| ||
MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG ĐI THỰC TẾ CỦA GIẢNG VIÊN KHOA DÂN VẬN | ||
Có thể khẳng định, thực tiễn đóng vai trò là cơ sở, động lực, mục đích của nhận thức, lý luận và là tiêu chuẩn kiểm tra sự đúng sai của nhận thức, lý luận. Việc nghiên cứu lý luận phải liên hệ với thực tiễn, học đi đôi với hành. Nếu xa rời thực tiễn sẽ dẫn đến sai lầm và đó là nguyên nhân của bệnh chủ quan, duy ý trí, giáo điều, máy móc, quan liêu. Ngược lại, nếu tuyệt đối hóa vai trò của thực tiễn sẽ rơi vào chủ nghĩa thực dụng và kinh nghiệm chủ nghĩa. Như vậy, nguyên tắc thống nhất giữa thực tiễn và lý luận phải là nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thực tiễn và hoạt động lý luận; lý luận mà không có thực tiễn làm cơ sở và tiêu chuẩn để xác định tính chân lý của nó thì chỉ là lý luận suông. Ngược lại, thực tiễn mà không có lý luận khoa học, cách mạng soi sáng thì nhất định sẽ biến thành thực tiễn mù quáng. Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, thời gian qua, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ rất quan tâm đến công tác tổ chức đi nghiên cứu thực tế, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng trong hoạt động chuyên môn của đội ngũ giảng viên nhà trường. Ngay từ đầu năm, nhà trường yêu cầu các khoa, phòng và các tổ chức đoàn thể trong trường xây dựng kế hoạch nghiên cứu thực tế gắn với thực hiện các đề tài khoa học, trình Ban Giám hiệu phê duyệt; bên cạnh đó, nhà trường cũng tổ chức đi nghiên cứu trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với các trường chính trị tỉnh bạn. Kết quả đạt được đã đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên cả về lý luận và thực tiễn; qua mỗi năm, hoạt động nghiên cứu thực tế của trường có những bước tiến bộ tích cực. Khoa Dân vận là một trong bốn khoa chuyên môn của nhà trường, được phân công giảng dạy 03 môn trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, đó là: Một số kỹ năng cơ bản trong lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở; Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân ở cơ sở và Tình hình, nhiệm vụ địa phương tỉnh Phú Thọ.Đội ngũ giảng viên của nhà trường nói chung và khoa Dân vận nói riêng luôn ý thức được vai trò quan trọng của thực tiễn đối với hoạt động giảng dạy; một bài giảng có tính thuyết phục, thu hút học viên thì cần phải liên hệ những vấn đề diễn ra trong thực tế cuộc sống; nêu lên thực trạng có liên quan đến nội dung bài giảng, rút ra những ưu điểm, khuyết điểm và đề ra các giải pháp để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả, dùng lý luận để giải quyết thực tiễn. Như vậy, vai trò của nghiên cứu thực tế không chỉ để tích lũy kiến thức thực tiễn, nâng cao trình độ cho giảng viên mà còn góp phần tìm ra những hình thức, phương pháp để truyền đạt kiến thức đến người học một cách hiệu quả nhất. Thực tiễn ở cơ sở sẽ cung cấp cho giảng viên những tư liệu “sống”, từ đó giúp cho giảng viên tự tin hơn khi đứng trên bục giảng và vận dụng linh hoạt vào bài giảng của mình; qua đó,tạo được niềm tin và sự hưng phấn cho người học, tạo không khí buổi lên lớp sinh động và hấp dẫn hơn. Giảng viên khoa Dân vận, khi giảng dạy môn “Một số kỹ năng cơ bản trong lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở” mà chỉ trình bày những kiến thức cơ bản trong giáo trình sẽ không hấp dẫn, học viên dễ nhàm chán, vì vậy, cần phải đưa ra được những tình huống thực tế ở cơ sở và kỹ năng xử lý tình huống như thế nào, từ đó học viên sẽ đánh giá, nhận xét các kỹ năng cơ bản của cán bộ lãnh đạo, quản lý được nêu trong tình huống và tự rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân trong quá trình công tác. Hơn nữa, đi thực tế cơ sở là điều kiện để giảng viên giao lưu, trao đổi, chia sẻ với học viên, cán bộ, công chức và quần chúng nhân dân địa phương; là cơ hội để giảng viên nắm bắt tình hình thực tiễn phong phú, sinh động đang diễn ra, kiểm chứng kiến thức lý luận đã giảng dạy, hiểu sâu hơn về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước; là môi trường tốt thể hiện khả năng tuyên truyền, vận động thuyết phục quần chúng của