Chủ nhật, 30.09.2018 GMT+7

VẬN DỤNG VÀ HỌC TẬP PHONG CÁCH NÊU GƯƠNG CỦA HỒ CHÍ MINH TRONG HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA KHOA LÝ LUẬN MÁC-LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam đã để lại một kho tàng vô giá về tư tưởng, đạo đức, phong cách sống và làm việc của Người. Một trong những giá trị mà mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo cần nghiêm túc học tập và làm theo đó là phong cách nêu gương.

Người xác định, nội dung nêu gương của cán bộ, đảng viên phải được thể hiện trên cả ba mối quan hệ: Đối với mình không được tự cao tự đại, tự mãn. Đối với người phải yêu thương, khoan dung, độ lượng; phải luôn có thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết. Đối với việc phải tận tâm, tận lực, có trách nhiệm, gương mẫu phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học. Theo Người, quy trình nghiên cứu khoa học là đề xuất ý tưởng, xâu chuỗi chúng thành lý luận, thực hiện lý luận và giải quyết tốt mối quan hệ giữa các nội dung này. Bởi ý tưởng khoa học đúng, chân chính là nguồn gốc của thắng lợi.

Theo Người, nghiên cứu khoa học phải đi sâu, đi sát, có điều tra, khảo sát thực tiễn. Trước khi quyết định bất cứ công việc gì, bao giờ Người cũng tìm hiểu, thu thập thông tin đầy đủ, có cơ sở lý luận và thực tiễn, đề ra các phương án thực thi hiệu quả, không chủ quan duy ý chí. Trên cương vị là lãnh đạo cao nhất của Đảng, Người cho rằng, “Đảng có hiểu rõ tình hình thì đặt chính sách mới đúng. Mà muốn Đảng hiểu rõ thì cán bộ, đảng viên phải điều tra và báo cáo rõ ràng tình hình từng xã, từng huyện, từng tỉnh, từng khu. Nếu không biết rõ tình hình mà đặt chính sách thì kết quả là “nồi vuông úp vung tròn” “không ăn khớp gì hết”

Người yêu cầu, cán bộ, đảng viên phải tập cho mình thói quen làm việc dựa trên điều kiện tôn trọng thực tế, không bóp méo sự thật. Làm việc với tầm nhìn xa, trông rộng, trên cơ sở thực tiễn có những dự báo khoa học về tình hình có liên quan, tránh bị động, bất ngờ, sa vào những công việc mang tính sự vụ thiển cận. Người nói: “Khi ra quyết định công tác phải căn cứ vào tình hình thực tế về mọi mặt”. Người phê phán gay gắt những cán bộ mắc những bệnh như: quan liêu, hình thức, ngồi trong bàn giấy nghe báo cáo rồi ra quyết định; không đi sâu sát thực tế, xem tận nơi, tận chỗ,... hay “bệnh cận thị”, không thấy xa trông rộng; những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chú những việc tỉ mỉ, v.v. Những người như vậy, chỉ trông thấy sự lợi hại nhỏ nhen, mà không thấy sự lợi hại to lớn.

Cùng với việc điều tra nghiên cứu, nắm được cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề, Hồ Chí Minh còn cho rằng, mọi quyết định đều phải dựa trên kết quả của quá trình phân tích, so sánh, đối chiếu, thấy được những mặt mạnh, mặt yếu, mặt được, mặt mất, những thuận lợi và khó khăn để đưa ra quyết định đúng đắn, phù hợp.

Để có thể đi sâu đi sát, điều tra nghiên cứu, Hồ Chí Minh đã giành nhiều thời gian đi xuống các địa phương, cơ sở, gần gũi với Nhân dân, hòa mình vào đời sống của đồng bào, đồng chí để xem xét kỹ tình hình. Người suốt đời tâm niệm mình là công bộc của nhân dân, lo trước thiên hạ, vui sau thiện hạ. Người lắng nghe ý kiến của đảng viên và nhân dân. Trong quá trình lãnh đạo, Người luôn mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ ý kiến, trình bày sáng kiến của mình. Bằng sự tỉnh táo, khách quan, Người sàng lọc những thông tin sai lệch, thiếu chính xác, lựa chọn thông tin khoa học để tìm hiểu, nghiên cứu, thực hiện.

