Thứ sáu, 31.08.2018 GMT+7

QUYỀN DÂN TỘC VÀ QUYỀN CON NGƯỜI TRONG TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Tuyên ngôn là sự kết tinh cao cả những giá trị lịch sử, pháp lý và đặc biệt là giá trị nhân văn cao cả về quyền dân tộc và quyền con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945

         Có thể nói, vào thời điểm xuất hiện của bản Tuyên ngôn, xứ Đông Dương nói chung và nước Việt Nam ta nói riêng, gần như chưa có tên trên bản đồ chính trị thế giới.Thậm chí, tại Hội nghị giữa các nước thắng trận sau Chiến tranh thế giới thứ II, Đờgôn - Tổng thống Pháp lúc bấy giờ còn yêu cầu các nước coi vấn đề Việt Nam là vấn đề nội bộ của nước Pháp!Bởi thế, mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Người trích dẫn những tư tưởng lớn của nhân loại được thể hiện qua hai bản văn Tuyên ngôn độc lập của Hoa kì và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp để khẳng định quyền con người là cao cả: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Lời nói bất hủ ấy là những cơ sở pháp lí không thể chối cãi để khẳng định quyền con người của dân Việt Nam – một dân tộc từ bùn đen nô lệ đã vùng lên chiến đấu giành cho mình “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc"..

          Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, đóng góp xuất sắc của Hồ Chí Minh cho tư tưởng tiến bộ của nhân loạilà từ quyền con người, Hồ Chí Minh đã nâng lên một cấp độ cao hơn: Quyền dân tộc; Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người và ngược lại, thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc. Giáo sư Nhật Bản Singô Sibata từng đánh giá: “Cống hiến nổi tiếng của Cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ đã phát triển quyền con người thành quyền dân tộc”.Tư tưởng ấy cùng với sự thành công của Cách mạng tháng Tám đã mở màn cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc lan rộng khắp châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh nửa sau thế kỉ XX.

          Ở nước ta, quyền dân tộc đã được giải quyết bằng cuộc Cách mạng tháng Támthành công, đưa Việt Nam từ một nước nô lệ trở thành độc lập;còn quyền con người thì phải trải qua một quá trình lâu dài mới có thể xác lập và thực thi một cách đầy đủ. 73 năm đã trôi qua nhưng những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập về sự thống nhất biện chứng giữa quyền dân tộc và quyền con người, về khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên quyết để giữ vững nền độc lập tự do vẫn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

          Đảng ta vẫn luôn khẳng định: Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân. Quan điểm đó đã được làm rõ qua các bản Hiến phápnăm1946,Hiến pháp năm1959,Hiến pháp năm1980,Hiến pháp năm1992. Và đặc biệt Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm bổ sung quan trọng về quyền con người, đánh dấu một bước tiến đáng kể về tư duy nhà nước pháp quyền và thực hiện quyền con người ở Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên quy định quyền sống; quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, nghiên cứu và thụ hưởng các kết quả khoa học; quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp; quyền được sống trong môi trường trong lành;…

          Năm tháng sẽ trôi qua nhưng bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn sống mãi trong lòng bao thế hệ người Việt Nam không chỉ bởi giá trị lịch sử, pháp lý mà còn bởi giá trị nhân văn về quyền con người và quyền dân tộc. Tôn trọng quyền con người cũng chính là tạo động lực để thúc đẩy sự phát triển của xã hội, bởi con người là chủ thể xây dựng và bảo vệ đất nước, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực để xây dựng CNXH.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=quyen-dan-toc-va-quyen-con-nguoi-trong-tuyen-ngon-doc-lap-va-phat-huy-gia-tri-trong-giai-doan-hien-nay
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com