Chủ nhật, 30.09.2018 GMT+7

TIẾP TỤC HOÀN THIỆN CƠ SỞ CHÍNH TRỊ - PHÁP LÝ, TẠO TIỀN ĐỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CÁC TRƯỜNG CHÍNH TRỊ CẤP TỈNH

Ngay từ những ngày đầu thành lập và đi vào hoạt động, các trường Đảng cấp tỉnh (nay là trường chính trị cấp tỉnh) luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt của Đảng và Nhà nước. Các văn bản của cấp uỷ, chính quyền từ Trung ương đến địa phương về tổ chức và hoạt động của trường chính trị cấp tỉnh thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Cơ sở vật chất được tăng cường, đội ngũ cán bộ, giảng viên các trường chính trị cấp tỉnh được xây dựng đủ về số lượng với chất lượng ngày càng nâng cao. Vai trò của các trường chính trị trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị - hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức địa phương được khẳng định rõ nét.

Trước yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, ngày 03/9/2008, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Quyết định số 184-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Để triển khai thực hiện Quyết định 184, Chính phủ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các cơ quan trung ương có liên quan và cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành nhiều văn bản theo thẩm quyền để hướng dẫn cụ thể về tổ chức và hoạt động của trường chính trị cấp tỉnh. Trên cơ sở các văn bản này, hệ thống các cấp độ và đối tượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị - hành chính được xác định khá cụ thể, tổ chức bộ máy và quy trình thực hiện từng nghiệp vụ chuyên môn được định hình, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với các trường chính trị được thực hiện có hiệu quả, chất lượng hoạt động của các trường chính trị không ngừng được nâng lên. Tuy nhiên, trải qua 10 năm thực hiện Quyết định 184, bên cạnh các kết quả rất tích cực đã đạt được, Quyết định 184 và hệ thống các văn bản là cơ sở chính trị - pháp lý về tổ chức và hoạt động của các trường chính trị cấp tỉnh đã bộc lộ một số hạn chế:

          Một là: Về vị trí, vai trò, chức năng của trường chính trị cấp tỉnh được xác định còn khá đơn giản, chưa đúng tầm. Biểu hiện cụ thể là trong thực tế, các trường chính trị cấp tỉnh chủ yếu được xác định là cơ sở đào tạo chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính và phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị địa phương thực hiện giảng dạy phần kiến thức lý luận trong một số chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Vai trò của trường chính trị cấp tỉnh trong việc thực hiện các chương trình khác về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức khá thụ động và mờ nhạt. Công tác nghiên cứu khoa học của các trường chính trị chủ yếu thực hiện để phục vụ nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị - hành chính của nhà trường. Rất ít trường chính trị cấp tỉnh tham gia nghiên cứu khoa học để tư vấn, phản biện chính sách, tổng kết thực tiễn công tác lãnh đạo, quản lý trên các lĩnh vực ở địa phương. Bên cạnh đó, hệ thống các cơ sở có chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được tổ chức chưa hợp lý, có nhiều công việc vừa được quy định là nhiệm vụ của trường chính trị cấp tỉnh, vừa được quy định là nhiệm vụ của cơ sở đào tạo của trung ương, việc phân định nhiệm vụ của cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức của Đảng bộ và chính quyền địa phương với nhiệm vụ của trường chính trị chưa hợp lý... Điều đã ảnh hưởng không nhỏ đến tổ chức, hoạt động của các trường chính trị cấp tỉnh.

          Hai là: Tổ chức, hoạt động của các trường chính trị chưa thống nhất. Quyết định 184 xác định cơ cấu tổ chức của trường chính trị gồm 04 khoa và 03 phòng: Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (bao gồm: Triết học, Kinh tế chính trị học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh); Khoa Xây dựng Đảng (bao gồm: Xây dựng Đảng, Lịch sử Đảng, Đường lối cách mạng Việt Nam). Khoa Dân vận (bao gồm: Dân vận, Kỹ năng, nghiệp vụ lãnh đạo và quản lý); Khoa Nhà nước và pháp luật. Phòng Đào tạo; Phòng Nghiên cứu khoa học - Thông tin - Tư liệu; Phòng Tổ chức - Hành chính - Quản trị. Tuy nhiên, trong thực tế cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ cụ thể của mỗi khoa, phòng ở các trường chính trị cấp tỉnh thực hiện chưa thống nhất. Chưa có mô hình trường chính trị chuẩn, năng lực đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị chưa cụ thể, rõ ràng. 

          Ba là: Cơ chế, chính sách để xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên của các trường chính trị cấp tỉnh còn chưa hiệu quả. Trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển của các trường chính trị cấp tỉnh, mặc dù luôn nhận thức được tầm quan trọng và quan tâm đầu tư cho công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ giảng viên nhưng có một thực tế là trình độ, năng lực của đội ngũ giảng viên các trường chính trị chủ yếu được nâng lên về trình độ lý luận. Họ được cử tham gia nhiều khóa học với nhiều loại hình đào tạo, bồi dưỡng khác nhau và được cấp nhiều bằng cấp, chứng chỉ... Nhưng do chưa có cơ chế hiệu quả nên giảng viên của các trường chính trị ít có cơ hội thâm nhập sâu vào thực tiễn lãnh đạo, quản lý ở địa phương. Do vậy, khi thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học thường bị đánh giá là “thiếu thực tiễn”. Cộng với chế độ đãi ngộ chưa hấp dẫn nên việc trở thành giảng viên của các trường chính trị hoặc tham gia giảng dạy tại các trường chính trị chưa phải là điều hấp dẫn đối với những cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực cao.

