Thứ năm, 14.02.2019 GMT+7

NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT TỐ CÁO NĂM 2018

Sau 08 năm thực hiện Luật Tố cáo 2011, Luật Tố cáo đã tạo hành lang pháp lý để công dân thực hiện quyền tố cáo, giúp các cơ quan, tổ chức có thể kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi Luật Tố cáo năm 2011 đã bộc lộ nhiều bất cập. Đồng thời, Hiến pháp năm 2013 có sự thay đổi quan điểm khi ghi nhận quyền tố cáo là quyền con người và sự thay đổi của Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Đáp ứng những đòi hỏi khách quan đó, ngày 12/6/2018, Quốc hội đã thông qua Luật Tố cáo số 25/2018/QH14 với 09 chương, 67 điều trong đó có nhiều điểm đổi mới:

Một là, quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo

Kế thừa nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo trong Luật Tố cáo năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018 bổ sung thêm một số nguyên tắc phù hợp với những yêu cầu của thực tế là tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây,nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức; tố cáo đối với cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách; tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã bị giải thể; tố cáo cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ (Điều 12).

Về thẩm quyền giải quyết tố cáo, Luật Tố cáo 2018 quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước (Điều 13). Ngoài ra, Luật còn bổ sung quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, trong Kiểm toán nhà nước và trong các cơ quan khác của Nhà nước như tại các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp... (Từ Điều 14 đến Điều 17).

Hai là, quy định việc tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo

Để xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng tố cáo tràn lan, sai sự thật, Luật Tố cáo 2018 vẫn tiếp tục quy định hai hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp (Điều 22).

Bước tiếp nhận và xử lý ban đầu thông tin là bước quan trọng để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thụ lý yêu cầu tố cáo. Do đó, Luật Tố cáo 2018 đã quy định cụ thể việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn tố cáo (Từ Điều 23 tới Điều 27). Trong việc xử lý đối với thông tin tố cáo, Luật quy định một số điểm mới:

Đối với đơn tố cáo được gửi đến nhiều nơi: nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và được gửi đồng thời cho nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết hoặc trường hợp đã hướng dẫn nhưng người tố cáo vẫn gửi tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền giải quyết thì cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được tố cáo không xử lý. Quy định này nhằm tránh tình trạng người tố cáo gửi đơn tố cáo tràn lan, vượt cấp, đồng thời đảm bảo tính hiệu quả cho các cơ quan, tổ chức trong việc xử lý đối với tố cáo không thuộc thẩm quyền.

Đối với tố cáo nặc danh, mạo danh: trường hợp thông tin tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức quy định thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý. Trong trường hợp tố cáo nặc danh, mạo danh được tiếp nhận và tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi đảm bảo được một số điều kiện sau: có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật; có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật; có cơ sở để thẩm tra, xác minh.

Ba là, quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo

Về quy trình giải quyết tố cáo: Luật Tố cáo năm 2018 rút gọn trình tự giải quyết tố cáo từ 05 bước xuống còn 04 bước, bao gồm: thụ lý tố cáo; xác minh nội dung tố cáo; kết luận nội dung tố cáo; xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo (Điều 28).

Về thủ tục giải quyết tố cáo: Luật Tố cáo 2018 rút ngắn thời gian giải quyết tố cáo còn là không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý tố cáo, trường hợp vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày, trường hợp đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày (Điều 30) trong khi Luật Tố cáo 2011 quy định  thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo. 

Bổ sung quy định về rút tố cáo. Theo đó, người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản. Luật cũng quy định cụ thể việc xử lý đối với các trường hợp rút tố cáo như rút toàn bộ, rút một phần, rút tố cáo trong trường hợp nhiều người cùng tố cáo, trong trường hợp người tố cáo bị đe dọa, mua chuộc hoặc người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo (Điều 33).

Bổ sung quy định về tạm đình chỉ giải quyết tố cáo, đình chỉ việc giải quyết tố cáo. Theo đó, Luật quy định cụ thể các căn cứ để tạm đình chỉ hoặc đình chỉ (Điều 34).

Bốn là, bổ sung quy định về trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo

Tổ chức thi hành kết luận nội dung tố cáo có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, tăng cường trật tự, kỷ cương pháp luật. Do vậy, Luật đã bổ sung Chương V về tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo, trong đó quy định về trách nhiệm của người giải quyết tố cáo; trách nhiệm của người bị tố cáo; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện kết luận nội dung tố cáo (từ Điều 44 đến Điều 46).

Sáu là, bổ sung quy định về việc bảo vệ người tố cáo

Kế thừa và phát triển tinh thần bảo vệ người tố cáo của Luật Tố cáo năm 2011. Luật tố cáo mới đã dành một chương (Chương VI) quy định về bảo vệ người tố cáo. Theo đó, Điều 47 của Luật Tố cáo 2018 xác định rõ về đối tượng, phạm vi bảo vệ người tố cáo. Người được bảo vệ được xác định rõ là “người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo” thay vì ghi nhận đối tượng bảo vệ là người tố cáo; người thân thích của người tố cáo” như Luật Tố cáo 2011. Phạm vi bảo vệ, bao gồm: bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ.

Điều 49 của Luật Tố cáo 2018 quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ và trách nhiệm của các cơ quan này. Đây là điểm mới so với Luật Tố cáo năm 2011. 

Từ Điều 50 đến Điều 55 của Luật Tố cáo 2018 quy định rất cụ thể về trình tự, thủ tục bảo vệ bao gồm về việc đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ; cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ; thay đổi, bổ sung việc áp dụng biện pháp bảo vệ nếu xét thấy cần thiết hoặc trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của người được bảo vệ; chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ. Đây là điểm mới rất quan trọng, bởi vì quy định cụ thể trách nhiệm của người giải quyết tố cáo và cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo. 

Về các biện pháp bảo vệ, khác với Luật Tố cáo 2011, Luật Tố cáo 2018 quy định 03 biện pháp bảo vệ đó là: Biện pháp bảo vệ bí mật thông tin (Điều 56); biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm (Điều 57); biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm (Điều 58). Trong đó, nội dung bảo vệ của từng biện pháp được quy định bổ sung thêm để đảm bảo người tố cáo được bảo vệ tốt nhất về quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình như: lược bỏ họ tên, địa chỉ, bút tích, các thông tin cá nhân khác của người tố cáo ra khỏi đơn tố cáo và các tài liệu, chứng cứ kèm theo để quản lý theo chế độ mật khi giao cơ quan, tổ chức, cá nhân xác minh nội dung tố cáo; xem xét bố trí công tác khác cho người được bảo vệ nếu có sự đồng ý của họ để tránh bị trù dập, phân biệt đối xử;...

Bên cạnh những điểm mới nêu trên, Luật Tố cáo năm 2018 còn quy định về trách nhiệm giải quyết tố cáo, nguyên tắc giải quyết tố cáo, áp dụng pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo; các hành vi bị nghiêm cấm và điều khoản thi hành; quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo.

Luật Tố cáo năm 2018 có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 có nội dung và phạm vi điều chỉnh hợp lý, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo; quy định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết các loại tố cáo; có cơ chế hữu hiệu bảo vệ người tố cáo; đồng thời xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về tố cáo, góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về giải quyết tố cáo, cải cách nền hành chính, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=nhung-diem-moi-cua-luat-to-cao-nam-2018
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com