Thứ sáu, 05.07.2019 GMT+7

NHÌN LẠI CHẶNG ĐƯỜNG CẢI CÁCH CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG Ở VIỆT NAM

Chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng, quan hệ chặt chẽ với các chính sách khác trong hệ thống chính sách kinh tế - xã hội, liên quan trực tiếp đến các cân đối kinh tế vĩ mô, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chính sách tiền lương ở nước ta đã trải qua 4 lần cải cách (năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003), trong đó cải cách chính sách tiền lương năm 1993 đã thực hiện đường lối đổi mới theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và được tiếp tục điều chỉnh, cải cách từ năm 2003.

        Cải cách tiền lương giai đoạn 1960 - 1984

        Trước năm 1960, vấn đề tiền lương của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được quy định trong các sắc lệnh: Sắc lệnh số 10-SL về việc tạm thời áp dụng các văn bản pháp luật của chế độ cũ để lại; Sắc lệnh số 29-SL ngày 12/3/1947 Quy định chế độ lao động trong toàn cõi Việt Nam. 

        Sau hòa bình lập lại, những yêu cầu đặt ra trong việc sửa đổi chế độ tiền lương đối với người lao động tại miền Bắc Việt Nam lần đầu tiên được đưa ra vào năm 1957 và chính thức được triển khai vào năm 1960. Trong đợt cải cách này, mức tiền lương cụ thể cho từng loại công việc, thời gian trả, hình thức trả lương, nâng bậc lương và các vấn đề khác liên quan đều do Nhà nước định sẵn thông qua hệ thống các bậc lương và phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.

        Ngày 05/7/1960, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định 25/CP quy định chế độ lương thuộc khu vực hành chính sự nghiệp. Theo đó, chế độ lương của cán bộ, viên chức công tác ở các cơ quan hành chính sự nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc: mức lương của cán bộ lãnh đạo cao hơn mức lương của cán bộ, nhân viên; mức lương có chức vụ yêu cầu cao về kỹ thuật, nghiệp vụ cao hơn mức lương của chức vụ có kỹ thuật, nghiệp vụ đơn giản hơn; mức lương của lao động trong điều kiện khó khăn, hại sức khỏe cao hơn mức lương của lao động trong điều kiện bình thường; cán bộ, viên chức đang làm chức vụ gì thì xếp lương theo chức vụ ấy, khi chức vụ thay đổi thì bậc lương cũng thay đổi theo.

        Cải cách tiền lương giai đoạn 1985 - 1992

        Giai đoạn này được đánh dấu bằng việc ban hành Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8 khóa V (tháng 6/1985) và Nghị định số 235/HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng về cải tiến chế độ tiền lương của công nhân, viên chức và các lực lượng vũ trang đã dẫn đến một cuộc cải cách lớn về giá - lương - tiền, mở đầu cho thời kỳ đổi mới đất nước. Nghị định số 235 quy định thang, bảng lương đối với công nhân, nhân viên, cán bộ quản lý xí nghiệp, công ty và bảng lương chức vụ đối với cán bộ, viên chức trong các tổ chức sự nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Nguyên tắc hưởng lương là làm công việc gì, chức vụ gì thì hưởng lương theo công việc, chức vụ đó. Tại Điều 2, Nghị định số 235 quy định: mức lương tối thiểu là 220 đồng/tháng (1); sau đó, đến ngày 28/12/1988, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 202 - HĐBT tăng mức tiền lương tối thiểu lên 22.500 đồng/tháng.

        Ngày 29/8/1990, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ra Quyết định số 356/LĐTBXH/QĐ về mức lương tối thiểu của người lao động trong các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, mức lương tối thiểu áp dụng trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 50 USD/tháng.

        Mặc dù còn nhiều hạn chế, tuy nhiên có thể khẳng định chính sách cải cách tiền lương của Việt Nam trong giai đoạn 1985 - 1992 đã có tiến bộ đáng kể trong việc quy định về tiền lương tối thiểu; đã có sự phân định về tiền lương tối thiểu đối với các doanh nghiệp trong nước và các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đảm bảo sự công bằng trong việc trả công cho người lao động.

        Cải cách tiền lương giai đoạn 1993 - 2002

        Giai đoạn này được đánh dấu bằng các văn bản: Nghị định số 26/CP quy định tạm thời chế độ tiền lương mới trong các doanh nghiệp; Nghị định số 25/CP quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính - sự nghiệp và lực lượng vũ trang của Chính phủ ban hành ngày 23/5/1993; Bộ luật Lao động (năm 1994); Nghị định số 197/CP ngày 31/12/1994 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương; Thông tư số 11/LĐTBXH-TT ngày 03/5/1995 hướng dẫn Nghị định số 197/CP.

        Nghị định số 25/CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu năm 1993 là 120.000 đồng/tháng. Sau đó, mức lương tối thiểu liên tục tăng, đạt mức 144.000 đồng/tháng vào ngày 21/1/1997 và 180.000 đồng/tháng vào ngày 15/12/1999. Để bảo vệ người lao động khu vực doanh nghiệp tư nhân, ngày 27/3/2000, Chính phủ ra Nghị định số 10/2000/NĐ-CP, quy định tiền lương tối thiểu trong các doanh nghiệp là 180.000 đồng/tháng. Đối với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ra Quyết định số 708/1999/QĐ-BLĐTBXH quy định mức lương tối thiểu cho lao động trong khu vực này là 417.000 đồng - 626.000 đồng/tháng tùy thuộc vào địa phương và đặc trưng của từng ngành nghề. Ngày 15/12/2000, Chính phủ ra Nghị định số 77/2000/NĐ-CP về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu, mức trợ cấp và sinh hoạt phí đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và sinh hoạt phí, với mức lương tối thiểu là 210.000 đồng/tháng.

