Chủ nhật, 30.12.2018 GMT+7

PHIÊN TÒA XÉT XỬ VỤ ÁN HÌNH SỰ CÓ BỊ CÁO, BỊ HẠI DƯỚI 18 TUỔI - QUY ĐỊNH THỂ HIỆN RÕ TINH THẦN CẢI CÁCH TƯ PHÁP HIỆN NAY

Ngày 21/9/2018, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Thông tư 02/2018/TT-TANDTC về việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên, có hiệu lực từ 01/12/2018. Đây là quy định thể hiện bản chất nhân đạo của pháp luật xã hội chủ nghĩa, đồng thời phản ánh rõ tinh thần cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay. Một số quy định nổi bật của Thông tư 02/2018/TT-TANDTC như sau:

Một là, về thẩm quyền xét xử của Tòa gia đình và người chưa thành niên:

Tòa gia đình và người chưa thành niên có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi; Vụ án hình sự có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác. Đối với những trường hợp này, việc xét xử vụ án hình sự của Tòa gia đình và người chưa thành niên sẽ được thực hiện tại phòng xét xử thân thiện.

Đối với những vụ án thuộc các trường hợp phạm tội sau, mặc dù thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa gia đình và người chưa thành niên nhưng được xét xử tại phòng xử án hình sự như các vụ án hình sự khác mà không tiến hành xét xử tại phòng xét xử thân thiện, gồm: Vụ án hình sự có bị cáo là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng. Vụ án hình sự có bị cáo là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm một trong các tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại các điều 123 (Tội giết người), 134 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác), 141 (Tội hiếp dâm), 142 (Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi), 144 (Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi ), 151 (Tội mua bán người dưới 16 tuổi), 168 (Tội cướp tài sản), 169 (Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản), 170 (Tội cưỡng đoạt tài sản), 171 (Tội cướp giật tài sản), 248 (Tội sản xuất trái phép chất ma túy), 249 (Tội tàng trữ trái phép chất ma túy), 250 (Tội vận chuyển trái phép chất ma túy), 251 (Tội mua bán trái phép chất ma túy), 252 (Tội chiếm đoạt chất ma túy) và 299 (Tội khủng bố) của Bộ luật Hình sự năm 2015. Vụ án hình sự vừa có bị cáo là người dưới 18 tuổi vừa có bị cáo là người từ đủ 18 tuổi trở lên. Vụ án hình sự mà bị cáo là người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác.

Hai là, quy định về phòng xử án:

Trong trường hợp thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa gia đình và người chưa thành niên thì phiên tòa xét xử vụ án hình sự phải được bố trí tại phòng xử án thân thiện, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Thông tư 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao quy định về phòng xử án. Ngoài việc trang bị cơ sở vật chất, hình thức phòng xử án như khi xét xử các vụ án khác thì phòng xét xử thân thiện phải bố trí theo nguyên tắc đặc thù: vị trí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp trong phòng xử án được bố trí trên cùng một mặt phẳng, sắp xếp theo hình thức bàn tròn; tường trong phòng xử án có màu xanh. Người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng tại phiên tòa được ngồi cạnh người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Bàn, ghế trong phòng xử án được thiết kế theo kiểu dáng bàn, ghế văn phòng để tạo sự thân thiện trong xét xử.

Ba là, về tổ chức, bảo vệ phiên tòa, thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 02/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao về quy chế tổ chức phiên tòa phải đảm bảo sự thân thiện:

Thẩm phán phải mặc trang phục làm việc hành chính của Tòa án nhân dân (không mặc áo choàng);

Vụ án có người bị hại dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì Tòa án phải xét xử kín;

Đối với những vụ án khác, khi có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi thì Tòa án cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai;

Không xét xử lưu động đối với vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.

Bốn là, việc tham gia phiên tòa của người đại diện, nhà trường, cơ quan, tổ chức:

Người đại diện của người dưới 18 tuổi;đại diện nhà trường nơi người dưới 18 tuổi học tập;đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người dưới 18 tuổi lao động, sinh hoạtphải có mặt tại phiên tòa theo quyết định của Tòa án.

Trường hợp những người thuộc trường hợp trên vắng mặt lần thứ nhất hoặc vắng mặt lần thứ hai vì lý do bất khả kháng, do trở ngại khách quan thì Tòa án phải hoãn phiên tòa. Trường hợp những người này vắng mặt lần thứ hai không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan nhưng để bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi thì Tòa án cũng có thể hoãn phiên tòa.

Năm là, việc tiếp xúc giữa người bị hại là người dưới 18 tuổi với bị cáo:

Trong quá trình xét xử vụ án, Hội đồng xét xử phải cách ly người bị hại là người dưới 18 tuổi với bị cáo trong những trường hợp sau đây: Những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán; Những vụ án có người bị hại là người dưới 10 tuổi; Những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi hoặc người đại diện của họ và Hội đồng xét xử xét thấy cần phải cách ly để bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi.

Trong quá trình xét xử những vụ án nói trên, người bị hại tham gia phiên tòa ở phòng cách ly. Thông tin về diễn biến phiên tòa cũng như việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ được truyền qua hệ thống truyền hình trực tuyến có âm thanh hoặc được thực hiện bằng phương thức khác nhưng phải bảo đảm cho họ theo dõi đầy đủ diễn biến phiên tòa và thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình.

Người đại diện, người giám hộ, chuyên gia hoặc cán bộ tâm lý - xã hội, người làm công tác bảo vệ trẻ em phải có mặt ở phòng cách ly để hỗ trợ người bị hại tham gia phiên tòa.

Như vậy, cùng với quy định về bố trí chỗ ngồi trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự theo Thông tư 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, việc quy định về phiên tòa xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên là những quy định thể hiện tinh thần nhân đạo của pháp luật xã hội chủ nghĩa, đồng thời phản ánh rõ tinh thần cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay ở nước ta. Điều này phù hợp với xu hướng chung của tố tụng hình sự trên thế giới và thể hiện tính nhân văn trong hoạt động xét xử.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=phien-toa-xet-xu-vu-an-hinh-su-co-bi-cao-bi-hai-duoi-18-tuoi-quy-dinh-the-hien-ro-tinh-than-cai-cach-tu-phap-hien-nay
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com