Chủ nhật, 30.09.2018 GMT+7

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ THU HÚT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Trong thời đại ngày nay, xu thế hội nhập và toàn cầu hoá đang tạo ra những cơ hội cho các nước có nền kinh tế đang phát triển hội nhập vào nền kinh tế thế giới, trên cơ sở đó đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và đổi mới công nghệ. Do đó, vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài là mục tiêu được nhiều nhà nước trên thế giới quan tâm nhằm hỗ trợ và phát huy lợi thế của mỗi quốc gia trong công cuộc phát triển kinh tế đất nước.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt từ khi Luật Đầu tư ban hành đến nay (nay là Luật Đầu tư 2014) đã mở rộng quyền tự chủ trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư bằng việc xóa bỏ một loạt các thủ tục, rào cản đầu tư không phù hợp với thông lệ kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư, nên đã đạt được những kết quả rất ấn tượng với kỷ lục về số lượng và chuyển biến về chất lượng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Năm 2015, có 2.013 dự án FDI được cấp mới và 814 dự án được đăng ký tăng vốn, với tổng vốn đăng ký đạt 22,757 tỷ USD; Vốn FDI giải ngân đạt 14,5 tỷ USD. Năm 2016, với việc hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực nguồn vốn đầu tư FDI bắt đầu tăng lên; Tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần trong năm 2016 đạt hơn 24,3 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm 2015. Năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ 2016 và tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Cùng với đó, vốn FDI giải ngân đạt 17,5 tỷ USD, tăng cao nhất từ trước đến nay (Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch & Đầu tư).Như vậy, trong thời gian gần đây, dòng vốn FDI vào Việt Nam có xu hướng tăng, thu hút nhiều quốc gia đầu tư vào Việt Nam, các lĩnh vực ngành nghề đầu tư mở rộng. Tính đến ngày 20/12/2017, đã có 125 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 57,66 tỷ USD (chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư). Nhật Bản đứng thứ hai với 49,46 tỷ USD (chiếm 15,5% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan, Britishvirgin Island, Hồng Kông. Các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 186,1 tỷ USD, chiếm 58,4% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 53,1 tỷ USD (chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư), sản xuất, phân phối điện, khí nước với 20,8 tỷ USD (chiếm 6,5% tổng vốn đầu tư). Đầu tư nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với 44 tỷ USD (chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư), tiếp theo là Bình Dương với 30,18 tỷ USD (chiếm 9,5% tổng vốn đầu tư), Đồng Nai với 27,34 tỷ USD (chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư), Hà Nội với 27,28 tỷ USD (chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư). Dự báo, trong thời gian tới, với việc các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương của Việt Nam được ký kết và thực hiện, Việt Nam sẽ ngày càng thu hút được nhiều vốn FDI.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực của Việt Nam, các nhà đầu tư vẫn chỉ tập trung vào một số ngành nghề và chủ yếu tại một số địa phương nhất định, do đó những địa phương thu hút được nhiều vốn FDI thì có trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao hơn, làm nảy sinh tình trạng phát triển không đều giữa các vùng, địa phương. Điều đó xuất phát từ những nguyên nhân sau: môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn tồn tại nhiều rào cản với các nhà đầu tư nước ngoài như vấn đề khung pháp lý và các điều kiện kinh doanh còn chưa nhất quán, thiếu tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, chi phí hoạt động kinh doanh cao và nhất là khâu thực thi kém; cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ; giải phóng mặt bằng còn chậm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Một số văn bản pháp luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chưa phù hợp với tinh thần cải cách của Luật Đầu tư, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường... còn chồng chéo về mục tiêu, nội dung quản lý. Pháp luật về khuyến khích đầu tư đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư phát triển tại Việt Nam; song, vẫn còn tồn tại cơ chế “xin -cho”khi nhà đầu tư nước ngoài muốn hưởng ưu đãi đầu tư, đặc biệt đối với những dự án lớn. Việc quy định về thủ tục đăng ký, thẩm tra đầu tư không rõ ràng, cụ thể như: muốn triển khai một dự án đầu tư, tùy theo tính chất, quy mô nhà đầu tư phải làm thủ tục đăng ký hoặc thẩm tra đầu tư để được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong đó, nhà đầu tư phải giải trình hàng loạt vấn đề như về sử dụng đất đai; xây dựng; xử lý môi trường… sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư vẫn phải lặp lại những thủ tục nói trên tại các cơ quan khác theo quy định của các luật chuyên ngành. Như vậy, rõ ràng thủ tục đăng ký, thẩm tra là thừa và chồng chéo...

Vì vậy, để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hiệu quả, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện những giải pháp đồng bộ như hoàn thiện môi trường pháp luật quốc gia theo hướng phù hợp với thông lệ và tập quán quốc tế, tiếp tục cải thiện tiến tới xóa bỏ hoàn toàn chế độ phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, nhất là giữa khu kinh tế quốc doanh và ngoài quốc doanh. Hoàn thiện các chính sách về tiền lương, bảo hiểm, nhà ở và một số chính sách xã hội khác, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo lợi ích chính đáng, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân, lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI.

Khẩn trương xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia phát triển các công trình kết cấu hạ tầng trong đó có các công trình giao thông, cảng biển, các nhà máy điện độc lập.

Tăng cường và đổi mới công tác vận động xúc tiến đầu tư chú trọng các đối tác chiến lược. Cùng với việc tổ chức các cuộc hội thảo giới thiệu về môi trường đầu tư chung tại các địa bàn và đối tác đã được nghiên cứu cần tăng cường vận động trực tiếp các tập đoàn lớn đầu tư vào các dự án cụ thể. Bên cạnh đó, tổ chức các cuộc hội thảo chuyên ngành, hoặc lĩnh vực tại các địa bàn có thế mạnh với sự tham gia của các cơ quan chuyên ngành.

Xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số luật về đầu tư, kinh doanh nhằm khắc phục những điểm còn chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành cần được đẩy nhanh để tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp cũng như hỗ trợ việc triển khai hai Luật trên đạt mục tiêu và hiệu quả.

Cần có chính sách ưu tiên, đặc thù cho một số địa phương phù hợp thực tế để dần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền trong thu hút FDI phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nói riêng và cả nước nói chung.

 

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=mot-so-van-de-ve-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-vao-viet-nam-trong-giai-doan-hien-nay
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com