        Cải cách tiền lương giai đoạn 2003 - 2020

        Giai đoạn này được đánh dấu bằng các văn bản: Nghị quyết số 09/2002/QH11 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2003; Nghị quyết số 14/2002/QH11 về nhiệm vụ năm 2003; Nghị định số 03/2003/NĐ-CP ngày 15/01/2003 về điều chỉnh tiền lương, trợ cấp xã hội và đổi mới một bước cơ chế quản lý tiền lương; Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang với mức lương tối thiểu là 310.000 đồng/tháng. Tiếp đó, ngày 15/9/2005, Chính phủ ra Nghị định số 118/2005/NĐ-CP điều chỉnh mức lương tối thiểu chung lên 350.000 đồng/tháng. Ngày 07/9/2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2006/NĐ-CP điều chỉnh mức lương tối thiểu chung, nâng mức lương tối thiểu chung lên 450.000 đồng/tháng.

        Điểm nhấn của cải cách chính sách tiền lương giai đoạn này là từ năm 2009, Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng dựa trên mức lương tối thiểu chung dành riêng cho khu vực doanh nghiệp tư nhân. Đặc biệt, thực hiện Kết luận số 23-KL/TW ngày 29/5/2012 của Hội nghị Trung ương 5 và Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI, nước ta đã từng bước hoàn thiện cơ chế quy định mức lương tối thiểu vùng và chế độ tiền lương của khu vực doanh nghiệp theo yêu cầu phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; đã thực hiện nguyên tắc chỉ điều chỉnh mức lương cơ sở và ban hành chính sách, chế độ mới đối với khu vực công khi đã bố trí đủ nguồn lực; không ban hành mới các chế độ phụ cấp theo nghề, triển khai xây dựng danh mục vị trí việc làm tạo cơ sở cho việc trả lương (2).

        Từ năm 2013, tiền lương tối thiểu để tính lương cho người lao động ở khu vực công được đổi thành mức lương cơ sở. Ngày 09/11/2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm, trong đó có nội dung tăng mức lương cơ sở tối thiểu trung bình 7%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Tính đến ngày 01/7/2018, mức lương cơ sở của người lao động trong khu vực công đạt 1.390.000 đồng/tháng. Đối với khu vực doanh nghiệp, mức lương tối thiểu vùng I là 3.980.000 đồng/tháng; vùng II là 3.530.000 đồng/tháng; vùng III là 3.090.000 đồng/tháng; vùng IV là 2.760.000 đồng/tháng.

        Ngày 09/5/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 38/2019/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 01/7/2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng.Đây là một trong những nội dung nổi bật của chính sách cải cách tiền lương giai đoạn 2003-2020.

        Sau 4 lần cải cách,có thể nhận thấy quá trình phát triển, hoàn thiện tư duy lý luận về chính sách tiền lương của Đảng và Nhà nước Việt Nam, nhất là từ giai đoạn từ 1992 đến nay cho thấy những nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cải cách chính sách tiền lương của nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ðảng và Nhà nước Việt Nam đã sớm quan tâm và có nhiều cố gắng trong việc cải cách tiền lương cho người lao động, kể cả những giai đoạn đất nước có chiến tranh, bị bao vây cấm vận. Thực tế Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản điều chỉnh, bổ sung, từng bước hoàn thiện chính sách tiền lương, hoàn thiện cơ chế quy định mức lương tối thiểu vùng và chế độ tiền lương của khu vực doanh nghiệp theo yêu cầu phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; thực hiện nguyên tắc chỉ điều chỉnh mức lương cơ sở và ban hành chính sách, chế độ mới đối với khu vực công khi đã bố trí đủ nguồn lực...

        Bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách tiền lương của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập so với nhu cầu của thực tiễn phát triển đất nước. Điều này đặt ra yêu cần một cuộc cải cách chính sách tiền lương toàn diện, đồng bộ; dựa trên nhu cầu của thực tiễn, bằng chứng khoa học thuyết phục. Chính điều này càng đặt ra yêu cầu, quyết tâm chính trị và sự kỳ vọng lớn đối với chương trình cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp trong giai đoạn sau năm 2020. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu cải cách tiền lương trong giai đoạn này, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp và có sự tham gia tích cực, trách nhiệm, sáng tạo và hiệu quả của tất cả các chủ thể có liên quan thuộc khu vực nhà nước và doanh nghiệp.

        TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) Hội đồng Bộ trưởng: Nghị định số 235/NĐ-HĐBT ngày 18/9/1985 về cải tiến chế độ tiền lương của công nhân, viên chức và các lực lượng vũ trang, https://thuvienphapluat.vn.

 (2) Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020, http://dangcongsan.vn.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=nhin-lai-chang-duong-cai-cach-chinh-sach-tien-luong-o-viet-nam
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com