Thứ sáu, 26.04.2019 GMT+7

NHÌN LẠI ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ VIỆT NAM THỜI KỲ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH 5 NĂM LẦN THỨ HAI - GIAI ĐOẠN 1976 - 1980

Giai đoạn 1976 - 1980, là giai đoạn cả nước thống nhất, có nhiều thuận lợi mới để phát triển nền kinh tế, là giai đoạn cả nước xây dựng CNXH theo mô hình kế hoạch hóa tập trung, bao cấp. Tháng 12/1976, đại hội Đảng lần thứ IV đã xác định, phấn đấu đưa nước ta từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn XHCN trong vòng 20 năm, quá trình này được thực hiện trên cơ sở một số kế hoạch 5 năm, bắt đầu tư kế hoạch 5 năm lần thứ hai - giai đoạn 1976 - 1980.

Bước vào giai đoạn 1976 - 1980, nước ta hướng vào việc giải quyết những hậu quả nặng nề của các cuộc chiến tranh, thực hiện thống nhất kinh tế trong phạm vi cả nước và từng bước thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa theo mô hình kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu, bao cấp trước đây đã tiến hành ở miền Bắc. Do vậy, giai đoạn này vẫn phát triển theo hướng “ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ”. Thực tế thời kỳ này nước ta đã bỏ qua giai đoạn khôi phục kinh tế, tiến hành ngay việc phát triển kinh tế quy mô lớn và tốc độ nhanh.

Miền Bắc, ở những năm trước trong nông nghiệp phổ biến là các hợp tác xã bậc cao. Trong giai đoạn 1976 - 1980, quy mô các hợp tác xã được mở rộng nhanh chóng, đầu tư của Nhà nước vào nông nghiệp tăng lên nhưng sản xuất trong nông nghiệp vẫn trì trệ.

Miền Nam, sau năm 1975, phong trào tập thể hóa với tốc độ nhanh, theo hai hình thức, tập đoàn sản xuất và hợp tác xã. Tính đến năm 1978, phong trào này được phát triển rộng rãi, sang đầu năm 1979 đã có gần một nửa số hộ nông dân vào làm ăn tập thể, nhưng đến cuối năm 1979 một số tập đoàn sản xuất và hợp tác xã đã bắt đầu bị tan rã ở một số nơi. Ở Miền Nam tồn tại các loại hình kinh tế trong như: kinh tế quốc doanh, kinh tế hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình sản xuất hàng hóa nhỏ, kinh tế hộ tiểu nông tự cấp, tự túc.

Trong giai đoạn này, sản lượng nông nghiệp có sự tăng, giảm không đều: năm 1977 là 0%, năm 1978 là -5,5%, năm 1979 là 2,7%, năm 1980 là 2,8%. Mô hình tập thể hóa trong nông nghiệp rơi vào khủng hoảng, làm cho nông nghiệp nước ta trong giai đoạn này cũng đã rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Hiện tượng “khoán chui” ở các địa phương được phát triển và ngày càng lan rộng, vai trò của hợp tác xã nông nghiệp trên thực tế đã thay đổi.

Năm 1978, Miền Nam tiến hành cải tạo công, thương nghiệp. Sau công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam, nền kinh tế cả nước mới thống nhất cơ bản. Kinh tế miền Nam cũng đã có những cơ sở của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Số xí nghiệp công nghiệp quốc doanh cả nước năm 1976 là 2021, đến năm 1980 là 2538, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp bình quân hàng năm là 0,6%. Công nghiệp quốc doanh chiếm 65,9%, công nghiệp địa phương chiếm 34,1%, công nghiệp quốc doanh đóng vai trò chủ đạo không những nắm các mạch máu kinh tế mà còn chiếm tỷ trọng lớn trong công nghiệp.

Nhà nước thực hiện độc quyền ngoại thương trong phạm vi cả nước. Thương nghiệp quốc doanh là nòng cốt trên thị trường và nắm độc quyền nhiệm vụ xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, giá trị hàng hóa nhập khẩu lớn hơn xuấ khẩu. Gía trị hàng hóa xuất khẩu chưa bằng 30% giá trị hàng hóa nhập khẩu. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là gạo, sắt thép, phân bón, xăng dầu, bông vải sợi.

Trong thời kỳ này, cả nước phải đối phó với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1978 và biên giới phía Bắc năm 1979, nguồn dự trữ hàng hóa cạn kiệt, tổng sản phẩm cả nước từ 1976 - 1980 tăng 0,8%, trong khi dân số tăng 2,4%. Điều này là cho ngân sách nhà nước bội chi ngày càng lớn.

Lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tiền tệ, giá cả được thống nhất trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, giá cả không phản ánh đúng quan hệ cung cầu, mang nặng tính giao nộp, quan hệ mua - bán trở thành quan hệ trao đổi vật lấy vật. Điều này ngăn cản sự phát triển của sản xuất và để lại hậu quả rất nặng nề về kinh tế xã hội.

Tháng 9/1979, nghị quyết Trung ương 6 khóa IV, đã quyết định thực hiện chế độ khoán sản phẩm đến hộ gia đình nông dân, chủ trương này nhanh chóng được nông dân các địa phương hưởng ứng.

Trong giai đoạn 1976 - 1980, cả nước bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, cuối giai đoạn này nhiều chỉ tiêu trong kế hoạch 5 năm không đạt, nông nghiệp bước vào khủng hoảng, công nghiệp trì trệ, nhiều xí nghiệp quốc doanh làm ăn thua lỗ, hàng tiêu dùng thiết yếu thiếu nghiêm trọng, lạm phát luôn ở hai con số... Những hạn chế của cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp đã bộc lộ, làm nảy sinh nhân tố mới, có hiện tượng “xé rào” trong sản xuất kinh doanh. Đây cũng là căn cứ, tiền đề để Đảng và Nhà nước ta đi đến đường lối đổi mới ở Đại hội lần thứ VI (năm 1986).

-----------------------------

Tài liệu tham khảo

- Phạm Văn Chiến, Lịch sử kinh tế Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, H.2003.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=nhin-lai-dac-diem-kinh-te-viet-nam-thoi-ky-thuc-hien-ke-hoach-5-nam-lan-thu-hai-giai-doan-1976-1980
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com