỉ có ở nhà trường, có lên lớp mới học tập... mà trong mọi hoạt động cách mạng, chúng ta đều phải học tập.Người dạy: “Học tập ở trường của đoàn thể không phải như các trường lối cũ, không phải có thầy thì học, thầy không đến thì đùa. Phải biết tự động học tập”.Với tấm gương tự học và sáng tạo, Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển lên đỉnh cao truyền thống hiếu học của dân tộc. Người đã có những tư tưởng rất sâu sắc và hiện đại về cách học nói chung, đặc biệt là phương pháp tự học nhằm phát huy trí tuệ và phẩm chất nhân cách của mỗi cá nhân. Theo Người, trong quá trình học tập phải “nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ chín chắn, kỹ càng, mạnh dạn đề xuất vấn đề và thảo luận cho thông suốt”, phải “tự động học tập”. Đây là một trong những cống hiến to lớn và quý giá của Hồ Chí Minh vào kho tàng lý luận dạy học của nước ta. Để tự học và tự học thành công, theo Hồ Chí Minh điều quan trọng hàng đầu là xác định rõ mục đích học tập và xây dựng động cơ học tập đúng đắn, tiếp theo là phải tạo điều kiện và tận dụng mọi điều kiện, hoàn cảnh “học ở nhà trường, học ở thầy, học ở bạn, học trong sách vở và học nhân dân”. Đó là cách giúp quá trình tự học mang lại hiệu quả cao và tạo ra thói quen học tập suốt đời. Hồ Chí Minh không được học nhiều ở nhà trường nhưng Người đã bù vào đấy bằng một quá trình tự học, tự nghiên cứu kiên trì, liên tục không mệt mỏi. Từ trải nghiệm trong cuộc sống và trong hoạt động cách mạng, Người coi thực tế là trường học lớn nhất của cuộc đời mình.

Để việc tự học đạt kết quả tốt, Người yêu cầu phải có kế họach sắp xếp thời gian một cách chặt chẽ, phải bền bỉ, kiên trì thực hiện kế họach đến cùng, không lùi bước trước mọi trở ngại, khi học đến đâu thì ra sức thực hành đến đó.

Những quan điểm trên về tự học của Hồ Chí Minh thực sự là di sản tư tưởng quý báu, nó vừa phản ánh giá trị truyền thống của dân tộc, lại vừa tiêu biểu cho tư tưởng giáo dục tiến bộ của thời đại. Tư tưởng của Người không chỉ phản ánh quy luật phát triển của nền giáo dục hiện đại trên thế giới mà còn hiện thân cho ước nguyện chân chính và sâu sắc của quảng đại quần chúng nhân dân lao động của nước ta về quyền lợi và hạnh phúc được học tập. Người là một tấm gương sáng về tự tiếp thu và sáng tạo tri thức.

Với quan điểm tự học, Hồ Chí Minh khẳng đỉnh: Phải học suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Theo Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO), học tập suốt đời là tất cả các hoạt động học tập có chủ đích xuyên suốt cuộc đời của một cá nhân từ khi chào đời đến lúc rời xa cuộc sống, theo các phương thức giáo dục chính quy, không chính quy và phi chính quy. Trong thời đại chu kỳ thay đổi khoa học - công nghệ ngày càng rút ngắn và tuổi thọ ngày càng cao thì học tập suốt đời là tất yếu.

Học tập suốt đời vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của công dân. Công dân có quyền lựa chọn hình thức học tập phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện, hoàn cảnh của mình để nâng cao tri thức, hiểu biết, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế; học để có nghề nghiệp, có việc làm hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của công việc; học để cống hiến được nhiều hơn, để làm cho mình và mọi người hạnh phúc; học để góp phần phát triển đất nước và nhân loại.

