Thứ sáu, 07.06.2019 GMT+7

TIẾP TỤC THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH (PCI) NĂM 2019 CỦA TỈNH PHÚ THỌ

Năm 2018, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Phú Thọ tiếp tục được cải thiện, đạt 63,95 điểm (tăng 1,4 điểm so với năm 2017), xếp vị trí thứ 24 (tăng 3 bậc so với năm 2017) đứng trong tốp Khá của cả nước và đứng thứ 3 của Khu vực miền núi phía Bắc.

Kết quả tích cực trên là do các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn 3 chỉ số giảm điểm: Gia nhập thị trường, tính minh bạch, tính năng động của chính quyền tỉnh; Nhận thức về nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của một số cơ quan, đơn vị, cá nhận còn chưa đầy đủ; Một số cán bộ, công chức, viên chức cấp sở, ngành, cấp huyện, cấp xã chưa chủ động, tích cực giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Để tiếp tục nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Phú Thọ trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành thị tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019của Chính phủ:

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ và Kế hoạch số 897/KH-NBND ngày 08/3/2019 của UBND tỉnh.

2. Đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát hành chính, rà soát, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp:

- Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính tạo thuận lợi, bảo đảm bình đẳng, công khai, minh bạch cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế. Minh bạch hóa và công khai các thông tin về chính sách, quy hoạch, thủ tục hành chính… trên các website của tỉnh, huyện và các sở chuyên ngành để các doanh nghiệp dễ dàng truy cập, nghiên cứu, lựa chọn đầu tư.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ làm việc trực tiếp với doanh nghiệp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm cán bộ, công chức có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, quan liêu, hách dịch trong thực thi công vụ và tiếp xúc với doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh thanh toán điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và cấp độ 4 theo chỉ đạo của cơ quan trung ương và của UBND tỉnh. Các cơ quan, đơn vị bước đầu ứng dụng chữ ký số trong gửi nhận văn bản điện tử và thực hiện các giao dịch điện tử như kê khai thuế, kê khai bảo hiểm xã hội, gửi nhận văn bản điện tử…

3. Cải thiện các dịch vụ hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, giảm các chi phí không chính thức; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo:

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư, sớm bàn giao mặt bằng sạch cho doanh nghiệp; tạo mọi điều kiện về điện, nước, hạ tầng phục vụ sản xuất; tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh. Hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp tiếp cận được các hồ sơ quy hoạch, chính sách ưu đãi, địa điểm đầu tư.

4. Tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh:

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị: Tăng cường công tác phối hợp trong giải quyết công việc, thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp. Hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư khi triển khai thực hiện dự án cũng như trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực hiện nghiêm túc các ý kiến, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh liên quan đến việc triển khai các dự án trọng điểm, các dự án của nhà đầu tư.

5. Tăng cường đối thoại doanh nghiệp, phát huy vai trò của các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp:

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành thị và các cơ quan đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao và địa bàn quản lý: Có trách nhiệm phối hợp với các hội, hiệp hội tổ chức gặp gỡ, đối thoại, kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn theo thẩm quyền.

6. Tổ chức thực hiện và chế độ báo cáo:

- Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành thị: Tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao; quán triệt đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến thật sự về vai trò, tầm quan trọng của việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp.

- Định kỳ hàng quý, các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng báo cáo việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ và Kế hoạch số 897/KH-UBND ngày 08/3/2019 của UBND tỉnh, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức theo dõi, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện, tham mưu, đề xuất các giải pháp để quản lý, điều hành để tiếp tục cải thiện, nâng cao chỉ số CPI của tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng nhiệm vụ nâng cao các chỉ số thành phần của CPI gắn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=tiep-tuc-thuc-hien-cac-giai-phap-nang-cao-chi-so-nang-luc-canh-tranh-cap-tinh-pci-nam-2019-cua-tinh-phu-tho
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com