người cán bộ làm công tác dân vận, nâng cao vị thế, uy tín của người giảng viên trường chính trị. Ngoài kế hoạch nghiên cứu thực tế chung của nhà trường, lãnh đạo khoa Dân vận và các giảng viên đã có sự chuẩn bị chu đáo, xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động đi thực tế năm 2018, xác định cụ thể mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian, địa điểm nghiên cứu gắn với chuyên môn giảng dạy của khoa. Để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động đi thực tế, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau: Một là, tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức cho đội ngũ giảng viên của khoa về ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động đi nghiên cứu thực tế đối với nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Các giảng viên nhận thấy được hoạt động giảng dạy và hoạt động nghiên cứu thực tế là hai nhiệm vụ có mối quan hệ chặt chẽ và tác động qua lại với nhau. Từ đó, mỗi giảng viên phải tự giác, tích cực tham gia tốt hoạt động đi thực tế; xem đây là một trong những công việc quan trọng trong công tác chuyên môn, phải được dành quỹ thời gian hợp lý, thực hiện một cách chủ động, thường xuyên, liên tục, chứ không thể làm qua loa, chiếu lệ cho xong. Hai là, khi xây dựng kế hoạch nghiên cứu thực tế của khoa, cần đảm bảo tính khoa học và tính khả thi; đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng liên quan đến chất lượng nội dung nghiên cứu thực tế. Kế hoạch nghiên cứu thực tế phải cụ thể, phù hợp với nội dung chuyên môn của khoa và năng lực của từng giảng viên; tránh đưa ra những vấn đề nghiên cứu chung chung hoặc quá rộng. Kế hoạch nghiên cứu thực tế cần gửi trước để địa phương có cơ sở chuẩn bị nội dung báo cáo. Ba là, cần đa dạng hóa các phương pháp tiếp cận thực tế,từ thu thập thông tin qua các báo cáo, trao đổi trực tiếp với địa phương đến tổ chức đi tham quan các mô hình tiêu biểu như: mô hình dân vận khéo; các mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao của nông dân, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh ở các địa phương hoặc thăm các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là những kiến thức thực tiễn vô cùng sinh động để giảng viên có thể đưa vào trong bài giảng của mình. Bốn là, trong quá trình đi nghiên cứu thực tế, giảng viên cần phát huy tinh thần trách nhiệm; lắng nghe, ghi chép cẩn thận và trao đổi trực tiếp với cán bộ địa phương, nỗ lực, tìm tòi, phát hiện những vấn đề có tính thời sự, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình và của nhà trường để xây dựng các ý tưởng khảo sát và viết báo cáo thu hoạch; vận dụng những kiến thức thực tiễn thu thập được để phân tích, minh họa, làm rõ các vấn đề lý luận cho từng chuyên đề lên lớp, từ đó góp phần nâng cao chất lượng bài giảng. Năm là, cần phải đa dạng hoá hoạt động nghiên cứu thực tế. Ngoài việc các khoa, phòng đi đến địa phương để nghiên cứu trực tiếp thì Ban Giám hiệu nhà trường có thể đề xuất với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên của khoa được tham gia các hội nghị, hội thảo (trong phạm vi cho phép) của các sở, ban, ngành và đặc biệt các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh để cung cấp thêm thông tin, số liệu thực tiễn. Trong những năm gần đây, đối tượng học viên của nhà trường không chỉ ở các địa phương, cơ sở mà còn mở rộng sang các sở, ban, ngành mà kiến thức thực tiễn ở đây thì giảng viên cũng còn thiếu. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, góp phần xây dựng đội ngũ giảng viên của khoa dân vận vững vàng về lý luận, phong phú về kiến thức thực tiễn, thông thạo về kỹ năng, có thêm bề dày kinh nghiệm đảm bảo cho công tác giảng dạy lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu lý luận gắn liền với thực tiễn; nâng cao chất lượng giảng dạy, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của khoa dân vận nói riêng và Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ nói chung. | ||
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=mot-so-giai-phap-chu-yeu-nang-cao-chat-luong-hoat-dong-di-thuc-te-cua-giang-vien-khoa-dan-van | ||
|