Chủ nhật, 30.09.2018 GMT+7

VAI TRÒ CỦA KHU VỰC KINH TẾ TƯ NHÂN TRONG PHÁT TRIỂN NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở NƯỚC TA

Hơn 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đạt mức độ tăng trưởng cao và ổn định. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh đã giúp Việt Nam thoát ra khỏi nhóm quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp, để gia nhập nhóm quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình thấp. Với kết quả đạt được này, sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) là đáng kể. Vai trò của thành phần kinh tế này ngày càng trở nên quan trọng hơn, nhất là trong bối cảnh nước ta hội nhập kinh tế khu vực và nền kinh tế thế giới.

Kinh tế tư nhân là thành phần kinh tế dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể và các loại hình doanh nghiệp của tư nhân. KTTN là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, trong đó các chủ thể của nó được tiến hành sản xuất, kinh doanh một cách tự chủ vì lợi ích của bản thân cá nhân và thông qua đó thực hiện lợi ích xã hội. Đây là khu vực kinh tế rất nhạy cảm với những đặc trưng của kinh tế thị trường, có tiềm lực lớn trong việc nâng cao năng lực nội sinh của đất nước, tăng trưởng kinh tế. Bởi vậy, KTTN có vai trò rất quan trọng chi phối rất lớn đến công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Vai trò của khu vực KTTN được thể hiện ở những điểm sau:

Một là, khu vực KTTN có những đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế quốc dân.

Khu vực KTTN có tốc độ tăng trưởng hằng năm đều đặn và xấp xỉ với tốc độ tăng GDP của toàn bộ nền kinh tế. Trong cơ cấu tổng sản phẩm trong nước phân chia theo thành phần kinh tế, tốc độ đóng góp khu vực KTTN chiếm tỷ trọng cao so với các thành phần kinh tế khác.

Tổng sản phẩm trong nước và cơ cấu tổng sản phẩm trong nước phân theo thành phần kinh tế:

Năm

Tổng số

KTNN

KTTN

KT có vốn ĐTNN

Tỷ đồng


cấu
(%)

Tỷ đồng


cấu
(%)

Tỷ đồng


cấu
(%)

Tỷ
đồng


cấu
(%)

2011

2.461.442

100

806.425

29,01

1.219.625

43,87

435.392

15,66

2012

3.245.419

100

953.789

29,39

1.448.171

44,62

520.410

16,04

2013

3.584.262

100

1.039.725

29,01

1.559.741

43,52

622.421

17,36

2014

3.937.856

100

1.131.319

28,73

1.706.441

43,33

704.341

17,89

2015

4.192.862

100

1.202.850

28,69

1.812.152

43,22

757.550

18,07

2016

4.502.733

100

1.297.274

28,81

1.916.263

42,56

837.093

18,59

(Nguồn: Tổng cục thống kê)

Xét theo cơ cấu tổng sản phẩm trong nước, giai đoạn 2011-2016, KTTN chiếm tỷ trọng trung bình khoảng 43%, trong khi kinh tế nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng thấp hơn, lần lượt khoảng hơn 28% và 17%. Điều này cho thấy khu vực KTTN đã góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế của cả nước, tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và rút ngắn khoảng cách chênh lệch về trình độ kinh tế, văn hóa giữa các vùng, miền.

Hai là, khu vực KTTN góp phần tạo nguồn vốn cho phát triển kinh tế.

Với đặc tính là quy mô vừa và nhỏ nên các doanh nghiệp thuộc KTTN có thể dễ dàng huy động được những đồng vốn dư thừa trong dân cư vào các hoạt động kinh tế. Tính từ năm 2000, kể từ khi có Luật doanh nghiệp sau các lần sửa đổi, bổ sung năm 2005, năm 2009 đặc biệt những sửa đổi căn bản trong Luật Doanh nghiệp (2014), Luật Đầu tư (2014) đã tạo điều kiện thu hút KTTN đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Cùng với sự tăng lên về số lượng doanh nghiệp và vốn đăng ký đầu tư đã làm tăng về tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Giai đoạn 2011 - 2016, tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực KTTN trong tổng số vốn đầu tư của toàn xã hội trung bình đạt 38,4%. Cùng với việc tạo nguồn vốn đầu tư cho phát triển nền kinh tế thì khu vực KTTN còn góp phần sử dụng tối ưu các nguồn lực của địa phương; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Ba là, khu vực KTTN phát triển góp phần tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đối với các nước đang phát triển như nước ta, một trong những đặc điểm chung và lớn nhất là có số lượng lao động đông, số lao động thiếu việc làm nhiều. Do đó, vấn đề giải quyết việc làm và các vấn đề xã hội do thiếu việc làm gây ra có tầm quan trọng hàng đầu để tăng trưởng kinh tế.

Khu vực KTTN với ưu thế là phát triển rộng khắp các vùng miền và hoạt động đa dạng ở hầu hết các ngành nghề, có thể thu hút một lực lượng lao động đông đảo và đa dạng, do đó KTTN có vai trò to lớn trong tạo việc làm và đảm bảo đời sống cho người lao động. Trong giai đoạn 2011-2016, KTTN luôn chiếm ưu thế vượt trội về lao động, số lượng lao động đang làm việc khu vực KTTN theo xu hướng tăng. Năm 2017, với gần 600 nghìn doanh nghiệp, KTTN đã thu hút khoảng 60% tổng lực lượng lao động trong các doanh nghiệp và giải quyết khoảng 1,2 triệu việc làm mỗi năm góp phần không nhỏ trong công tác an sinh xã hội, giảm tỷ lệ thất nghiệp cho nền kinh tế.

Sự phát triển của KTTN góp phần hình thành cơ cấu lao động hợp lý giữa các vùng, các ngành theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước cũng như hội nhập kinh tế quốc tế.

Bốn là, khu vực KTTN góp phần thúc đẩy đất nước hội nhập kinh tế quốc tế.

Hội nhập kinh tế quốc tế là xu hướng tất yếu đối với Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quá trình hội nhập thông qua khu vực KTTN là KTTN liên doanh, liên kết với nước ngoài. Cũng thông qua quá trình đó, KTTN với những đặc tính của mình là chủ động đổi mới và lựa chọn công nghệ thích hợp để giảm chi phí sản xuất, mở rộng thị trường, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó, KTTN góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, kinh nghiệm quản lý, thúc đẩy thương mại phát triển và hội nhập nhanh vào nền kinh tế thế giới.

Mặc dù đã khẳng định được vai trò quan trọng trong nền kinh tế, song khu vực KTTN đã bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây (Giai đoạn 2003-2010 là 11,93%/năm, thì giai đoạn 2011-2016 chỉ còn 7,6%/năm). Các loại hình KTTN chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, cá thể và doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh còn thấp; khả năng tham gia chuỗi giá trị trong nước và quốc tế còn thấp.

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, xây dựng khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thành phần KTTN phát triển. Nhận thức về KTTN đã có sự chuyển biến, vai trò của KTTN trong phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được coi trọng.

Tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, KTTN tiếp tục được Đảng ưu tiên phát triển với mục tiêu đưa KTTN "thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN". Có thể nói, đây là một bước tiến mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho khu vực KTTN và toàn bộ nền kinh tế. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII là sự khơi nguồn cho các lực lượng KTTN trước đây bị kìm hãm hoặc bị hạn chế được phát triển mạnh mẽ, góp phần hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=vai-tro-cua-khu-vuc-kinh-te-tu-nhan-trong-phat-trien-nen-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia-o-nuoc-ta
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com