Chủ nhật, 30.09.2018 GMT+7

VẬN DỤNG PHONG CÁCH DIỄN ĐẠT CỦA HỒ CHÍ MINH TRONG GIẢNG DẠY, SOẠN THẢO VĂN BẢN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam, Người có vốn sống rất phong phú, vốn từ Việt, Pháp, Nga, Anh…; một con người nhạy cảm, tinh tế và khả năng ngôn ngữ phi thường. Ở Người, chúng ta thấy ngôn ngữ thật sự là “vỏ vật chất của tư duy”. Phong cách sống và làm việc của Người rất bình dân và giản dị. Cách nói, cách viết của Người cũng rất giản dị, dễ hiểu như chính bản thân Người.

Khi phát biểu hay khi viết, lúc nào Người cũng xác định nói hay viết với tư cách nào, lấy danh nghĩa nào? Viết cho ai? Đối tượng nào? Đó là phong cách của Người. Người nhấn mạnh khi viết cần xác định “viết cho ai xem”(1)không nên dùng “danh từ lạ”, “viết theo cách Tây”, “câu dài dằng dặc”. Theo Người, nếu xác định viết để quần chúng xem thì không được viết dài, cầu kỳ, phức tạp. Vì nếu viết dài, cầu kỳ phức tạp quần chúng không hiểu được. Đồng thời, cũng hết sức tránh cách viết khô khan, chung chung. Người dạy, “muốn tuyên truyền quần chúng” phải học cách nói của quần chúng mới lọt tai quần chúng(2). Vì cách nói của quần chúng rất đầy đủ, thiết thực, hoạt bát mà lại rất đơn giản. Theo Người “do chưa học được cách viết đó nên khi viết khô khan, cứng nhắc không hoạt bát, không thiết thực”(3). Vì vậy, phải “học ăn, học nói, học gói, học mở” như câu tục ngữ dân ta thường dạy. Người nhấn mạnh: “Nhiều tờ truyền đơn, nhiều bản Nghị quyết, nhiều khẩu hiệu của Đảng, mục đích và ý nghĩa rất đúng nhưng viết một cách cao xa, màu mè đến nỗi chẳng những quần chúng không hiểu mà cả cán bộ cũng không hiểu”(4). Yêu cầu của Người khi viết phải làm cho “dân chúng hiểu”, “đại chúng” hiểu. Vì nếu như không đạt được mục đích đó thì hàng vạn khẩu hiệu cũng vô ích. Ngoài ra, Người đặc biệt nhấn mạnh đến việc xác định nội dung khi viết. Người nói “nhiều anh em hay viết dài. Viết dòng này qua dòng khác, trang này qua trang khác nhưng không có ích cho người xem”. Theo Người “viết dài mà rỗng thì không tốt, viết ngắn mà rỗng cũng không hay”. Viết ngắn mà đầy đủ nội dung và súc tích mới khó. Để đạt được điều đó theo Người phải tự chống, chữa cho được căn bệnh “nói dài, viết dài”.

Trong quá trình viết của mình, Người còn đặt ra yêu cầu hết sức nghiêm ngặt và chặt chẽ đó là “không cẩu thả” mà phải “cẩn thận”. Chỉ có cẩn thận mới tránh được các sai sót và khuyết điểm. Người khuyên: “Rửa mặt phải kỳ sát vài ba lần mới sạch, viết văn, diễn thuyết cũng phải như vậy”(6). Muốn có bài viết hay, có những câu thực sự đắt “thì phải viết đi viết lại nhiều lần, viết xong phải đưa cho mọi người cùng đọc, cùng bình luận, góp ý cho mình và tham khảo sửa chữa. Người yêu cầu khi viết phải đảm bảo tính khách quan, chân thực, kịp thời. Khi viết báo cáo - một loại hình văn bản hành chính quan trọng, Người chỉ ra tác hại to lớn của việc “báo cáo lông bông” báo cáo không trung thực theo kiểu “thành công thì ít suýt ra thì nhiều, còn khuyết điểm thì dấu đi không nói đến thành thử cấp trên không biết rõ tình hình mà đặt chính sách cho đúng”(7).Hoặc báo cáo chậm trễ thành thử cấp trên nhận được báo cáo thì việc đã trễ rồi, đối phó không kịp”.

