Thứ tư, 08.05.2019 GMT+7

CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ - MỘT BIỂU TƯỢNG VỀ SỨC MẠNH ĐOÀN KẾT DÂN TỘC CỦA VIỆT NAM

Cách đây vừa tròn 65 năm, ngày 07-5-1954, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ kéo dài 9 năm đầy gian khổ, mở ra một thời kỳ phát triển mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam, góp phần quan trọng đối với phong trào giải phóng dân tộc, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại, có ý nghĩa to lớn, là sự kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó có một nhân tố quan trọng, không thể không nhắc đến là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam với tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm bảo vệ sự sinh tồn của dân tộc ta trước thế lực ngoại xâm, đây chính là cội nguồn dẫn đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Trong tác phẩm “Chiến tranh nhân dân và quân đội nhân dân”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Chiến tranh ở Việt Nam không chỉ là sự đọ sức giữa hai quân đội; ở đây bọn thực dân xâm lược phải đánh nhau với cả một dân tộc; cả dân tộc Việt Nam, toàn thể nhân dân việt Nam đang đứng dậy chống lại chúng”. 

Bước sang năm 1953-1954, sau thất bại liên tiếp trước quân chủ lực của Việt Nam, Pháp đứng trước tình thế bất lợi và đã có ý đồ muốn rút quân về nước. Để không làm mất hình tượng nước lớn, thực dân Pháp đã nhanh chóng triển khai một chiến lược quân sự mới mang tên Nava,mở hàng loạt các cuộc hành binh càn quét lớn ở nhiều nơi như: Lạng Sơn, Trị Thiên, Ninh Bình nhằm tiêu hao, tiêu diệt lực lượng của ta, đồng thời qua đó thăm dò ý đồ quân sự của ta. Ngày 20/11/1953, Nava cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, xây dựng nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm với niềm tin “sẽ bẻ gãy mọi cuộc tiến công của Việt Minh”. Niềm tin tưởng của Pháp xuất phát từ sự phân tích, đánh giá khách quan, thực tế tình hình lúc đó.Bởi vì Điện Biên Phủ chủ yếu là địa hình rừng núi hiểm trở, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, mưa nắng thất thường. Đặc biệt, đường cơ giới duy nhất lên Tây Bắc là con đường 41 từ Hoà Bình qua Mộc Châu, Sơn La, Tuần Giáo lên Lai Châu. Con đường này lòng đường hẹp, cầu yếu, nhiều đoạn sụt lở và ngang qua những khu vực địa hình hiểm trở, núi cao, suối sâu. Từ Tuần Giáo đi Điện Biên Phủ dài 89 km, mặt đường vốn đã nhỏ lại men theo sườn núi, phần lớn một bên núi cao, một bên suối sâu.Các nhà quân sự Pháp, Mỹ tính toán giản đơn rằng, các đoàn dân công và đường sá thô sơ của Việt Nam địch sao nổi cầu hàng không hiện đại của chúng. “Một dân công mang 30 ki-lô-gam, một xe đạp thồ mang 150 ki-lô-gam phải đi một tháng mới đến Điện Biên Phủ. Hoặc cứ cho là một ô-tô vận tải chuyển được 2 tấn rưỡi hàng cũng phải mất 7 đêm. Như vậy làm sao đọ nổi với một chiếc Da-cô-ta mang 5 tấn, bay từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ chỉ mất có một tiếng rưỡi đồng hồ?”. Sự khó khăn ấy cũng được Tổng Quân ủy quân đội nhân dân Việt Nam nhận định: “Để tiến hành chiến dịch này, ta có nhiều khó khăn, khó khăn lớn nhất vẫn là cung cấp mà chủ yếu là về đường sá.Tuy nhiên, bằng quyết tâm và lòng dũng cảm của hàng vạn dân công, thanh niên xung phong, Bộ đội Công binh ngày đêm lao động khẩn trương, chỉ hơn ba tháng sau (12-1953 -03-1954), ta đã hoàn thành việc tu sửa và mở mới các tuyến đường 41, số 13, đường Tuần Giáo lên Điện Biên Phủ - là trục đường chính của tuyến vận tải cơ giới, tổng cộng chiều dài khoảng 300 km. Mở đường cho xe pháo cơ động, cho vận tải cơ giới vào tới Điện Biên Phủ, cho pháo tới trận địa. Đây thực sự là một sự nỗ lực cố gắng lớn của quân và dân ta.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng về huy động tại chỗ và tích cực vận chuyển từ hậu phương ra tiền tuyến, một cuộc vận động nhân dân chi viện tiền tuyến đã được triển khai rầm rộ, rộng lớn chưa từng có trong kháng chiến chống Pháp. Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương đã chỉ đạo các địa phương, các ngành kinh tế, tài chính tổ chức động viên nhân tài, vật lực của cả nước với tinh thần “Tất cả cho mặt trận, tất cả cho chiến thắng. Chỉ trong thời gian ngắn, ta đã huy động được một khối lượng lớn sức người, sức của ở vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, ở Việt Bắc cũng như ở vùng địch tạm chiếm. Có thể nói đây là “cuộc ra quân lớn nhất” của cả nước kể từ đầu cuộc kháng chiến, cả dân tộc đã ra mặt trận cùng bộ đội đánh giặc với đủ lực lượng từ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến; già, trẻ, trai, gái từ nhiều địa phương. Sốlượng những người vận chuyển này nhiều hơn quân đội và được tổ chức, biên chế như quân đội. Một khối lượng lương thực khổng lồ đã được vận chuyển vượt qua địa hình hiểm trở, qua lửa đạn của quân thù để hoàn thành nhiệm vụ; chiếc xe đạp do chính người Pháp sản xuất trở thành phương tiện vận chuyển chủ yếu, mỗi xe chở được từ 150kg đến 200kg, dân công Ma Văn Thắng ở Phú Thọ nâng tải trọng chiếc xe của mình lên 337kg, trở thành người đạt năng xuất cao nhất chiến dịch; tên gọi “xe đạp thồ” cũng từ sự kiện này mà ra. Theo số liệu tổng kết thì trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân ta đã góp 23.056 tấn gạo, 266 tấn muối, 1909 tấn thực phẩm, 261.451 lượt người tham gia dân công với 20.991 xe đạp thồ, 736 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền. Riêng nhân dân Tây Bắc đã cung cấp cho tiền tuyến 47% nhu cầu số gạo, 43% thịt, 100% rau tươi, 100% thuyền và ngựa; ngoài ra còn đóng góp 14% số ngày công chủ yếu từ trung tuyến ra tiền tuyến.