Trong những năm qua, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là phong cách nêu gương, lãnh đạo, giảng viên khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn vận dụng linh hoạt, hiệu quả trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Số lượng dề tài khoa học hằng năm đều đạt 1 - 2 đề tài.

Trong nhiều năm liền lãnh đạo khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đều được cử tham gia trong nhóm đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh và đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đề tài nhiều năm liền xếp loại xuất sắc. Từ năm 2010 đến nay tất cả các giảng viên khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đều tham gia nghiên cứu, viết đề tài khoa học cấp cơ sở với những đề tài có tính ứng dụng cao như: Nghiên cứu, đề xuất giải pháp góp phần tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển bền vững về xã hội ở thành phố Việt Trì; Nghiên cứu, đề xuất giải pháp góp phần xóa đói, giảm nghèo ở huyện Tân Sơn; Nghiên cứu, đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở huyện Tam Nông, Nghiên cứu, đề xuất giải pháp thực hiện chính sách xã hội ở huyện Phù Ninh, vấn đề phát triển nông nghiệp bền vững ở huyện Đoan Hùng… Để hoàn thiện các đề tài đó, nhóm nghiên cứu khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thường tổ chức nhiều lượt giảng viên đến cơ sở nghiên cứu, tham quan những mô hình, dự án phát triển kinh tế ở địa phương để đề xuất kiến nghị, giải pháp giúp địa phương khắc phục hạn chế, phát triển kinh tế, xã hội.Trong nhiều năm liền, các đề tài khoa học của khoa đều được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao và đều xếp loại xuất sắc.

Ngoài việc giảng dạy và tham gia đề tài khoa học các giảng viên khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh còn thường xuyên nghiên cứu, trao đổi những nội dung thời sự trong nước, quốc tế, những nội dung liên quan đến hoạt động giảng dạy gắn liền với tỉnh Phú Thọ, với trường chính trị tỉnh… Các bài viết, trao đổi của các giảng viên thường xuyên được đánh giá cao và được nhà trường đề xuất đăng nội san hoặc trang website của trường. Hàng tháng giảng viên trong khoa thường có nhiều tin, bài đạt chuẩn và vượt chỉ tiêu đề ra, 100% các giảng viên đều có bài viết trong các số nội san của trường.

Để hoạt động nghiên cứu khoa học của khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và của cá nhân nói riêng tôi xin mạnh dạn đưa ra một vài giải pháp sau:

Thứ nhấtĐề nghị Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, ủng hộ hoạt động nghiên cứu của khoa cũng như của nhà trường.

Thứ hai, Ban chi ủy, lãnh đạo khoa tiếp tục chỉ đạo, định hướng cho giảng viên trong nghiên cứu khoa học.

Thứ ba, các giảng viên cần chủ động, tích cực học hỏi, nâng cao trình độ lý luận và thực tiễn của bản thân.

Thứ tư, cần sắp xếp thời gian khoa học, hợp lý, có nhiều thời gian cho hoạt động nghiên cứu khoa học.

Học tập phong cách nêu gương của Người là học tập trên nhiều phương diện trong đó có hoạt động nghiên cứu khoa học. Mỗi giảng viên khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cần nhận thức và vận dụng đúng, đủ phù hợp với bối cảnh và chuyên môn của khoa để hoạt động nghiên cứu khoa học phát huy hiệu quả. Học tập phong cách nêu gương trong hoạt động nghiên cứu khoa học đòi hỏi mỗi cán bộ, giảng viên khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cần nỗ lực học hỏi, nâng cao trình độ, bổ sung lý luận, tích cực nghiên cứu thực tiễn, gắn lý luận với thực tiễn để hoạt động nghiên cứu khoa học đạt được kết quả cao hơn nữa trong thời gian tới.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=van-dung-va-hoc-tap-phong-cach-neu-guong-cua-ho-chi-minh-trong-hoat-dong-nghien-cuu-khoa-hoc-cua-khoa-ly-luan-mac-lenin-tu-tuong-ho-chi-minh
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com