Trong báo cáo, hoặc soạn thảo văn bản yếu tố trung thực, kịp thời là rất quan trọng, nếu không phản ánh tính trung thực, kịp thời thì sẽ hết sức nguy hiểm, văn bản viết ra chẳng những không có giá trị mà còn nguy hại đến phương thức lãnh đạo của quá trình quản lý.

Không chỉ dừng lại ở việc yêu cầu viết chính xác, trung thực, viết cẩn thận, Người còn đặt ra nguyên tắc “phải điều tra trước khi viết”. Người khuyên “không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”(8). Trước khi tiến hành viết một văn bản nào đó nếu không có những thao tác chuẩn bị cho quá trình soạn thảo thì sẽ không đảm bảo sự phản ánh trung thực, khách quan nội dung sự việc. Nếu không xem xét điều tra trước khi viết sẽ dẫn đến tình trạng viết ẩu, viết bừa, văn bản không có tính khả thi trên thực tế. Do đó, Người khuyên “chưa điều tra, chưa nghiên cứu” chớ viết.

Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ là nơi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính… Đối tượng học viên của nhà trường là cán bộ lãnh đạo, quản lý nên việc học tập và làm theo phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất thiết thực đối với cán bộ, giảng viên, chuyên viên, nhân viên của nhà trường, đặc biệt là đối với đội ngũ giảng viên. Người giảng viên khi diễn đạt cần trung thực, nói đúng quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; nghiên cứu, sưu tầm, cập nhật những thông tin chính thống, không tuyên truyền những thông tin trái chiều, thổi phồng sự thật của các thế lực thù địch... Trong quá trình giảng dạy, tham mưu xây dựng văn bản cần sử dụng ngôn ngữ cho phù hợp với đối tượng, không trừu tượng hóa, phức tạp hoá vấn đề, nghiên cứu kỹ về đối tượng học viên, nắm bắt những đặc điểm cơ bản của địa phương để có ví dụ, minh hoạ phong phú tạo sức hấp dẫn, thú vị, cuốn hút học viên. Trong diễn đạt cần giản dị, nhưng không dễ dãi, cẩu thả, không nói cụt, học cách nói của quần chúng.

Cùng với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, hàng năm các đơn vị khoa, phòng, đoàn thể nhà trường đã tham mưu cho Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, Công đoàn… xử lý, phát hành trên 1.000 đầu văn bản đi, bao gồm: văn bản hành chính, văn bản Đảng, văn bản của các đoàn thể. Nhìn chung, chất lượng soạn thảo, tổng hợp văn bản của cán bộ, chuyên viên của các đơn vị, các đoàn thể trong trường đã nâng lên rõ rệt. Đã tham mưu giúp cho Đảng uỷ, Ban Giám hiệu nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý và điều hành cơ quan. Đồng thời, mỗi cán bộ, giảng viên, chuyên viên đã rèn luyện tính nghiêm túc, trách nhiệm, trung thực, khoa học với công việc chuyên môn được giao. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những sai sót, hạn chế, nhầm lẫn về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản Đảng, văn bản hành chính của một số đơn vị, đoàn thể… Nguyên nhân là do một số cán bộ, chuyên viên chưa thật sự quan tâm và nghiêm túc thực hiện theo những quy định hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính.

Để nâng cao chất lượng văn bản cần phải quán triệt và vận dụng một cách sáng tạo các yêu cầu và nguyên tắc viết văn bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình soạn thảo văn bản.

Trước hết, về nội dung: Trong quá trình soạn thảo phải đặc biệt chú ý tới tính mục đích của văn bản. Yêu cầu tính mục đích văn bản là phải thể hiện được mục tiêu và giới hạn của văn bản. Tức là, trước khi soạn thảo phải trả lời được các vấn đề: Văn bản này ban hành ra để làm gì? Giải quyết công việc gì? Mức độ giải quyết đến đâu? Tính mục đích này còn được thể hiện ở khả năng phản ánh mục tiêu đường lối, chính sách của Đảng; của cấp uỷ và bảo đảm triển khai dưới sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp vào thực tiễn hoạt động một cách sáng tạo.

