Thứ bảy, 17.11.2018 GMT+7

KINH TẾ XANH VÀ KHẢ NĂNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ XANH CỦA VIỆT NAM

Ý tưởng phát triển “Kinh tế Xanh” được đưa ra từ những năm 70 của thế kỷ XX, do áp lực của cuộc khủng hoảng năng lượng (1972-1973). Tuy nhiên, phải đến tháng 10/2008, UNEP (United nations Environment Programme) phối hợp các nền kinh tế hàng đầu thế giới mới triển khai sáng kiến “kinh tế xanh” (Green Economy) với mục tiêu tăng cường phối hợp và hợp tác quốc tế ứng phó với khủng hoảng tài chính đi đôi với xử lý các vấn đề toàn cầu, nhằm hướng tới phát triển bền vững của kinh tế thế giới hậu khủng hoảng.

Hiện nay, vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về “Kinh tế xanh”. Tuy nhiên, theo định nghĩa mà Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEB) đưa ra thì nền “Kinh tế xanh” là: “Nền kinh tế nâng cao đời sống của con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái. [1]

Còn theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), ‘‘tăng trưởng xanh là thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế đồng thời đảm bảo các nguồn tài sản tự nhiên tiếp tục cung cấp các tài nguyên và dịch vụ môi trường thiết yếu cho cuộc sống của chúng ta. Để thực hiện điều này, tăng trưởng xanh phải là nhân tố xúc tác trong việc đầu tư và đổi mới, là cơ sở cho sự tăng trưởng bền vững và tăng cường tạo ra các cơ hội kinh tế mới’’. [2]

Trong dự thảo Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra quan điểm chiến lược ‘‘Tăng trưởng xanh ở Việt Nam là phương thức thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế để tiến tới việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính thông qua nghiên cứu và áp dụng công nghệ hiện đại, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng để nâng cao hiệu quả nền kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo, và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững’’. Ở Việt Nam, chiến lược tăng trưởng xanh được coi là một bước cụ thể hóa trong chiến lược phát triển bền vững, là nội dung chính của phát triển bền vững.

Các khái niệm của các tổ chức khác nhau có cách diễn đạt khác nhau, tuy nhiên, tựu chung lại đều cho rằng kinh tế xanh là: Thứ nhất, nâng cao đời sống con người, cải thiện công bằng xã hội; thứ hai, giảm đáng kể những rủi ro môi trường; thứ ba, sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả.

Phát triển kinh tế xanh” hay xanh hóa nền kinh tế là một xu hướng mới trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng như mực nước biển dâng lên. Ðứng trước thực trạng tài nguyên đang dần cạn kiệt, đa dạng sinh học bị suy giảm, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nhiều quốc gia đã từ bỏ phát triển kinh tế theo hướng "ô nhiễm trước, xử lý sau" để chọn kinh tế xanh làm mô hình phát triển mới. Thay vì sử dụng nguyên liệu hóa thạch, kinh tế xanh sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ các-bon thấp, khuyến khích sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả hơn. Phát triển kinh tế xanh và quản lý môi trường hiệu quả là hai nhân tố căn bản bảo đảm tiến trình phát triển bền vững của mỗi nước nói riêng và trên phạm vi toàn cầu nói chung. Như vậy, phát triển kinh tế xanh đòi hỏi sự nỗ lực phối hợp toàn cầu vì nó đã trở thành vấn đề của toàn thế giới, trong đó vai trò của Liên hợp quốc rất quan trọng.

Việt Nam đang hướng đến nền kinh tế xanh trong định hướng tái cấu trúc nền kinh tế. Điều này thể hiện rất rõ ở quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam khi hiện nay, dự thảo chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đang được lấy ý kiến rộng rãi góp ý trước khi ban hành. Tuy nhiên, liệu Việt Nam có thể thành công theo hướng tăng trưởng xanh? Việt Nam còn cách nền kinh tế xanh thực sự bao xa? Dưới đây sẽ phân tích môi trường kinh tế - xã hội của Việt Nam bao gồm điểm mạnh, điểm yếu để đưa ra nhận định khả năng thành công của Việt Nam và đề xuất hướng lựa chọn cho Việt Nam trong tương lai.

Điểm mạnh

Một là, Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm đổi mới, thu được nhiều thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng: nền kinh tế tăng trưởng cao, cơ sở hạ tầng phát triển, thu nhập đầu người cải thiện nhanh… Hiện tại, trình độ công nghệ của Việt Nam còn yếu kém nhưng đang có sự cải thiện nhanh nhờ lợi thế của nước đi sau và gây được sự chú ý của nước ngoài nhờ thành tựu cải cách kinh tế đáng kể trong thời gian qua. Việt Nam cũng đang hội nhập sâu rộng vào cộng đồng quốc tế, tạo ra nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế trong nước. Qua 32 năm thực hiện đổi mớiđã tạo thành chuỗi xu thế thời gian để nhìn vào đó có thể lạc quan hơn vào những đổi mới trong tương lai.

Hai là, Việt Nam cũng là một nước thu hút lớn đầu tư từ nước ngoài. Kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài ra đời vào tháng 12/1987, cho đến nay, Việt Nam đã trải qua quá trình hơn 30 năm thu hút nguồn vốn FDI. Có thể nói, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã trở thành khu vực kinh tế quan trọng của Việt Nam. Tính đến tháng 8.2018, đã có trên 26.500 dự án FDI được đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký hơn 334 tỉ USD, vốn thực hiện khoảng 184 tỉ USD (Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Qua đó, FDI đã đóng góp và là động lực quan trọng thúc đấy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, tạo ra gần 4 triệu việc làm và thu nhập ổn định, nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế. 

