Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi cấp khu vực và toàn quốc trong năm 2018 do Ban Tuyên giáo Trung ương phát động là một trong những nội dung nhằm góp phần nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ giảng viên tại các trung tâm bồi dưỡng chính trịcấp huyện. Hội thi là dịp để thí sinh, các giảng viên cùng nhau trao đổi, học tập kinh nghiệm về giảng dạy, kỹ năng, phương pháp giảng dạylý luận chính trịđồng thời khảo nghiệm lại những vấn đề mang tính thực tiễn tại cấp mình, địa phương mình trong sự gắn với yêu cầu nhiệm vụ công việc chung, từ đó đúc kết kinh nghiệm cho bản thân để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong thời gian tới.
Từ ngày 25-27/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi toàn quốc năm 2018. Tham dự Hội thi là 21 thí sinh, những giảng viên chuyên trách và giảng viên kiêm chức, đã giành chiến thắng thuyết phục trước 130 giảng viên xuất sắc trong các Hội thi cấp khu vực vừa qua. Giảng viên Hoàng Thị Thùy Linh, đã xuất sắc vượt qua 51 thí sinh của khu vực miền Bắc để tham gia tranh tài cùng các thí sinh được lựa chọn từba khu vực trong toàn quốc.
Trong 21 thí sinh xuất sắc nhất tham dự hội thi cấp toàn quốc có 9 thí sinh nam, 12 thí sinh nữ là giảng viên và giảng viên kiêm chức đến từ các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp quận, huyện, thị, thành trực thuộc cấp tỉnh. Tuổi trung bình của các thí sinh là 35,5 tuổi. Thí sinh lớn tuổi nhất cuộc thi sinh năm 1969, thí sinh nhỏ nhất sinh năm 1990. Một số thí sinh có thâm niên 10-15 năm làm giảng viên lý luận chính trị.Hội thi năm 2018 có sự tham gia dự thi của nhiều thế hệ giảng viên, với khoảng cách chênh lệch về độ tuổi là 21năm. Đó chính là sự tiếp nối mạnh mẽ, vững chắc của công tác giáo dục lý luận chính trị của Đảng trước yêu cầu ngày càng cao, ngày càng khó của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Có nhiều các thí sinh tham gia Hội thi là người dân tộc ít người như Sán Dìu, Tày, Giáy, Dao, Katu, dân tộc Hoa…
Trong Hội thi, ở phần thi thao giảng của mỗi thí sinh tham dự, trong hội trường có sự tham gia, nghe giảng trực tiếp của một số học viên, tạo ra các tình huống sư phạm để các thí sinh xử lý giống như trong khi đứng lớp tại các trung tâm. Từ đó, giám khảo đánh giá chính xác hơn về khả năng sư phạm, cùng các kỹ năng giảng dạy và năng lực chuyên môn của các thí sinh. Nhiều thí sinh dành thời gian đối thoại hai chiều, trả lời câu hỏi từ phía học viên, tạo ra sự giao lưu, trao đổi giữa người giảng, người học, tăng cường tính tích cực chủ động của người học, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp, đổi mới cách dạy, cách học lý luận chính trị theo tinh thần Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 9-2-2018 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”. Sau phần thao giảng và trả lời câu hỏi của các thí sinh, các thành viên hội đồng giám khảo đều đưa ra một số đánh giá chung, nhận xét, chỉ rõ những ưu điểm, nhược điểm phần thi của thí sinh về nội dung trình bày, về sự chính xác của các thông tin được đề cập trong bài giảng, về kỹ năng sư phạm, phương pháp lên lớp và gợi ý những cách nâng cao chất lượng bài giảng mà mỗi thí sinh có thể áp dụng cho mình trong tương lai. Điều này vô cùng bổ ích không chỉ đối với các thí sinh mà đối với tất cả người nghe, các cán bộ làm công tác tuyên giáo, nhất là công tác lý luận chính trị được tham dự tại các giảng đường để rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu cho mình. Có thể thấy rằng: Những nhận xét của các thầy cô trong Hội đồng giám khảo, góp ý của các anh, chị giảng viên dự thi, những chia sẻ của các bạn học viên, người tham gia cổ động thi sẽ góp phần giúp cho mỗi thí sinh hoàn thiện hơn trong nội dung và phương pháp giảng dạy.
Chất lượng thí sinh của Hội thi năm 2018, kể cả 3 hội thi khu vực và Hội thi chung khảo lần này, có tiến bộ vượt bậc, với phông nền kiến thức sâu, rộng, với nhiều cách tiếp cận mới, thể hiện sự tìm tòi tư liệu, thông tin, sử dụng nhiều nguồn tài liệu đáng tin cậy và những nỗ lực sáng tạo trong áp dụng các phương pháp mới trong giảng dạy lý luận chính trị. Điều này thể hiện rất rõ qua chất lượng giáo án chuẩn bị trước và giờ thao giảng, trả lời câu hỏi đôi khi rất bất ngờ của ban giám khảo đối với các thí sinh.
