Thứ sáu, 31.05.2019 GMT+7

CẬP NHẬT NỘI DUNG CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ TRONG GIẢNG DẠY BÀI “ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA GẮN VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRI THỨC Ở VIỆT NAM”

“Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam” là bài số 3 trong giáo trình “Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về các lĩnh vực của đời sống xã hội”, thuộc chương trình Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Trong bài đã giới thiệu những kiến thức cơ bản về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với phát triển kinh tế tri thức, làm rõ những quan điểm của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn hiện nay ở nước ta. Bài được kết cấu thành 3 phần:

Phần 1: Một số quan niệm và sự cần thiết đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam.

Phần 2: Quan điểm, nội dung và nhiệm vụ thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam

Phần 3. Giải pháp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam.

Trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần cập nhật quan điểm của Đảng, kiến thức thực tiễn vào bài giảng đảm bảo kiến thức lý luận và thực tiễn. Bên cạnh việc cập nhập các quan điểm của Đảng trong Văn kiện, Nghị quyết Đại hội XII vào bài giảng, giảng viên cần bổ sung nhiều tư liệu, trong đó một nguồn tư liệu không thể thiếu đó là một số kiến thức cơ bản về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là những thông tin cần thiết phục vụ cho bài giảng.

Trước hết giảng viên cần cung cấp cho học viên nhận thức về cuộc cách mạng 4.0. Từ nhiều quan niệm khác nhau về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có thể hiểu chung nhất: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được hình thành trên nền tảng những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ ba và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ; là sự tích hợp của nhiều loại hình công nghệ trên cách lĩnh vực, những thành tựu mới trong nghiên cứu vật lý, hóa học, sinh học, xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực khoa học đó. Công nghệ nền tảng, đặc trưng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư là công nghệ số; các lĩnh vực mũi nhọn, đặc trưng của công nghiệp 4.0 là trí tuệ nhân tạo; công nghệ thông tin, internet kết nối vạn vật, điện toán đám mây, cơ sở dữ liệu lớn, Blockchain; công nghệ na-nô, công nghệ gien, công nghệ vật liệu, công nghệ in 3D trong lĩnh vực chế tạo...

Giảng viên cần đề cập về tác động, ý nghĩa  của cuộc cách mạng 4.0 đến nước ta. Trên cơ sở  đó giảng viên cần cập nhật nhiều hơn ở phần nội dung công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức của Việt Nam, vì đây là phần kiến thức trọng tâm của bài. Những tư liệu về cuộc Cách mạng 4.0 tương đối nhiều, tuy nhiên giảng viên cần bám sát các ý chính trong phần nội dung để chuyển tải các thông tin cho sát, phù hợp, tránh dàn trải, loãng kiến thức. Giảng viên tập trung làm rõ: Cần  đổi mới công nghệ, trên cơ sở chuyển mạnh sang sử dụng những công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; ứng dụng những thành tựu tiên tiến nhất của công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, công nghệ in 3D, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, rôbốt, các máy móc, thiết bị thông minh...vào quản lý và các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong nền kinh tế.

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư cần có sự kết hợp linh hoạt chiến lược phát triển kết hợp phát triển theo chiều rộng và sâu, trong đó chú trọng chiều sâu dựa trên khoa học, công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.

Bên cạnh đó cần đổi mới cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tập trung vào các ngành nông, lâm, ngư nghiệp gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, ngư nghiệp; công nghệ thông tin, viễn thông; công nghiệp chế tạo sản xuất các thiết bị điện tử, các loại máy móc, thiết bị, các rôbốt, dây chuyền sản xuất tự động cho các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp năng lượng, nhất là các dạng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, sản xuất các loại vật liệu mới, công nghiệp môi trường; phát triển công nghiệp hỗ trợ... Xây dựng, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, gắn đô thị hóa, phát triển kết cấu hạ tầng thông tin, thương mại điện tử, viễn thông, internet, cơ sở dữ liệu lớn,... đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội.

Để tăng tính thuyết phục bài giảng, giảng viên nên sử dụng một số phương pháp giảng dạy tích cực khi giảng bài này như thuyết trình kết hợp hỏi - đáp, phỏng vấn nhanh, nêu ý kiến ghi bảng...nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học đáp ứng tốt mục tiêu, yêu cầu bài giảng.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=cap-nhat-noi-dung-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu-trong-giang-day-bai-day-manh-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-gan-voi-phat-trien-kinh-te-tri-thuc-o-viet-nam
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com