Chủ nhật, 30.09.2018 GMT+7

NÂNG CAO TÍNH CHỦ ĐỘNG TÍCH CỰC CỦA NGƯỜI HỌC TRONG ĐÀO TẠO LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH

Tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ lý luận chính trị là một trong những nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng, là một bộ phận cơ bản quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng nhằm thực hiện việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đặt trong xu thế phát triển hiện nay của đất nước, trước những yêu cầu nhiệm vụ chính trị ngày càng cao, công tác giáo dục lý luận chính trị càng trở nên cấp thiết. Để đạt hiệu quả trong công tác giáo dục lý luận chính trị, ngoài vai trò quan trọng của người thầy - với tư cách là người truyền đạt thì người học - với tư cách người tiếp thu, cũng là nhân tố không thể thiếu. Có thể nói, quá trình dạy - học không thể tồn tại nếu không có sự tham gia tích cực của chủ thể người học.

Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ là một cơ quan được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho tỉnh. Trong thời gian qua, cùng với chủ trương nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, Đảng ủy, Ban giám hiệu cũng đặt ra yêu cầu đội ngũ giảng viên cần thay đổi thái độ và phương pháp giảng dạy, tập trung hướng tới sự nâng cao tính chủ động, tích cực của người học trong việc tiếp thu lý luận chính trị, coi đây là mục tiêu cao nhất, đảm bảo cho sự thành công bền vững của nhà trường, đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn hiện nay.

Chủ động, tích cực là một hoạt động nhằm làm chuyển biến vị trí của người học từ thụ động sang chủ động, từ đối tượng tiếp nhận tri thức sang chủ thể tìm kiếm tri thức để nâng cao hiệu quả học tập. Việc thay đổi vai trò người dạy và người học nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình dạy học nhằm đáp ứng được yêu cầu dạy học trong giai đoạn phát triển mới, đặc biệt đối với chương trình đào tạo lý luận chính trị - một trong những chương trình đào tạo thường được quan niệm là “khó”, khô khan, mang tính chất đường lối, chính sách.

Quá trình chủ động, tích cực trong hoạt động nhận thức của người học sẽ góp phần làm cho mối quan hệ giữa dạy và học, giữa thầy và trò ngày càng gắn bó và hiệu quả hơn. Tích cực vừa là biện pháp thực hiện nhiệm vụ dạy học, đồng thời nó góp phần rèn luyện cho người học những phẩm chất của người lao động mới: tự chủ, năng động, sáng tạo. Đó là một trong những mục tiêu mà nhà trường đang hướng tới. Mặt khác, tích cực hoá hoạt động nhận thức của người học là biện pháp quan trọng để người thầy nhanh chóng phát hiện những quan niệm sai lệch của người học, từ đó sẽ có biện pháp kịp thời để khắc phục, uốn nắn những tư tưởng lệch lạc…

Dạy học phát huy tính tích cực học tập của người học có tác dụng mạnh mẽ và to lớn trong quá trình giảng dạy. Tuy nhiên, tính tích cực, chủ động trong hoạt động nhận thức của người học có liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó các yếu tố như động cơ, hứng thú học tập, năng lực, ý chí của cá nhân, không khí dạy học... đóng vai trò rất quan trọng. Các yếu tố liên quan chặt chẽ với nhau và có ảnh hưởng tới việc phát huy tính tích cực của người học trong học tập. Do đó, với vai trò của mình, người thầy phải là người góp phần quan trọng trong việc taọ ra những điều kiện tốt nhất để cho người học học tập, rèn luyện và phát triển.

Để có thể phát huy tính chủ động, tích cực của người học trong quá trình học tập lý luận chính trị, người thầy cần phải chú ý đến một số biện pháp sau:

Một là, tạo ra và duy trì không khí dạy học trong lớp nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho việc học tập và phát triển của người học. Trong môi trường đó người học dễ dàng bộc lộ những hiểu biết của mình trên cơ sở kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn hoạt động của bản thân. Từ đó, sẵn sàng tham gia tích cực vào quá trình dạy học.

Hai là, xây dựng động cơ hứng thú học tập cho người học. Hoạt động của con người là hoạt động có mục đích, ý thức càng cao tính mục đích càng thể hiện rõ trong hành vi. Bởi vậy, để có thể phát huy tính tự giác, chủ động của người học trong tiếp cận, tiếp thu kiến thức lý luận chính trị, người thầy cần tạo động cơ đúng đắn, hứng thú cho người học. Cần giúp người học xác định được ý nghĩa, giá trị, tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị, gắn với thực tiễn công việc bản thân người học đang công tác. Trên cơ sở xác định được động cơ đúng sẽ tạo điều kiện để người học chủ động tiếp thu các kiến thức, kĩ năng, biến những cái đó thành kiến thức, kỹ năng của mình, giúp phát huy tính tích cực, giúp hoạt động tư duy được khơi dậy và phát triển, từ đó, giúp hình thành và phát triển các năng lực hoạt động trí tuệ.

Ba là, khai thác và phối hợp các phương pháp dạy học một cách có hiệu quả, đặc biệt chú trọng tới các phương pháp dạy học tích cực. Việc phát huy tính chủ động, tích cực trong hoạt động nhận thức của người học phụ thuộc rất nhiều vào việc tổ chức và điều khiển quá trình dạy học của thầy giáo. Bởi vậy, trong tiến trình dạy học, thầy giáo cần phải lựa chọn và sử dụng các phương pháp dạy học hiệu quả, đặc biệt là các phương pháp dạy học tích cực như: Phương pháp nêu vấn đề; Phương pháp sàng lọc; Phương pháp trực quan... Thực tiễn đã chứng minh, những bài giảng có sự kết hợp đa dạng các phương pháp là những bài giảng được người học ghi nhận và nhớ lâu, đánh giá cao.

Bốn là, tăng cường tổ chức cho người học hoạt động, tham gia trực tiếp vào quá trình tiếp nhận kiến thức lý luận chính trị. Thầy giáo và học viên là những chủ thể trực tiếp của quá trình dạy học, vì thế phát huy tính chủ động, tính tích cực hoạt động nhận thức của người học sẽ do chính những chủ thể này quyết định. Muốn vậy, trong giờ học, người thầy không được làm thay người học, mà phải đóng vai trò là người tổ chức quá trình học tập của người học, hướng dẫn người học tự tiếp nhận kiến thức mới. Còn người học phải chuyển từ vai trò thụ động sang chủ động tham gia tích cực và sáng tạo vào quá trình học tập tránh tình trạng ngồi chờ và ghi chép một cách máy móc. Muốn vậy, cần phải tăng cường hơn nữa việc tổ chức cho người học thảo luận và làm việc theo nhóm. Thông qua thảo luận, học viên có điều kiện trực tiếp trao đổi, đưa ra những chính kiến của mình cả về lý luận và thực tiễn; cả những vấn đề đúng và chưa đúng… Giảng viên kiểm nghiệm được học viên đã nắm được bài giảng đến mức độ nào; phương pháp giảng dạy của giảng viên đã đạt được hiệu quả hay không? Kiến thức của giảng viên còn có chỗ nào chưa thật vững để tự mình điều chỉnh, bổ sung. Thực hiện tốt việc thảo luận buộc học viên phải đọc tài liệu, nghiên cứu, chuẩn bị, từ đó sẽ tạo nên động lực và hứng thú của người học, giúp cho họ nắm vững được lý luận vận dụng vào thực tiễn được tốt và có hiệu quả.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=nang-cao-tinh-chu-dong-tich-cuc-cua-nguoi-hoc-trong-dao-tao-ly-luan-chinh-tri-hanh-chinh
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com