Nhiều doanh nghiệp FDI đã mang công nghệ hiện đại (mặc dù vẫn còn ít) vào Việt Nam, trong đó có một số tập đoàn nổi tiếng thế giới về công nghệ cao như Intel, Samsung, Canon, v.v… Nếu Việt Nam có chính sách phù hợp sẽ khiến các tập đoàn này đầu tư công nghệ cao và góp phần nâng cao năng lực công nghệ của đất nước, kết nối với mạng sản xuất toàn cầu. Điều này rất cần thiết để phát triển nền kinh tế xanh.

Ba là, vốn con người của Việt Nam khá dồi dào. Tính đến tháng 8/2018 Việt Nam có khoảng 96 triệu dân (Theo số liệu của Liên Hợp Quốc) trong đó tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao, tỷ lệ biết chữ cao, chăm chỉ, và nắm bắt nhanh… Nếu họ được đào tạo tốt thì sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng xanh của đất nước, khả năng Việt Nam thành công dễ dàng hơn.

Điểm yếu

Một là, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào khai thác thô, sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên và năng lượng hóa thạch cho phát triển kinh tế và tiêu dùng.

Hai là, Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp lớn, hiện chiếm gần ¼ GDP của cả nền kinh tế. Tuy nhiên khu vực này phát thải nhiều khí nhà kính (CH4, N2O). Hiện tại phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp và ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn chiếm 43,1% tổng phát thải khí nhà kính của Việt Nam. Theo dự báo, đến năm 2020, tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam trong điều kiện bình thường khoảng 96,29 triệu tấn CO2, trong đó trồng trọt chiếm 59,2% (phần lớn từ canh tác lúa nước), chăn nuôi 25,3%, ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn 20,1%, thủy sản 15,8%, thủy lợi 0,4% và lâm nghiệp hấp thụ được 20,9% lượng khí trong lĩnh vực nông nghiệp [3]. Bên cạnh đó, khu vực nông nghiệp ngày càng sử dụng nhiều phân hóa học, thuốc trừ sâu, các loại phụ gia, chất kích thích v.v… đã tác động rất xấu đến môi trường, đa dạng sinh học và sức khỏe của con người.

Ba là, nền kinh tế với năng suất thấp do trình độ công nghệ vẫn ở mức thấp nên suất tiêu hao nhiên liệu nhiều. Tốc độ đổi mới công nghệ còn diễn ra chậm chạp. Mặc dù đã có nhà đầu tư nước ngoài mang công nghệ hiện đại vào Việt Nam nhưng con số này còn rất hạn chế. Hơn nữa, chúng lại ít được chuyển giao mà chỉ đặt tại Việt Nam để sản xuất. Phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đầu tư vào những lĩnh vực thâm dụng lao động và tài nguyên – được coi là lợi thế so sánh của Việt Nam trong hai thập kỷ qua.

Có thể nói, sự thành công trong phát triển kinh tế xanh của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào công nghệ của các nước phát triển. Đặc biệt, những công nghệ liên quan đến kiểm soát phát thải khí nhà kính vẫn chưa được phát triển ở Việt Nam.

Bốn là, nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình tăng tốc nên rất khó cắt giảm tiêu hao nhiên liệu hay dùng nhiên liệu thay thế xa xỉ hơn. Bất cứ một quá trình tái cấu trúc nào cũng đòi hỏi phải giảm tốc tăng trưởng để chuyển đổi. Điều này sẽ khiến cho tình trạng việc làm và thu nhập của người dân bị ảnh hưởng trong khi cơ cấu mới chưa phát huy lợi thế. Nếu không kết hợp hài hòa chính sách sẽ dễ dẫn đến những vấn đề mâu thuẫn xã hội sâu sắc.

Năm là, cơ sở hạ tầng mềm cho tăng trưởng xanh chưa phát triển. Muốn thực hiện các chính sách tăng trưởng xanh cần phải có công cụ kiểm soát và chế tài đối với các chủ thể nền kinh tế. Vấn đề đo lường quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh cần được cải thiện. Việt Nam hiện vẫn chưa có cơ sở đánh giá phát thải khí nhà kính của các chủ thể kinh tế.

Sáu là, nhận thức của người dân về vấn đề khí nhà kính còn rất hạn chế. Hầu như họ không được thông tin về vấn đề này. Thậm chí ngay cả khi họ được thông tin thì họ cũng coi đây như là vấn đề xảy ra với người khác. Họ chưa nhận thức đầy đủ được những tác động tiêu cực của tình trạng này. Vì thế tình trạng chặt phá rừng, hủy hoại thiên nhiên vẫn diễn ra thường xuyên ở Việt Nam.

Tóm lại, nằm trong khu vực phát triển năng động nhất thế giới, Việt Nam đang hội tụ những thuận lợi từ điều kiện tự nhiên, xã hội đến chủ trương, chính sách để tiến hành xanh hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, con đường tiến tới “nền kinh tế xanh” của Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức. Vì vậy, để xây dựng mô hình phát triển nền "kinh tế xanh", Việt Nam nên thay đổi nhận thức cho tất cả mọi người. Nhìn nhận rõ những điểm mạnh và điểm yếu của chúng ta để cónhững giải pháp nhằm đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam trong thời gian tới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. UNEP (2011) “Hướng tới nền kinh tế xanh – Lộ trình cho phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo”, Bản dịch của Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội 2011. 

         2, 3. Bộ KH-ĐT (2012)“Dự thảo Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn 2050”

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=kinh-te-xanh-va-kha-nang-phat-trien-kinh-te-xanh-cua-viet-nam
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com