Thứ sáu, 31.08.2018 GMT+7

ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG XÂY DỰNG VĂN HÓA, ĐẠO ĐỨC Ở CHI BỘ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Văn hóa, đạo đức là một hệ giá trị, chuẩn mực đạo đức hình thành trong đời sống xã hội, thể hiện thông qua các thiết chế văn hóa - xã hội, nhân cách, hành vi đạo đức của cá nhân, nhóm và cộng đồng; được bảo tồn, lưu giữ thông qua truyền thống đạo đức của dân tộc và phát triển phù hợp với giai đoạn mới. Đối với cán bộ, đảng viên của Đảng, văn hóa, đạo đức vừa mang những nét chung của văn hóa, đạo đức xã hội, vừa có những nét riêng, phản ánh trình độ phát triển cao nhân cách của người cộng sản. Văn hóa, đạo đức của cán bộ, đảng viên được hình thành, phát triển trong quá trình công tác, rèn luyện của mỗi người.

Nhận thức rõ điều này, trong mọi thời kỳ cách mạng, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức chú trọng xây dựng văn hóa, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, coi đó là một trong những bảo đảm để Đảng luôn xứng đáng là lực lượng lãnh đạo đất nước, dân tộc, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng; thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.

Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, được tiến hành toàn diện trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, thực hiện chính đốn Đảng để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, để Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng vai trò lãnh đạo đất nước trong tình hình mới.

Trong điều kiện hiện nay cán bộ, đảng viên có rất nhiều cơ hội để học tập, tu dưỡng, phấn đấu, phát triển tài năng; nhiều người đã trở thành những tấm gương tiêu biểu của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời kỳ đổi mới; đồng thời, cũng là những tấm gương tiêu biểu về văn hóa, đạo đức.

Song, bên cạnh đó còn có một bộ phận cán bộ, đảng viên rơi vào lối sống hưởng thụ. Họ đã xa rời nền tảng văn hóa đạo đức cách mạng, trở thành những con sâu, mọt không chỉ làm tổn hại kinh tế - xã hội của đất nước, suy giảm nghiêm trọng niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Ngày nay, việc xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức đối với cán bộ, đảng viên vừa có ý nghĩa cơ bản, lâu dài, vừa mang tính cấp thiết, góp phần khắc phục, đẩy lùi những hạn chế, yếu kém trong Đảng và trong xã hội, bảo đảm cho sự ổn định phát triển, vững vàng của đất nước.

Văn hóa, đạo đức trong Đảng bao gồm các nội dung cơ bản: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên.(Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước).

Nội dung đổi mới và nâng cao chất lượng xây dựng văn hóa, đạo đức trong chi bộ: Cấp ủy tăng cường việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng lý luận; đề cao công tác tự phê bình và phê bình; đẩy mạnh việc học tập Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; cấp ủy tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh.

Đổi mới và nâng cao chất lượng xây dựng văn hóa, đạo đức trong chi bộ giai đoạn hiện nay cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân về thực hành xây dựng văn hóa, đạo đức trong Đảng.

Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm thiết thực góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Trong giải pháp này, cần đổi mới nội dung tuyên truyền giáo dục theo hướng nâng cao nhận thức thực hành văn hóa, đạo đức, vì thực hành là công việc đầy khó khăn mà nếu không có quyết tâm không thể làm được. Theo đó, cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho cán bộ, đảng viên nắm được những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giáo dục về tinh hoa, bản sắc văn hóa truyền thống, lịch sử của dân tộc. Trong giáo dục, cần tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, đặc biệt là nâng cao tính thuyết phục, tính chiến đấu; gắn giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng văn hóa, đạo đức cách mạng với các biện pháp khắc phục hạn chế, yếu kém sau kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng. Trên cơ sở đó, làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên thấm nhuần sâu sắc nền tảng tư tưởng của Đảng; đồng thời, biết vận dụng sáng tạo trong phân tích, đánh giá thuận lợi và thời cơ, khó khăn và thách thức; phân biệt rõ đối tượng và đối tác; kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch. Mặt khác, cần kết hợp chặt chẽ việc giáo dục chính trị, tư tưởng với giáo dục đạo đức, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về những giá trị, chuẩn mực đạo đức, lối sống phù hợp với yêu cầu mới; làm cơ sở để đấu tranh có hiệu quả với những tư tưởng thực dụng, cơ hội, hám danh, tệ tham nhũng, lãng phí, bè phái, cục bộ, mất đoàn kết, quan liêu, xa rời quần chúng… trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay.

Hai là, tiếp tục thực hiện tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ.

Tự phê bình và phê bình như chúng ta đánh răng, rửa mặt hằng ngày. Phê bình là vũ khí sắc bén trong công tác xây dựng Đảng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến suy thoái đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là do thiếu tự phê bình và phê bình. Vì vậy trong sinh hoạt chi bộ, mỗi đảng viên cần thắng thắn phê bình trên tinh thần xây dựng. Người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở, chúng ta nên biết làm cho phần tốt con người nảy nở như hoa mùa xuân, phần xấu ngày càng mất dần đi. Điều ấy chỉ có thể làm được khi mỗi cá nhân biết tự phê bình và phê bình. Trong phê bình tuyệt đối không lợi dụng để hạ bệ, nói xấu người khác. Phê bình cần khéo léo và trên tinh thần nhân văn cách mạng, đó chính là thể hiện văn hóa, đạo đức trong xây dựng Đảng.

Ba là, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. 

Các cấp ủy chi bộ cần xác định: việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cán bộ, đảng viên, của các chi bộ, tổ chức đảng và các tầng lớp nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực sự là tấm gương về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

Xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức  đối với cán bộ, đảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là một đòi hỏi tất yếu đối với Đảng ta. Quá trình này đòi hỏi toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viênphải có quyết tâm chính trị cao, nghị lực mới, với những giải pháp tích cực, đồng bộ. Làm được điều này cũng đồng nghĩa với việc ngăn ngừa nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, củng cố, tăng cường niềm tin, sự gắn bó của nhân nhân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.

Bốn là, các chi bộ phát động phong trào thi đua mỗi người mỗi ngày làm một việc tốt.

Nhân rộng điển hình tiên tiến và thi đua làm việc tốt là một nội dung các cấp ủy chi bộ quan tâm thực hiện. Chú ý định hướng cách thực hiện việc tốt gắn với nhiệm vụ chuyên môn của từng ngành, từng lĩnh vực. Bên cạnh đó, phát động phong trào thi đua làm việc tốt sẽ tạo hiệu ứng cho mỗi cán bộ, đảng viên. Sau mỗi tháng, chi bộ có đánh giá và tuyên dương kèm theo khen thưởng đối với các cá nhân thực hiện được nhiều việc tốt, thẳng thắn rút kinh nghiệm đối với những cán bộ, đảng viên chưa tham gia tốt phong trào thi đua.

Xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức trongchi bộ là một nội dung vô cùng quan trọng, đổi mới và nâng cao chất lượng xây dựng văn hóa, đạo đức là trách nhiệm của mỗi người đảng viên để Đảng ta thật sự là đạo đức, là văn minh. Góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=doi-moi-va-nang-cao-chat-luong-xay-dung-van-hoa-dao-duc-o-chi-bo-trong-giai-doan-hien-nay
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com