Theo Hồ Chí Minh, học tậplà một dòng chảy liên tục, phát triển không ngừng, người học không được để cho nó gián đoạn, không ngắt quãng, dù công việc cuộc sống có bộn bề đến đâu. Người căn dặn chúng ta trong mọi hoạt động cách mạng đều có thể và đều cần phải học tập, “còn sống thì còn phải học”. Và chính Người là một tấm gương lớn về tinh thần học tập thường xuyên mọi lúc mọi nơi trong suốt quá trình sống và hoạt động cách mạng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù sống trong lao tù, nơi con người chỉ mong được tồn tại thì Người vẫn bằng nghị lực của mình tự học tập để nâng cao tri thức, vun đắp ý chí cách mạng để cứu nước, cứu dân.

Ngay sau khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, nhằm xây dựng nước Việt Nam mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: Trong xây dựng nước nhà đòi hỏi phải có nguồn nhân lực dồi dào và có những nhân tài. Do đó, Người cổ vũ toàn dân: “chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời”. Người còn nhấn mạnh: “không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”, mọi người ai cũng cần phải học và học tập suốt đời vì “thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”. Để chống nạn mù chữ cho toàn dân, Người yêu cầu từ trẻ đến già, dù là đàn ông hay đàn bà, dù làm công việc gì thì ai cũng phải đi học, người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ, “Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng Người”, Ngày 21-7-1956, nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa I, Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Bác dặn: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”.

Để thực hiện học tập suốt đời, Hồ Chí Minh chỉ ra phương pháp học tập như sau:

Một là, “lấy tự học làm cốt”.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn coi tự học là cách tốt nhất để làm giàu trí tuệ và nhân cách của mình.

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947), Bác viết: “Lấy tự học làm cốt”. Người dạy: “Đường đời là một chiếc thang không có nấc chót, học tập là một quyển vở không có trang cuối cùng”.Mỗi người cần tranh thủ sự giúp đỡ, hướng dẫn chỉ bảo của thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp và thực hiện phương châm học ở mọi lúc, mọi nơi, học trong khi giao tiếp, trong công việc hằng ngày, trong việc lớn cũng như việc nhỏ, trong kinh nghiệm thành công cũng như thất bại và học trong công tác vận động quần chúng. Người cho rằng “Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu khó học thì lạc hậu, mà lạc hậu thì bị đào thải, tự mình đào thải mình”. Để việc tự học đạt kết quả tốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, mỗi người cần phải xác định mục đích, động cơ học tập đúng đắn. Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải hiểu rõ: “Học để làm gì? Học để sửa chữa tư tưởng... Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng... Học để tin tưởng... Học để hành...”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý mỗi người phải tự học tập với thái độ nghiêm túc, hết sức khiêm tốn, thật thà, biết đến đâu nói đến đó, không được tự cho mình là đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Bác nghiêm khắc phê phán tệ giấu dốt, lười biếng học tập, tự cao, tự đại, cho mình là giỏi nhất thiên hạ. Người nói: “Cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”. Trong khi học “phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi “vì sao”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem có hợp với thực tế không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn”

Hai là, học mọi lúc, mọi nơi.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Học ở đâu? Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”. Chính việc thông qua học tập, tiếp xúc với nhân dân mà cán bộ, đảng viên có điều kiện gần gũi, nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó tham mưu, đề xuất tiếp tục bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Theo Người, cuộc sống là một trường học thực tế sinh động, là nơi để “thực hành” những điều đã học.

 Học tập suốt đời là mỗi ngày phải học hỏi thêm được những điều mới mẻ; học đến đâu, luyện tập và thực hành đến đó. Trong lao động, làm việc là quá trình tự học tập, tích lũy, bổ sung kinh nghiệm, đúc kết kiến thức từ thực tiễn, và phải nghiên cứu kinh nghiệm cũ để giúp cho thực hành mới, lại đem thực hành mới để phát triển kinh nghiệm cũ làm cho nó đầy đủ, dồi dào thêm. Người còn nhắc nhở cán bộ ở các cơ quan “mỗi ngày ít nhất phải học tập một tiếng đồng hồ” và xem việc cán bộ, đảng viên lấy lý do vì bận việc mà xao nhãng chuyện học tập là “một khuyết điểm rất to”.