           Bốn là: Việc quan tâm xây dựng tính chuyên nghiệp, sự mô phạm trong quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, giảng viên, người lao động tại các trường chính trị còn chưa hiệu quả. Điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện các mối quan hệ giữa các đơn vị khoa, phòng, mối quan hệ giữa học viên với cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường...

          Để khắc phục những hạn chế nêu trên, thiết nghĩ trong thời gian tới các cơ quan có thẩm quyền cần tích cực hơn nữa trong việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản là cơ sở chính trị - pháp lý cho tổ chức và hoạt động của các trường chính trị cấp tỉnh theo hướng:

          Thứ nhất: Cần xác định trường chính trị cấp tỉnh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy, là cơ quan trực thuộc, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương. Trong các văn bản quy định về vị trí, chức năng của trường chính trị cấp tỉnh từ trước đến nay thường chỉ xác định trường chính trị là đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy, chịu sự lãnh đạo, quản lý của tỉnh ủy, thành ủy, ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Do vậy, trong tư duy thông thường, chức năng và phạm vi hoạt động của các trường chính trị cấp tỉnh chỉ nên tập trung vào nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy về lý luận chính trị. Các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức khác do các cơ quan khác đảm nhiệm. Điều đó vô hình chung đã bó hẹp phạm vi hoạt động, không phát huy hết năng lực của trường chính trị và đồng thời tạo ra nhiều đầu mối thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở địa phương. Trong thực tế không ít các khóa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đã được tổ chức không đảm bảo về cơ sở vật chất và môi trường sư phạm. Do vậy, việc xác định vị trí của trường chính trị vừa là đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy, vừa là cơ quan trực thuộc, giúp ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương sẽ là cơ sở để mở rộng chức năng, phạm vi hoạt động của trường chính trị, vừa tạo cơ hội để sắp xếp lại hệ thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương theo tinh thần Nghị quyết số: 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

          Thứ hai: Với vị trí là đầu mối tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì tổ chức, hoạt động, cơ chế vận hành các mối quan hệ giữa trường chính trị với tỉnh ủy, thành ủy, uỷ ban nhân dân, các sở ngành cấp tỉnh, huyện ủy, ủy ban nhân dân cấp huyện, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện cũng sẽ có nhiều thay đổi. Do vậy, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ quan trung ương cần tích cực rà soát, sửa đổi các quy định, quy chế hiện hành đảm bảo tính thống nhất và phù hợp hơn với yêu cầu phát triển mới của các trường chính trị. Trước mắt, cần khẩn trương xây dựng, ban hành quy định về trường chính trị chuẩn, các quy định cụ thể về mối quan hệ giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với trường chính trị, giữa trường chính trị với trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Bổ sung, hoàn thiện các quy định theo “lát cắt dọc” việc thực hiện các chương trình như: bồi dưỡng sơ cấp lý luận chính trị; đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính; đào tạo cao cấp lý luận chính trị - hành chính; các chương trình bồi dưỡng theo chức danh thực hiện ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các chương trình bồi dưỡng theo chức danh thực hiện tại các trường chính trị cấp tỉnh... sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất giữa các bộ quy chế, quy định về thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

          Thứ ba: Các tỉnh ủy, thành ủy một mặt cần có các quy định cụ thể, rõ ràng đảm bảo cho trường chính trị là đầu mối tập trung tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức dứt khoát phải được dạy và học trong môi trường sư phạm của nhà trường. Mặt khác, các tỉnh ủy, thành ủy cũng cần quan tâm tạo cho các trường chính trị một số cơ chế đặc biệt. Đó là các cơ chế về chế độ đãi ngộ, cơ chế về luân chuyển cán bộ để giảng viên trường chính trị được đi thực tế định kỳ theo quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Các tỉnh, thành ủy cũng cần có những quy định cụ thể để các trường chính trị tham gia tư vấn, phản biện chính sách và tổng kết thực tiễn lãnh đạo, quản lý ở địa phương.

          Thứ tư: Các trường chính trị cấp tỉnh cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tham mưu với tỉnh ủy, thành ủy, ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan trung ương trong việc ban hành các văn bản, hoàn thiện cơ sở chính trị - pháp lý cho tổ chức và hoạt động của trường chính trị. Trên cơ sở các văn bản của cấp trên, các trường chính trị cũng cần khẩn trương ban hành các quy chế, quy định nội bộ cụ thể về tổ chức và hoạt động của nhà trường trên từng mặt công tác để đảm bảo cho các quy định về tổ chức, hoạt động của trường chính trị được nhận thức đúng đắn và thực hiện một cách thống nhất.

          Thể chế là công cụ giữ vai trò định hình cho hiện tại, định hướng cho tương lai. Trước yêu cầu thực tế của đời sống xã hội và định hướng đổi mới hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay, các trường chính trị cấp tỉnh đang đứng trước những yêu cầu phải đổi mới để phát triển. Sự đổi mới đó phải được bắt đầu từ sự thay đổi trong các quy định tạo cơ sở chính trị - pháp lý về tổ chức, hoạt động của các trường chính trị cấp tỉnh. Thay đổi để khắc phục những hạn chế, bất cập đã bộc lộ, thay đổi để thực hiện những nhận thức mới, định hướng mới cho giai đoạn mới của nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương.     

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=tiep-tuc-hoan-thien-co-so-chinh-tri-phap-ly-tao-tien-de-nang-cao-chat-luong-hoat-dong-cac-truong-chinh-tri-cap-tinh
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com