Thứ hai, 08.10.2018 GMT+7

VAI TRÒ ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO TRONG THỜI KỲ CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

Nhân loại trong hơn 300 năm qua đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp và đang đứng trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng 4.0. Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 mà điển hình là sự bùng nổ ngày càng mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã và đang thay đổi diện mạo của nền giáo dục không chỉ ở các quốc gia phát triển mà còn ở các nước đang phát triển như Việt Nam.

Cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Bản chất của CMCN 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; nhấn mạnh những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy...bao gồm các hệ thống không gian mạng, internet vạn vật và điện toán đám mây. Qua đó, tạo ra những nhà máy thông minh với hệ thống máy móc tự kết nối với nhau, tự tổ chức và quản lý, đây còn được gọi là cuộc cách mạng số. Cuộc cách mạng này đã, đang và sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống, trong đó có giáo dục. Công nghệ thực tế ảo sẽ thay đổi cách dạy và cách học.

Nếu như trước đây, khi sách vở còn chưa có thì vai trò của người thầy là người khai sáng, đem đến cho chúng ta kiến thức và vì vậy “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Khi sách vở trở nên phổ biến, chúng ta có thể tự đọc sách thì thầy giáo chính là người định hướng, kiểm chứng thông tin và giúp chúng ta tiếp cận tri thức một cách chính xác và nhanh nhất.

Khi internet trở nên phổ biến, kiến thức trở nên quá mênh mông, thông tin quá phong phú, máy móc ngày càng thông minh và thậm chí có thể dạy lại con người. Việc dạy và học trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 trở nên khác xa so với những thế hệ trước.

Đối với quá trình dạy, cần chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất và phát triển năng lực người học hay là tổ chức một nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp; chuyển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng cả số lượng, chất lượng và hiệu quả; chuyển từ chỉ chú trọng giáo dục nhân cách nói chung sang kết hợp giáo dục nhân cách với phát huy tốt nhất tiềm năng cá nhân.

Đối với việc học, cần chuyển từ học thuộc, nhớ nhiều sang hình thành năng lực vận dụng, thích nghi, giải quyết vấn đề, tư duy độc lập. Không chỉ học trong sách vở, qua tài liệu mà phải học qua nhiều hình thức khác như qua trò chơi, liên hệ tương tác, học bằng dự án…. Đặc biệt, với học sinh, sinh viên là người lao động trong tương lai cần thay đổi suy nghĩ học một lần cho cả đời bằng việc học cả đời để làm việc cả đời.

Như vậy, trong kỷ nguyên số này, hơn bao giờ hết, vai trò của người thầy có sự thay đổi mạnh mẽ. Vai trò giáo viên trong thế kỉ XXI trở nên phức tạp ở một thế giới thay đổi nhanh chóng; nơi mà tri thức gần như vô tận.

Thứ nhất, vai trò người thầy có sự biến đổi từ truyền thụ kiến thức theo lối truyền thống sang vai trò mới với tư cách là “người xúc tác và điều phối… người thiết kế, cố vấn, huấn luyện và tạo ra môi trường học tập”. Trong thời đại CMCN 4.0, tri thức gần như là vô tận,  người thầy giáo không còn là người nắm giữ chìa khóa của tri thức. Ai cũng có quyền tiếp cận tri thức bất tận qua internet. Người thầy giáo cũng không phải là người kiểm chứng tri thức, nhưng thầy giáo có thể giúp học sinh học thành thạo những phương pháp giúp kiểm chứng tri thức trên internet.

Thứ hai, người thầy giáo phải là người định hướng nhân cách cho học sinh. Không máy móc hay trí tuệ nhân tạo nào có thể dạy nhân cách cho con người. Học sinh không chỉ học để có điểm cao, thi đỗ mà phải có phẩm chất và năng lực của người công dân thế kỷ 21.

Vì thế, để đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghệp 4.0, đội ngũ nhà giáo cần phải được nâng cao năng lực sư phạm của mình để có thể đóng góp cho sự nghiệp trồng người. Trong đó:

Trước hết, đội ngũ nhà giáo phải thành thạo công nghệ thông tin. Cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng số, do vậy các thầy cô giáo phải thành thạo công nghệ thông tin để có thể khai thách tài nguyên mạng một cách hiệu quả nhất, từ đó hướng dẫn, truyền giảng cho người học, có những phương pháp dạy học tiên tiến thông qua các thiết bị điện tử hiện đại để thay thế cho cách học truyền thống chỉ dùng phấn, bảng trước đây.

Thứ hai, đội ngũ nhà giáo cần phải nâng cao trình độ ngoại ngữ. Để tiếp cận những tri thức khoa học và công nghệ tiên tiến do sự phát triển của công nghệ 4.0 mang lại, con người không thể không thông thạo ngoại ngữ. Đây là điều cần thiết để giảng viên hội nhập với xu hướng kết nối toàn cầu, hội nhập với giáo dục đại học thế giới. Vì thế đội ngũ nhà giáo cần nâng cao trình độ ngoại ngữ bằng nhiều biện pháp khác nhau.

Thứ ba, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo bằng các hình thức đào tạo tiên tiến, mô hình trực tuyến. Công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên nên kết hợp các mô hình đào tạo tiên tiến 4.0, đào tạo trực tuyến, từ xa để nhà giáo vừa nâng cao trình độ chuyên môn, vừa tiếp cận các mô hình dạy học mới. Các hình thức dạy học này sẽ giúp giáo viên bổ sung vào kiến thức nghiệp vụ, làm phong phú hơn các hình thức dạy học của mình.

Trước những thách thức và yêu cầu mà cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đăt ra cho giáo dục nước ta, vai trò của đội ngũ nhà giáo có sự thay đổi mạnh mẽ. Các thầy, các cô phải làm sao để đào tạo được đội ngũ những người lao động khi ra trường đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động thời kỳ 4.0. Vì thế, để đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghệp 4.0, đội ngũ nhà giáo cần phải được bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực bằng những biện pháp như tập huấn sử dụng công nghệ phục vụ dạy học, ứng dụng các hình thức tiên tiến, mô hình trực tuyến vào công tác bồi dưỡng giáo viên, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng theo hướng nghiên cứu và nâng cao trình độ ngoại ngữ.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=vai-tro-doi-ngu-nha-giao-trong-thoi-ky-cach-mang-cong-nghiep-4.0
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com