Từ việc đề cao tinh thần tự học, nỗ lực học tập suốt đời, Hồ Chủ trương xây dựng một xã hội học tập.

Xã hội học tập là một xã hội mà mọi người đều được học, cần phải học và tự giác học thường xuyên, học suốt đời; mọi người được tiếp cận những cơ hội học tập thuận lợi và lấy tự học cùng với ý chí, nghị lực phấn đấu kiên trì của mình là chính để đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội; mọi người không phân biệt tuổi tác, ngành nghề, trình độ đều thấy học tập là nhu cầu của cuộc sống, luôn cần phải học và học suốt đời, học ở mọi nơi, mọi lúc.

Theo Hồ Chí Minh, để xây dựng một nền giáo dục lâu dài thì ai cũng phải tham gia học tâp, phải xác định rõ việc học cho từng đối tượng một cách thiết thực. Đối với học sinh tiểu học thì học “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu lao động, yêu khoa học, coi trọng của công; học sinh trung học thì học những tri thức phổ thông “chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà”, bỏ những phần không cần thiết; với sinh viên thì “kết hợp lý luận với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn kết hợp với thực tiễn nước nhà...”. Từ đó, giúp học sinh biết phân biệt phải trái, đúng sai để ủng hộ cái đúng, chống lại những gì trái với quyền lợi của Tổ quốc và lợi ích của nhân dân, trái với khoa học, trái với đạo đức… Đối với người lớn, cần học những gì phù hợp với  trình độ, việc làm và nhu cầu của từng người; chẳng hạn như: Cán bộ công đoàn phải học khoa học, còn người quản lý xí nghiệp thì học quản lý xí nghiệp; cán bộ văn hóa thì học nghệ thuật, nghiệp vụ, văn hóa; “Tất cả các giáo viên chớ nên cho học thế này đã là đủ, mà phải tiếp tục học tập thêm để tiến bộ mãi

Người cho rằng, trong cuộc sống có rất nhiều vấn đề cần quan tâm, nếu thấy cái gì học cái ấy thì chúng ta chỉ thu được một mớ kiến thức hỗn tạp, không có tác dụng với chính người học và cũng không đủ thời gian để học, hiểu hết tất cả. Do đó, ngoài việc học ở nhà trường theo chương trình quy định, chúng ta phải căn cứ vào trình độ nhận thức, công việc đang đảm nhiệm và vị trí của bản thân để lựa chọn những điều cơ bản, thiết thực, những vấn đề cần cho lĩnh vực công tác đang đảm nhiệm hoặc nhu cầu của mình để học. Và Người động viên: “Bác thường nghe nói có đồng chí 40 tuổi đã cho mình là già nên ít chịu khó học tập. Nghĩ như vậy là không đúng, 40 tuổi chưa phải là già. Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tự học, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, thấm nhuần lời Bác dạy khi Người đến thăm Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, tháng 9/1949 (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Người ghi trong trang đầu quyển sổ vàng của nhà trường: Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”

Trong nhiều năm qua Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đã quán triệt sâu sắc quan điểm của Người nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên gương mẫu, tâm huyết trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tự học, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Kết quả đó được thể hiện cụ thể như sau:

Trước hết, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu: Quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên vừa “Hồng” vừa “Chuyên” luôn là sự quan tâm, ưu tiên hàng đầu của nhà trường. Bên cạnh việc tích cực cử cán, bộ giảng viên đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhà trường thường xuyên quán triệt việc tự học tập, nâng cao trình độ cho cán bộ giảng viên, tạo điều kiện về cơ sở, vật chất, kinh phí, thời gian để cán bộ, giảng viên có môi trường tự học tốt nhất. Nhà trường thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng chuyên môn đối với cán bộ, giảng viên, đây là phương pháp tốt để thúc đẩy giảng viên tự học tập nâng cao trình độ; việc giảng dạy lý luận chính trị đòi hỏi gắn bó chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, vì vậy, nhà trường đã xây dựng kế hoạch nghiên cứu thực tế hằng năm cho giảng viên đi học tập ở trong tỉnh, ngoài tỉnh và nước ngoài (mỗi năm nhà trường tổ chức hàng chục lượt nghiên, cứu tổng kết thực tiễn). Qua các đợt nghiên cứu thực tế cán bộ, giảng có điều kiện rất thuận lợi để tự học tập nâng cao kiến thức về mọi mặt, nâng cao khả năng tổng hợp, gắn lý luận với thực tiễn của bài giảng. Hằng năm, nhà trường có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học giao cho các giảng viên trẻ đảm nhận làm chủ nhiệm đề tài, thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học giúp tăng khả năng tư duy độc lập và đòi hỏi tính tự lập, chủ động cao, đây chính là biện pháp tốt để nâng cao khả năng tự học của cán bộ, giảng viên. Từ việc nghiêm túc thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo trường, cùng với tinh thần nỗ lực vươn lên, tự khẳng định mình. Đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đã không ngừng tự học tập nâng cao trình độ. Chất lượng tự học, tự nâng cao trình độ được thể hiện qua chất lượng bài giảng ngày càng tiến bộ, đặc biệt giảng viên trẻ. Thông qua Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi cấp trường được tổ chức hằng năm, chúng tôi luôn yên tâm và tự hào về đội ngũ của mình. Kết quả năm học 2018-2019, nhà trường có 33 giảng viên thao giảng đạt danh hiệu giảng viên giỏi cấp trường đạt 93% tỷ lệ giảng viên; 6 đề tài nghiên cứu khoa học đang được triển khai. Qua đó, chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường liên tục nâng lên, được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá cao, 92,30% giảng viên có trình độ thạc sỹ và tiến sỹ, hàng chục giảng viên đạt danh hiệu giảng viên dạy lý luận chính trị xuất sắc cấp toàn quốc…Phong trào thi đua bốn tốt “Học tập tốt, giảng dạy tốt, quản lý tốt, phục vụ tốt” được phát huy và trở thành khẩu hiệu hành động cho mỗi cán bộ, giảng viên của nhà trường.

Nhằm tiếp tục vận dụng hiệu quả, sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, tôi xin đề xuất một số giải pháp góp phần thực hiện học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập như sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về ý nghĩa tầm quan trọng của vấn đề học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 11-CT/TƯcủa Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”và Chỉ thị 11-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài... nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và mỗi người dân trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động làm cho mọi người dân nhận thức rõ sự cần thiết, tầm quan trọng của việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của gia đình, dòng họ, khu dân cư, cơ quan doanh nghiệp hiếu học trong xây dựng xã hội học tập, nhất là cần làm thay đổi căn bản nhận thức của cán bộ đảng viên công chức về việc học thường xuyên, học suốt đời, học thực, học vì chất lượng cuộc sống và công tác.Vận động các cá nhân điển hình trong phong trào tự học, học tập suốt đời làm tuyên truyền viên cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.Phối hợp với các cơ quan tuyên truyền trên địa bàn tỉnh đăng tải nhiều thông tin về xây dựng xã hội học tập; in tờ rơi, tờ gấp liên quan đến nội dung học tập suốt đời; viết bài đăng Tập san chuyên đề về hoạt động khuyến học khuyến tài Đất Tổ… 

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, các phong trào này phải góp phần xây dựng mô hình công dân học tập, gắn nhà trường, gia đình với xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực hiện bộ Tiêu chí xây dựng "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập", "Đơn vị học tập" hướng tới xã, phường, thị trấn, huyện tỉnh học tập. Phát triển tổ chức hội khuyến học rộng khắp các địa bàn: khu dân cư, cơ quan, xí nghiệp, trường học.