Văn bản phải đảm bảo tính khoa học: Tức là các thông tin, số liệu, sự kiện đưa vào văn bản phải rõ ràng, chính xác và có giá trị, không nên dùng những sự kiện và số liệu quá cũ. Nội dung văn bản phải rõ ràng, không làm cho người đọc hiểu theo nhiều cách khác nhau. Mỗi câu, mỗi chữ đều có ý nghĩa. Viết ngắn gọn, mạch lạc rõ ràng, trong sáng và dễ hiểu. Trình tự, bố cục văn bản phải chặt chẽ, hợp lý và logic.

Văn bản phải có tính khả thi: khi ban hành văn bản, đơn vị ban hành bao giờ cũng phản ánh đúng sự thật khách quan. Nếu là báo cáo thì phải viết đúng sự thật không che dấu khuyết điểm, thổi phồng, “tô hồng” ưu điểm. Thực tiễn xảy ra đến đâu, đề ra chủ trương, mục tiêu, giải pháp đến đó. Hết sức tránh tình trạng văn bản ban hành không đi vào thực tiễn chính sách. Nội dung văn bản đưa ra những yêu cầu và trách nhiệm thực hiện phải hợp lý. Tức là phải phù hợp trình độ năng lực của người thực hiện. Văn bản ban hành muốn có tính khả thi thì phải được ban hành theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của từng đơn vị, nội dung không trái hiến pháp, luật, văn bản cấp dưới không trái với văn bản cấp trên. Đặc biệt văn bản phải được ban hành theo đúng thể thức và phải do người có thẩm quyền ký.

Văn bản phải đảm bảo tính quần chúng: Văn bản phải đảm bảo có tính nội dung thiết thực rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, mang tính phổ cập, phù hợp với trình độ dân trí. Người viết hay người soạn thảo phải đặt mình vào địa vị của người đọc, người thực hiện. Theo cách viết của Người là phải học cách nói của quần chúng… Mỗi chữ viết phải thể hiện được tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng. Phải luôn dùng những lời lẽ, những ví dụ giản đơn, thiết thực và dễ hiểu và cần phải hạn chế đến mức thấp nhất sự vay mượn từ nước ngoài, tây hoá. Tính quần chúng thường gắn với sự ngắn gọn, đủ ý. Viết nhiều lời trùng lặp sẽ làm mờ ý chính, gây khó hiểu cho nội dung văn bản.

Thứ hai, yêu cầu hình thức văn bản: Mỗi loại văn bản có chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền thông tin khác nhau nên kết cấu trình bày và văn phong cũng khác nhau. Viết hay soạn thảo phải đảm bảo đúng và thống nhất về khuôn mẫu, phù hợp với từng loại văn bản.

Khi soạn văn bản hành chính phải luôn chú ý đến văn phong hành chính. Văn phong hành chính có tính nghiêm túc, dứt khoát, bám sát nội dung vấn đề. Ngôn ngữ hành chính giàu khái niệm mà ít hình ảnh. Nó giúp cho người đọc hiểu ngay ý tác giả, không quanh co úp mở. Viết văn phải chú trọng đến kỹ thuật, trình bày bảo đảm tính chặt chẽ, tính tổng hợp, tính dân tộc và tính quần chúng.

Trong giai đoạn hiện nay, thiết nghĩ học tập phong cách nói và viết của Người trong quá trình soạn thảo văn bản hành chính là điều hết sức quý báu và cần thiết. Mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên Trường Chính trị tỉnh cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm, nghiêm túc học tập, gắn với làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có phong cách nói, viết của Người để nâng cao năng lực công tác chuyên môn, giảng dạy, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên “vừa hồng vừa chuyên” đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới./.

_____________

(1),(2),(3),(4),(5),(6),(7),(8):Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 2002; tr 306, 301, 304, 300, 299, 303, 302, 306.





Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=van-dung-phong-cach-dien-dat-cua-ho-chi-minh-trong-giang-day-soan-thao-van-ban-hanh-chinh-nha-nuoc-o-truong-chinh-tri-tinh-phu-tho
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com