Với sự đồng lòng cả nước ra trận, đến đầu tháng 3 năm 1954, công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Không phụ sự kỳ vọng của nhân dân, sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm kiên cường, ngày 7 tháng 5 năm 1954, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp, kết thúc cuộc chiến tranh chống Pháp.Đánh giá về thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lúc đầu địch mạnh hơn ta gấp trăm gấp ngàn lần về vật chất. Nhưng về tinh thần và chính trị ta mạnh hơn địch gấp trăm gấp ngàn lần...Thắng lợi vĩ đại Điện Biên Phủ là kết quả tất nhiên của sự quyết tâm và cố gắng của toàn quân và dân ta”. Thắng lợi của chúng ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, một lần nữa khẳng định nếu phát huy được truyền thống đoàn kết toàn dân, "cả nước chung sức, toàn dân đánh giặc" thì không một kẻ thù nào khuất phục được dân tộc ta, đó là một chân lý. Chân lý này tiếp tục được khẳng định trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hơn lúc nào hết, bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lại tiếp tục phát huy cao hơn nữa trong điều kiện mới.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng nhấn mạnh: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta”. Đến Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo”.  Với những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố và tăng cường, phát huy ý chí tự lực, tự cường và nội lực của dân tộc góp phần nâng cao thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế.

 

 

 

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=chien-thang-dien-bien-phu-mot-bieu-tuong-ve-suc-manh-doan-ket-dan-toc-cua-viet-nam
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com