Thứ tư, 26.12.2018 GMT+7

GIẢI PHÁP PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA GIẢNG VIÊN TRONG VIỆC NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ

Trong xu thế đổi mới hiện nay, cùng với những chuyển biến căn bản trong đời sống kinh tế xã hội với nhiều thuận lợi và thách thức, nhiều vấn đề mới đặt ra đòi hỏi sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động trong Đảng, sự đồng thuận của toàn xã hội, trên nền tảng học thuyết của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Thực tiễn đó đặt ra cho Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu phải tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Nói về vai trò của công tác giáo dục lý luận chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Không có lý luận chính trị thì chí khí kém cương quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”. Tuy nhiên, các môn học về lý luận chính trị kiến thức thường trừu tượng, phong phú, được xem là khô khan, khó tiếp thu. Để biến môn học lý luận chính trị dễ hiểu, dễ nghe, dễ nhớ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố trong đó vai trò của người giảng viên được coi là quan trọng nhất.

Hiện nay, Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ có 39 giảng viên. Trong đó có 01 tiến sĩ, 34 thạc sĩ và 02 giảng viên đang học cao học. Về trình độ lý luận chính trị: cao cấp 29 giảng viên; trung cấp 10 giảng viên. Về cơ bản đội ngũ giảng viên của trường đã và đang đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đào tạo lý luận chính trị trong thời kỳ mới.

Tuy nhiên, để công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị thực sự có chất lượng và đạt hiệu quả cao hơn, tôi xin mạnh dạn đề xuất một số giải pháp sau:

Trước hết, mỗi giảng viên phải học tập nâng cao trình độ chuyên môn và phương pháp giảng dạy đồng thời phải bổ sung những phần còn yếu, còn thiếu; phải tự mình ý thức việc tự học để không ngừng nâng cao hiểu biết, trau dồi về chuyên môn nghiệp vụ; ngoài chuyên ngành của mình phải có phông kiến thức xã hội rộng, thường xuyên cập nhật kiến thức thời sự thông tin, văn bản mới. Trong đó, quan trọng nhất là phải nắm chắc nền tảng Triết học Mác - Lê-nin, bởi triết học trang bị thế giới quan, nhân sinh quan, phép biện chứng, phương pháp luận khoa học giúp cho giảng viên soạn và trình bày bài giảng có hệ thống logíc và giàu sức thuyết phục.

Thứ hai, áp dụng phương pháp dạy học tích cực, lấy người học làm trung tâm, sử dụng thành thạo các phương pháp dạy học tích cực, vận dụng vào bài giảng, tạo môi trường thuận lợi để học viên tích cực tham gia vào quá trình dạy học, để giờ học bớt sự nhàm chán, thụ động.

Thứ ba, giảng viên cần phải liên hệ với thực tiễn của thế giới, của đất nước; của địa phương; của bản thân mỗi học viên. Có thể giảng viên tự liên hệ trong bài giảng và chỉ cho học viên thấy rõ điều đó được thể hiện trong cuộc sống. Giảng viên có thể gợi mở, đàm thoại với đối tượng giảng dạy, dẫn ra những thực tiễn của địa phương, đất nước hay cá nhân và từ đó khái quát làm sáng tỏ về mặt lý luận. 

Thứ tư, giảng viên cần có sự liên hệ để tìm hiểu và nắm được cụ thể đối tượng học viên của lớp học, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy. Trên cơ sở đó, chủ động có kế hoạch cho từng bài giảng, tiết giảng sẽ sử dụng những phương pháp nào, thiết bị gì cho phù hợp.

Thứ năm, giảng viên phải sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật trong nghiên cứu và giảng dạy nhằm bổ sung và làm phong phú thêm cho những nội dung của bài giảng; thay đổi cách học và phương pháp học, tạo sự hứng thú, kích thích tìm tòi, đi sâu nghiên cứu của học viên, giúp cho học viên phát huy được tính chủ động, sáng tạo. Sử dụng các phương tiện kỹ thuật nhằm thay đổi phương pháp dạy chay, học chay; giúp học viên tiếp cận được khoa học kỹ thuật, gắn lý luận với thực tiễn, gắn học với hành.

Thứ sáu, giảng viên cần chú trọng nghiên cứu khoa học và xem đây là một nhiệm vụ không thể thiếu trong đổi mới phương pháp. Nghiên cứu khoa học là động lực thúc đẩy say mê nghề nghiệp, giúp cho giảng viên làm chủ được tri thức trên cơ sở độc lập suy nghĩ, sáng tạo, biết vận dụng tri thức vào bài giảng cũng như thực tiễn cuộc sống. Mỗi bài viết, mỗi vấn đề nghiên cứu đòi hỏi giảng viên phải vạch ra đề cương, đọc những tài liệu liên quan, vì thế, giảng viên có quá trình tích lũy về lượng để biến đổi về chất; tri thức ngày càng được mở rộng và chuyên sâu. Giảng viên sẽ thực sự chủ động trước mọi vấn đề đặt ra và sẽ kết hợp tốt, sử dụng nhuần nhuyễn các phương pháp trong mỗi giờ giảng để nâng cao kết quả đào tạo.

Thứ bảy, coi trọng và tăng cường thực hiện thảo luận đối với học viên. Thông qua thảo luận, học viên có điều kiện trực tiếp trao đổi, đưa ra những chính kiến của mình cả về lý luận và thực tiễn; cả những vấn đề đúng và chưa đúng… Giảng viên kiểm nghiệm xem học viên đã tiếp thu được bài giảng đến mức độ nào; phương pháp giảng dạy của giảng viên đạt được hiệu quả hay không? Kiến thức của giảng viên còn có chỗ nào chưa thật vững để tự mình điều chỉnh, bổ sung. Thực hiện tốt việc thảo luận buộc học viên phải đọc tài liệu, nghiên cứu, chuẩn bị, từ đó sẽ tạo nên động lực và hứng thú của người học, giúp cho họ nắm vững được lý luận vận dụng vào thực tiễn được tốt và có hiệu quả.

Nếu mỗi giảng viên đều ý thức, trau dồi kiến thức, phương pháp, kỹ năng cộng với sự tương tác tích cực của học viên thì vấn đề học tập lý luận chính trị không còn nhiều khó khăn. Học viên sẽ dễ dàng tiếp thu kiến thức và vận dụng vào công tác của bản thân, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh hơn.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=giai-phap-phat-huy-vai-tro-cua-giang-vien-trong-viec-nang-cao-hieu-qua-giang-day-ly-luan-chinh-tri-o-truong-chinh-tri-tinh-phu-tho
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com