Nhiều bài giảng thể hiện tính khoa học, tính chiến đấu, thông qua các ví dụ được thí sinh sử dụng. Các ví dụ minh họa có liên hệ nhiều với thực tiễn địa phương, gần gũi, dễ hiểu phù hợp với đối tượng học viên ở các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Chất liệu văn học được sử dụng hiệu quả trong một số bài giảng để chúng trở nên hấp dẫn, tăng tính thuyết phục đối với người nghe. Bên cạnh đó, các thí sinh đã biết sử dụng cường độ âm thanh, tốc độ giọng nói để tăng hiệu quả cho bài giảng. Nhiều thí sinh kết hợp giữa ngôn ngữ lời nói và ngôn ngữ hình thể, tạo sự sinh động, hấp dẫn người học.
Các thí sinh biết kết hợp giữa việc sử dụng các phương tiện truyền thống (bảng đen, phấn trắng)với việc chuẩn bị giáo án điện tử hết sức công phu làm cho người học dễ nắm bắt vấn đề hơn. Các giảng viên đã chú ý đến điểm nhấn, điểm dừng hợp lý trong bài giảng, để học viên có thể ghi chép và suy nghĩ. Các bài giảng có mở đầu và kết nối, neo chốt vấn đề, giúp người học ghi nhớ được nội dung.
Trên tinh thần khách quan, nghiêm túc, công bằng và chất lượng, Ban Tổ chức Hội thi đã quyết định trao giải Nhất cho thí sinh Trịnh Thị Thùy Vân (Giảng viên chuyên trách trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị); 2 giải Nhì cho thí sinh Nguyễn Thị Thùy Dương (Giảng viên kiêm chức của Trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh) và thí sinh Hoàng Thị Thùy Linh (Giảng viên kiêm chức củatrung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ).
Ông Võ Văn Phuông - ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương - trao giải nhì cho hai thí sinh Hoàng Thị Thùy Linh (Phú Thọ) và Nguyễn Thị Thùy Dương (TP.HCM) – Đ/c Hoàng Thị Thùy Linh đứng đầu tiên từ trái qua phải
Kết quả đạt được của giảng viên Hoàng Thị Thùy Linh cho thấy hướng đi đúng đắn của công tác giáo dục lý luận chính trị của tỉnh Phú Thọ và sự chỉ đạo, phối kết hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ. Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ với chức năng nhiệm vụ được phân công với đội ngũ giảng viên giỏi đã được tôi luyện qua thực tiễn giảng dạy lý luận chính trị mà trực tiếp là các đồng chí trong Ban Giám hiệu đã xây dựng chương trình, lên kế hoạch bồi dưỡng một cách khoa học nhất cho giảng viên Hoàng Thị Thùy Linh: từ việc soạn giáo án giấy, lựa chọn khung hình, nội dung màu sắc để chuyển tải thành giáo án điện tử dự thi đến các kỹ năng, phương pháp giảng dạy, xây dựng tình huống trong bài giảng gắn kết người học với từng nội dung bài giảng với thực tiễn sinh động ở tỉnh Phú Thọ đều được đồng chí Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương trực tiếp bổ sung và duyệt giảng.
Kết quả thi của giảng viên Hoàng Thị Thùy Linh sẽ giúp cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ phát hiện và giải quyết những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình thực hiện các chương trình giáo dục lý luận chính trị ở trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, nhất là ở các trung tâm bồi dưỡng trị cấp huyện, các đảng ủy trực thuộc, tạo cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện hơn nữa về nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy lý luận chính trị và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phương pháp giảng dạy tích cực cho giảng viên các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện trong toàn tỉnh, góp phần triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Trung ương về công tác giáo dục, đào tạo lý luận chính trị.
Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi các cấp do Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức là một sân chơi rất bổ ích đối với các giảng viên lý luận chính trị chuyên trách và kiêm chứccáccấp. Thông qua đó, nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy lý luận chính trị, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta. “Để khắc phục tình trạng giảng dạy lý luận chính trị “vừa khó, vừa khô”, giảng viên lý luận chính trị phải nhuần nhuyễn kiến thức của mình, gắn bài giảng với thực tiễn đời sống của địa phương, đơn vị. Luôn phải tìm cáccách tiếp cận mới, góc nhìn mới trong bài giảng của mình và áp dụng công nghệ thông tin để bài giảng phong phú và hấp dẫn hơn”.
Có thể khẳng định, kết quả của Hội thi lần này đã giúp cho Ban Tuyên giáo Trung ương phát hiện và giải quyết những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình thực hiện các chương trình giáo dục lý luận chính trị, tạo cơ sở cho việc hoàn thiện hơn về nội dungchương trình, phương pháp giảng dạy ở các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện trong toàn quốc, góp phần triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Trung ương về công tác giáo dục, đào tạo lý luận chính trị, nhất là Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 9/2/2018 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”; Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.