Thứ sáu, 07.06.2019 GMT+7

TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ

Hiện nay, tình hình dịch tả lợn Châu Phi diễn biến hết sức phức tạp, bùng phát trên phạm vụ 36 tỉnh, thành phố, 244 huyện và 2.771 xã; số lợn đã bị tiêu hủy 1,6 triệu con với trọng lượng 93 ngàn tấn. Tình hình dịch bệnh tiếp tục có chiều hướng phức tạp lây lan rộng, khó kiểm soát.

Trong thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của Ban chỉ đạo công tác phòng dịch tả lợn Châu Phi nhưng đến nay đã phát sinh một số điểm dịch tại thành phố Việt Trì, huyện Hạ Hòa, Đoan Hùng, Tam Nông, Cẩm Khê và đã được các sở, ngành, địa phương nhanh chóng tổ chức tiêu hủy, bao vây, áp dụng các biện pháp chống dịch theo quy định.

Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch còn một số hạn chế: Việc tiêu hủy lợn tại các ổ dịch, nhất là các điểm dịch có số lượng tiêu hủy lớn còn nhiều lúng túng, đặc biệt là việc xác định cụ thể vị trí tiêu hủy; việc chuẩn bị phương tiện, lực lượng tiêu hủy chưa đầy đủ nên gây nguy cơ lây lan mầm bệnh; việc kiểm soát các đối tượng buôn bán lợn giống, kiểm soát lưu thông sản phẩm từ lợn từ các tỉnh vào địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn;

Vì vậy, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo, UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các Chỉ thị, Công điện và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; củng cố kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp; tổ chức lại công tác phòng chống dịch với các giải pháp, kế hoạch, đồng bộ, cụ thể theo hướng trường kỳ gắn với cấu trúc lại ngành chăn nuôi sản xuất đảm bảo an toàn dịch bệnh, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ;

2. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn:

- Sớm tham mưu, đề xuất phương án chăn nuôi trong tình hình dịch bệnh, xác định kịch bản tái cấu trúc ngành chăn nuôi của tỉnh cho phù hợp;

- Làm tốt công tác tuyên truyền cho người chăn nuôi nhỏ lẻ không nên tái đàn trong thời điểm hiện tại; làm thay đổi nhận thức của người dân về sự hạn chế của chăn nuôi nhỏ lẻ; người dân phải làm chủ thể trong công tác phòng chống dịch.

- Chỉ đạo việc tổ chức xử lý môi trường, khoanh vùng, tăng cường các chốt, kiểm soát ổ dịch không để dịch bệnh phát sinh, phát triển lây lan ra diện rộng;

- Phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành, thị tổ chức kiểm tra đôn đốc, xác định nguyên nhân gây bệnh, xứ lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm, làm lây lan dịch bệnh; tham mưu chỉ đạo tạo điều kiện cho các lò giết mổ lợn an toàn dịch bệnh phát huy hiệu quả, gắn với kiểm tra vệ sinh thú y.

- Nắm tình hình thực tế các huyện, thành, thị, làm việc với Sở Công Thương, các siêu thị, tạo điều kiện tiêu thụ thịt lợn an toàn cho các hộ chăn nuôi; giết mổ đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Phối hợp với UBND các huyện, thành, thị thống kê số lợn đến tuổi xuất chuồng, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiêu thụ được lợn đảm bảo an toàn dịch bệnh.

- Thống nhất với Sở tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương các biện pháp tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy trình kỹ thuật, không để việc tiêu hủy ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.

3. Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với các sở, ngành có liên quan tiếp tục duy trì, làm tốt công tác kiểm soát vận chuyển, phối hợp lồng ghép các hoạt động chuyên môn khác để kiểm soát tốt tình trạng vận chuyển, buôn bán lợn và các sản phẩm từ lợn bất hợp pháp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

4. UBND các huyện, thành, thị:

- Đối với các xã, phường chưa có dịch:

+ Tiếp tục chỉ đạo thông tin, tuyên truyền hằng ngày về diễn biến tình trạng dịch bệnh trên địa bàn để người dân nắm bắt kịp thời, chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, phối hợp với cơ quan chuyên môn giám sát, phát hiện dịch bệnh, tố giác các hành vi giấu dịch, bán chạy làm lây lan dịch bệnh;

+ Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn nắm chắc số lượng đàn lợn trên địa bàn; xây dựng các kịch bản (nơi tiêu hủy lợn, khử trùng tiêu độc, nhân lực…) nếu dịch bệnh xảy ra;

- Đối với các địa phương đã có ổ dịch: Thực hiện tốt việc khoanh vùng ổ dịch, tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả; thực hiện việc tiêu hủy đúng quy trình tiêu hủy lợn theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh làm phát tán, lây lan dịch bệnh; lập các chốt kiểm soát, đặt biển báo và bố trí đầy đủ lực lượng để hướng dẫn việc đi lại, kiểm soát 24/24 các hoạt động vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn ra, vào vùng dịch, uy hiếp, vùng đệm theo quy định; tăng cường tuyên truyền cho người dân tố giác các trường hợp lợi dụng chính sách của nhà nước hỗ trợ tiêu hủy lợn bị bệnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các sở, ngành có liên quan chỉ đạo, tuyên truyền cho người dân, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không nên thực hiện tái đàn trong thời điểm hiện nay; tuyệt đối không mua lợn giống không có nguồn gốc rõ ràng, không có giấy kiểm dịch vận chuyển; không vứt xác lợn chết, lợn bệnh ra môi trường và lây lan dịch bệnh, kiên quyết xứ lý các trường hợp vi phạm.

5. Các sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các thành viên ban chi đạo thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các địa phương được phân công, đôn đốc chỉ đạo tại địa bàn phụ trách, báo cáo kịp thời những tồn tại, hạn chế đề xuất các biện pháp khắc phục.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=trien-khai-cong-tac-phong-chong-dich-ta-lon-chau-phi-tren-dia-ban-tinh-phu-tho
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com