Ba là, phát huy cao hơn hiệu quả hoạt động của hội khuyến học trong các cơ quan, đơn vị, nhà máy, xí nghiệp, các xã, phường, thị trấn, khu dân cư, làng văn hóa…

Quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí để hoạt động của hội khuyến học được tổ chức thường xuyên, hiệu quả, thiết thực.Đặc biệt quan tâm đến công tác bồi dưỡng cán bộ hội, tạo điều kiện để cán bộ khuyến học có thể phát huy hơn nữa trí tuệ, tâm huyết, sức lực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.  Các cán bộ làm công tác khuyến học cần được trang bị kiến thức nghiệp vụ, có ý thức nêu gương trong việc tự học, học suốt đời, xây dựng xã hội học tập.Hội Khuyến học tỉnh tiêp tục tham mưu cho UBND tỉnh các hoạt động thiết thực, hiệu quả, sáng tạo nhằm phát huy cao nhất phong trào tự học, học suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

 Bốn là, tăng cường vận động xây dựng và quản lý có hiệu quả quỹ khuyến học, khuyến tài mở rộng hình thức học bổng khuyến học. Hội khuyến học các cấp chủ động, tích cực vận động các tổ chức, cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp xây dựng Quỹ khuyến học ở tất cả các cấp, đặc biệt là Quỹ khuyến học, khuyến tài đất Tổ. Công tác quản lý quỹ và sử dụng quỹ được thực hiện minh bạch, khách quan, khoa học và nhân văn. Hướng tới mở rộng các loại quỹ khuyến học phù hợp với bản sắc văn hóa vùng miền như các mô hình: Quỹ Khuyến học khuyến tài Hùng Vương ở thị xã Phú Thọ; giải thưởng Ngô Quang Bích, huyện Cẩm Khê, "Học bổng Trái bưởi vàng", huyện Đoan Hùng, "Học bổng hương chè", huyện Thanh Ba…Bên cạnh đó, cần tiếp tụctạo sức lan tỏa các chương trình “Chắp cánh ước mơ”  vinh danh khuyến học khuyến tài Đất Tổ, "Tiếp sức cho em đến trường", "Vì trẻ em nghèo hiếu học"… 

Năm là, quan tâm mở rộng các mô hình giáo dục thường xuyên, giáo dục cộng đồng ở cấp tỉnh và cấp huyện.

Nâng cao năng lực hoạt động của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp tỉnh và cấp huyện huyện sau khi sáp nhập theo hướng thực hiện nhiều nhiệm vụ: giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và dạy nghề, bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng ngắn hạn và tư vấn, hỗ trợ các trung tâm học tập cộng đồng.

 Củng cố mô hình hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng theo hướng kết hợp với nhà văn hóa, thư viện, bưu điện văn hóa xã. Các lớp học của trung tâm học tập cộng đồng được tổ chức linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi người cùng tham gia (tổ chức tại các thôn, bản, tại nhà dân...).

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một quá trình: vừa học tập vừa hoạt động cách mạng; học tập để hoạt động cách mạng, để đạt được mục đích, lý tưởng của mình; qua hoạt động cách mạng, không ngừng học tập, hoàn thiện tri thức và nhân cách của bản thân. Người là nơi hội tụ với tầm cao nhất tinh hoa văn hóa nhân loại, một thầy giáo mẫu mực, một nhà giáo dục vĩ đại. Tư tưởng của Bác về học suốt đời hết sức phù hợp với khuyến cáo của UNESCO ngày nay về 4 trụ cột của giáo dục là “học để biết, học để làm, học để chung sống, học để làm Người”.

Người đã để lại tấm gương cao đẹp về tinh thần tự học và học tập suốt đời để chúng ta noi theo. Vì vậy, mỗi cán bộ, Đảng viên học tập và làm theo Bác, xác định cho mình một lộ trình, mục tiêu và phương pháp tự học suốt đời phù hợp với điều kiện cụ thể của bản thân, của gia đình. Có tự học suốt đời mới có thể hoàn thiện nhân cách, nâng cao khả năng phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=tu-tuong-ho-chi-minh-ve-hoc-tap-suot-doi-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-net-dac-trung-trong-nhan-cach-van-hoa-cua-nguoi
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com